Có thể nói, so với các chi hội chuyên ngành khác trong Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Phú Yên (HLHVHNTPY), Chi hội Sân khấu có thành phần hội viên đa dạng và “bình dân” nhất với đủ các nghề mưu sinh như cắt tóc, bán rau, đan lưới, bán cà phê, sửa đồng hồ… Nhưng vượt lên tất cả là nhiệt tình của họ đối với nghệ thuật truyền thống …
Vở dân ca kịch khu 5 "Lê Thành Phương" tiết mục biểu diễn của Chi hội sân khấu Phú Yên gây được ấn tượng cho khán giả - ẢNh: D.T.X |
KHÔNG MÀ…. CÓ!
Chi hội sân khấu có 19 hội viên, đa phần là diễn viên, nhạc công quần chúng có năng khiếu bẩm sinh và yêu nghề, say mê nghệ thuật mà phấn đấu vươn lên. Các hội viên đã sáng tác, dàn dựng và biểu diễn rất thành công nhiều vở tuồng, kịch nói, cải lương, dân ca kịch khu 5… được quần chúng đón nhận. Không có nhà hát, không có đoàn nghệ thuật, không có một tổ chức nào trả lương, tự lo lấy âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ…, anh chị em vừa hoạt động dưới sự chỉ đạo của BCH Chi hội (biểu diễn phục vụ các đợt kỷ niệm, sinh hoạt chính trị lớn của tỉnh), lại vừa hoạt động theo hướng tự phát mang đặc trưng “tài tử” phục vụ nhu cầu thưởng thức của quần chúng nhân dân tại địa phương, cơ sở.
Trong 5 năm qua, các hội viên Chi hội Sân khấu đã giành hàng chục huy chương vàng, bạc tại các Hội diễn sân khấu toàn quốc, các hội thi nghệ thuật khu vực, tỉnh và các bộ, ngành TW tổ chức. Tiêu biểu là tác phẩm Chuyện tình Ma Lim của đồng tác giả Ka Sô Liễng - Nguyễn Phụng Kỳ do Phạm Ngọc Sơn đạo diễn, đã đoạt huy chương bạc tại Hội diễn sân khấu không chuyên toàn quốc năm 2002 do Bộ VHTT tổ chức. Tác phẩm này, năm 2003, cũng đã đoạt giải bạc tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn ngành do Bộ Công an tổ chức. Còn tác phẩm Giữ trọn lời thề của nghệ sĩ Vũ Hoài do chính tác giả đạo diễn đã đoạt giải xuất sắc tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng Quân khu 5 năm 2006…
BẢO TỒN, PHÁT HUY VỐN VĂN HOÁ DÂN TỘC
Được sự quan tâm tạo điều kiện của Thường trực HLHVHNT tỉnh Phú Yên, Chi hội Sân khấu đã tổ chức tập luyện, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình “Đưa sân khấu vào học đường”. Theo nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ, Phó Chủ tịch HLHVHNT tỉnh, hội viên chi hội, mục tiêu của chương trình là nhằm giới thiệu với các đối tượng học viên, học sinh, sinh viên… đặc trưng của các loại hình sân khấu, từ đó góp phần nâng cao sự hiểu biết về văn hoá truyền thống của dân tộc đối với thế hệ hôm nay. Chỉ trong năm 2005, Chi hội đã “Đưa sân khấu vào học đường” tại 9 trường và một cơ quan, với các trích đoạn tuồng Thị Kính - Thị Màu, Trưng Trắc - Trưng Nhị, trích đoạn dân ca Lê Thành Phương cùng những trích đoạn cải lương đề tài phong phú, gắn liền cuộc sống đương đại. Em Lê Thị Vân, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, bộc bạch: Được xem các trích đoạn này, em mới biết rằng nghệ thuật dân tộc của nước Việt
Từ đây đến năm 2011, cùng với củng cố, phát triển tổ chức, tích cực nâng cao chất lượng sáng tác, dàn dựng, biểu diễn của hội viên, tiếp tục đưa sân khấu vào học đường…, một nhiệm vụ lớn của Chi hội Sân khấu Phú Yên là phát hành 1 CD dân ca Phú Yên, dân ca khu 5 về thời kỳ kháng chiến chống Pháp đánh Mỹ và xây dựng cuộc sống hoà bình hôm nay. Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Phú Yên nhiệm kỳ 2006 – 2011 Lê Văn Hiếu cho biết: “Cùng với hoạt động biểu diễn, việc sưu tầm, lưu giữ, phổ biến các giá trị văn hoá truyền thống cần được quan tâm thích đáng để chúng không bị mai một…”
THẠCH BÍCH