Chủ Nhật, 06/10/2024 03:10 SA
“Di tích Văn hóa Chăm ở Phú Yên” – một đề tài nghiên cứu nghiêm túc và nhiều ý nghĩa
Thứ Ba, 20/12/2005 11:05 SA

Đề tài “Di tích Văn hoá Chăm ở Phú Yên” do Bảo tàng tổng hợp Phú Yên thực hiện vừa được Hội đồng khoa học tỉnh nghiệm thu và xếp loại xuất sắc. Đề tài đã giúp cho người đọc nhận thức rõ hơn về diện mạo của di tích Chăm trong suốt chiều dài lịch sử Phú Yên. Những kết quả này có thể sử dụng để giới thiệu, giảng dạy, tuyên truyền cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, nhất là thế hệ trẻ để họ hiểu hơn về lịch sử, về giá trị các di sản văn hoá Chăm trên quê hương mình, qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trong cộng đồng.

 

NHỮNG DI TÍCH VĂN HÓA CHĂM Ở PHÚ YÊN

 

Anh Nguyễn Danh Hạnh, chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Đề tài khoa học này nhằm đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di tích văn hóa Chăm, phục vụ cho sự phát triển văn hóa – xã hội của tỉnh”.

 

Đề tài nghiên cứu đã khẳng định: Các di tích văn hoá Chăm trên địa bàn Phú Yên, khá phong phú về loại hình, bao gồm các di tích kiến trúc đền tháp, di tích thành cổ, di tích giếng nước. Các di tích điêu khắc không những phong phú về số lượng mà cả về loại hình và chất liệu chế tác. Những di tích văn hoá Chăm đã phản ánh đời sống tâm linh phong phú của người Chăm trong lịch sử. Đặc điểm thứ hai là phần lớn các di tích kiến trúc Chăm đều tập trung tại vùng đồng bằng thuộc hạ lưu các con sông. Trong đó vùng đồng bằng Tuy Hoà là khu vực tập trung nhiều nhất di tích văn hoá Chăm. Và đặc điểm thứ ba là phần lớn các di tích kiến trúc Chăm ở Phú Yên tồn tại ở dạng phế tích, chỉ có Tháp Nhạn là di tích còn tương đối nguyên vẹn. Sự hư hại có thể là do những di tích này tồn tại trong một thời gian quá dài không được sự chăm sóc, hơn nữa các công trình kiến trúc được xây dựng chủ yếu bằng gạch Chăm có độ bền vững không cao nên đã tự đổ sụp. Cho đến nay trong các thư tịch cũng như trên thực tế chưa có một bằng chứng nào nói về việc người Việt tàn phá các di tích văn hoá Chăm. Những khu dân cư của người Việt vẫn ở bên cạnh những ngôi tháp Chăm cổ kính và người Việt nhìn những di tích này với con mắt kính trọng. Cũng chính vì vậy, trên các phế tích Chăm, người Việt thường xây các công trình tôn giáo tín ngưỡng, phần lớn là miếu thờ Thiên Yana. Một số di tích như Tháp Nhạn, Tháp Bà (Nha Trang) vẫn được người Việt tiếp tục thờ phụng. Điều đó giải thích vì sao trải qua rất nhiều biến cố lịch sử, hiện nay chúng ta vẫn còn tìm thấy được rất nhiều di tích Văn hoá Chăm.

 

VÙNG ĐỒNG BẰNG TUY HÒA - MỘT TIỂU QUỐC CHĂMPA

 

Những kết quả nghiên cứu về văn hoá Chăm trong thời gian gần đây đã chỉ ra rằng vương quốc Chămpa ngay từ đầu không phải đã là một nhà nước thống nhất, mà là một tập hợp gồm nhiều tiểu quốc. Do địa hình đặc thù của miền Trung mà mỗi vùng đất nằm giữa các dãy núi cao đâm thẳng từ phía Tây ra biển có thể là một tiểu quốc. Vùng đồng bằng Tuy Hoà có đầy đủ những điều kiện thuận lợi để hình thành một tiểu quốc. Nếu theo mô hình của một tiểu quốc Chămpa đã được các nhà nghiên cứu đúc kết, thì kinh đô tiểu quốc này là di tích Thành Hồ, thánh địa có thể là di tích núi Bà và hải cảng nằm gần khu vực Tháp Nhạn.

 

 

Đóng góp của đề tài là đã tổng hợp hầu hết các di tích Chăm trên địa bàn tỉnh, kể cả các di vật (động sản và bất động sản). Theo tôi đây là một đóng góp quan trọng, vì nó giúp người đọc, nhất là các cơ quan quản lý nắm vững số lượng di tích văn hoá Chăm trên địa bàn, tình trạng phát hiện, nghiên cứu và tình trạng bảo tồn của các di tích. Căn cứ vào đề xuất của đề tài có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn, chính xác đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích Chăm trong tỉnh”.

 

                     PGS – TS NGUYỄN QUỐC HÙNG

         (Phó Cục Trưởng Cục Di sản văn hoá)

     

“Điều đáng nói ở đây là tác giả đã từng tham gia hầu hết những cuộc khảo sát điều tra, khai quật, cho nên khối tư liệu trong đề tài có độ tin cậy cao. Và cũng từ đó mà làm sáng tỏ được một số vấn đề đặc trưng từng loại hình di tích, phạm vi phân bố và mối quan hệ của nó trong các tỉnh miền Trung, địa bàn xưa của vương quốc Chăm pa. Đó chính là cái mới, cái đóng góp khoa học của đề tài. Riêng việc mô tả rõ ràng, mà không rườm rà các loại di tích và việc thống kê các hiện vật của từng địa điểm là một sự đóng góp đáng trân trọng.

 

Tác giả khá tự tin vào lập luận của mình dựa trên những cứ liệu cụ thể mà tác giả thu thập được trực tiếp. Đây chính là tính ưu việt của phương pháp Khảo cổ học mà tác giả đã vận dụng khá sít sao, khiến cho người đọc, dù đồng tình hay không đồng tình với luận điểm của tác giả, cũng phải tự mình suy ngẫm lại một cách nghiêm túc. Tôi cũng là một người trong số đó và xác nhận đây là công trình tổng hợp đầu tiên về di tích văn hóa Chăm trên đất Phú Yên”.

                              TS ĐINH BÁ HÒA

(Phó Giám đốc Bảo tàng Bình Định)

 

Ngoài di tích Tháp Nhạn, các di tích văn hoá Chăm trên địa bàn Phú Yên bao gồm di tích thành Hồ, di tích Bia Chợ Dinh, di tích Đông Tác cũng đã được lập hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh và di tích cấp quốc gia. Những di tích văn hoá Chăm, nhất là các công trình kiến trúc, không những chứa đựng trong bản thân nó các giá trị về lịch sử văn hoá, mà còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn về kỹ thuật xây dựng, về chức năng tôn giáo tín ngưỡng, về nhận thức thẩm mỹ… của người Chăm. Do đó, phần lớn các di tích văn hoá Chăm đều là những địa điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch, nhất là hiện nay có rất nhiều du khách muốn tận dụng du lịch để tìm hiểu về nền văn hoá của những dân tộc khác. Nhiều di tích có thể trở thành những điểm du lịch hấp dẫn như di tích Hồ Sơn, di tích bia Chợ Dinh và nhất là di tích Tháp Nhạn và Thành Hồ. Đặc biệt hầu hết các di tích văn hoá Chăm quan trọng ở Phú Yên đều nằm ở hai bên bờ sông Đà Rằng. Do đó, một tuyến du lịch theo đường sông tham quan các di tích văn hoá Chăm nói riêng cũng như khám phá các loại hình di tích văn hoá khác có thể hấp dẫn du khách. Thế nhưng việc khai thác du lịch tại các di tích văn hoá Chăm ở Phú Yên có lẽ chưa tương xứng với những giá trị vốn có của nó. Tác giả đề tài hy vọng trong một tương lai gần, những hoạt động du lịch tại các di tích văn hoá Chăm sẽ mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Phú Yên phát triển.

 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Phú Yên, đánh giá: “Đây là một đề tài được nghiên cứu hết sức nghiêm túc và công phu. Nội dung của nó vô cùng quan trọng nên sắp tới, đề tài này được đưa vào CD để phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy”.

 

MINH NGUYỆT

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek