Chủ Nhật, 06/10/2024 03:11 SA
Đọc nô lệ của tình yêu
Thứ Sáu, 16/12/2005 18:09 CH

Nhà văn, dịch giả Đào Minh Hiệp mà sự nghiệp sáng tác cùng dịch thuật đã được khẳng định, lần này đã chọn những truyện ngắn đặc sắc để chuyển ngữ của các tác giả lừng danh: Knút Hamsun (NaUy), Singhiz Aimatốp (Kíêghizi, Liên bang Nga), Ácturô uxla Pietơri (Venezuela), Borit Gorbatốp (Nga), Etga Pô (Mỹ), Anatôli Znamenxki (Nga), Iuri Kazakôp (Nga), Modar Đumbatze (Gruzia, Liên Xô), Iuri Rứtkhêu (Sucốtca, Liên bang Nga)… Những tác giả có những thể hiện khám phá độc đáo nhưng rất khác nhau cả trong bút pháp lẫn chủ đề khai thác: Từ tình yêu đôi lứa đến sự đấu tranh của con người chống lại những lề thói, tập tục lạc hậu và tàn nhẫn của xã hội tư bản, đề cao những giá trị tinh thần, ca ngợi lao động, kêu gọi con người trở về thiên nhiên, đến sự mâu thuẫn giữa những nền văn hóa khác nhau, từ sự cuốn hút của những đô thị văn minh đến cuộc sống của con người vùng băng tuyết Bắc Cực, từ giản đơn đời thường thật cụ thể đến những kết cấu tưởng tượng đầy kinh dị… rất đa dạng.

 

 

NÔ LỆ CỦA TÌNH YÊU, nhan đề sách cũng là tên một truyện ngắn rất hay của nhà văn Knút Hamsun (NaUy). Một truyện ngắn hiện đại nhất vì nó đơn giản mà phức tạp. Truyện cứ như đùa mà thật, cạn cợt mà sâu thẳm, tỉnh táo mà đau xót. Chàng trai có bộ vét tông xám, tên Vladimia T. mê cô gái áo vàng làm ở gánh xiếc, trong khi cô gái phục vụ cà phê lại mê chàng ta. Cả hai đều nô lệ trong tình yêu đơn phương. Rồi cũng chả được cái gì cả ngoài sự nô lệ tình yêu. Rốt cuộc, mất việc và đánh mất đi cả niềm vui sống! Truyện rõ ràng đến mức tăm tối, cụ thể đến mức hoang đường. Là độc giả, tôi rất thích truyện này, nghĩa là thích cô gái bán cà phê này:

 

"- Anh Vladimia đã tặng bó hoa này cho tôi, - tôi nói rồi vội vàng mang bia đến các bàn.

 

Anh vẫn chưa đi. Cuối cùng khi anh đứng lên, tôi đến cảm ơn anh một lần nữa. Anh nói:

 

- Thật ra tôi mua chúng không phải cho cô…

 

Thì đã sao? Rất có thể anh đã mua bó hoa cho một cô gái khác, nhưng anh đã tặng cho tôi. Tôi đã nhận hoa chứ không phải cô gái mà anh định tặng. Và anh đã cho phép tôi cảm ơn anh. Chúc anh ngủ ngon, Vladimia.

 

Anh nhún vai đáp:

 

- Không phải tôi yêu cô đâu, nô lệ ạ…

 

Anh không yêu tôi, thì đã sao. Tôi biết và không hề đau khổ vì điều đó. Nhưng tối nào tôi cũng được gặp anh, anh ngồi vào bàn của tôi chứ không phải bàn của người khác. Còn tôi, tôi là người mang bia ra cho anh. Mời anh, anh Vladimia!".

 

Trong một bài điểm sách, không cho phép phân tích sâu về truyện ngắn này được. Quả thật, Knút Hamsun (1859-1952), giải thưởng Noben 1920, là một trong số những nhà văn đã đem lại cho văn xuôi NaUy một phong cách mới mẻ độc đáo trong bút pháp.

 

Trong tập sách này có truyện DÒNG MÁU của Nodar Đumbatze, nhà văn nổi tiếng người Gruzia (Liên Xô). Những cuộc đối thoại và phản tỉnh sâu thẳm một cách dân dã giữa ông nội người Gruzia và bà ngoại người Imeretin về thằng cháu mồ côi phải theo ai. Bằng một cấu trúc truyện kỳ lạ: ông già và bà già hiện diện, hoạt động và đối thoại để mục đích qui về một nhân vật đứng bên ngoài, đó là đứa cháu. Những giằng xé nội tâm đạt đến độ cao và độ sâu cũng là ở đứa cháu để quyết định. Ở truyện "Dòng máu" này của Nodar Đumbatze, điều đứa cháu quyết định trở về với ông nội thoạt tưởng là tự do, nhưng là tự do nô lệ. Trong khi truyện "Nô lệ của tình yêu" tưởng là nô lệ, nhưng là nô lệ tự do. Tất cả phủ trong một màn sương vô hình bí ẩn.

 

Với một bút pháp và chủ đề khác, đặc biệt là năng lực tưởng tượng phi thường, nhà văn Etga Pô (Mỹ) có truyện "Bức chân dung hình ôvan". Nhân vật "tôi" trong truyện bị thương sau trận giao chiến với bọn cướp, được người hầu Pêđơrô đưa vào một pháo đài để trốn tránh và chữa chạy. Trong pháo đài có một bức tranh vẽ chân dung một thiếu nữ, mà nghệ thuật đạt đến tuyệt đỉnh của tài nghệ. Tìm thấy được trang viết giải thích bức tranh, ông ta mới biết rằng bức tranh vừa vẽ xong, là người mẫu chết. Người mẫu là người vợ thân yêu của họa sĩ tài ba!...

 

Trong truyện "Xưpaisi" của TSinghz Aimtốp và truyện "Bức chân dung hình ôvan" của Etga Pô đều có không khí hăng say cuồng nhiệt của lao động: Lao động trị thủy để phụng sự cuộc sống con người và lao động nghệ thuật hội họa để phụng sự cũng cho chính con người, nhưng ánh sáng chân lý phát ra lại khác hẳn. Ở truyện của Aimatốp là ánh sáng tất yếu phải như thế, còn ở truyện của Pô lại là ánh sáng chói lòa, loại ánh sáng vừa nhìn lại thì đã tắt rồi!

 

Truyện "Hai người đàn ông" của Borit Gorbatôp đã thể hiện một trí tưởng tượng tuyệt vời để cấu trúc và thể hiện một trí tưởng tượng tuyệt vời để cấu trúc và thể hiện nhân vật, hai nhân vật, từ hai mẫu giấy viết tìm được đã cũ ở phòng lưu trữ đảo Đích Xơn và một ở trạm Páplốp. Chủ đề xoáy lên tinh thần trách nhiệm trước tính mạng của người bạn đường ở vùng Bắc Cực, thậm chí cả đến tính mạng của đàn chó nữa. "Đàn chó đã đến lúc không thể chạy theo anh được nữa rồi. Anh đặt chúng lên xe, buộc lại dây thừng vào vai mình và kéo đi. Đàn chó đã kéo con người như vậy là đủ, và bây giờ đến lượt anh kéo chúng. Anh không thể bỏ đàn chó lại". Ở đây, tinh thần trách nhiệm đạt đến cùng cực, trong khi ở truyện "Của phù vân" của Acturô uxla Pietơri, nhà văn nổi tiếng của Venezuela lại từ chối trách nhiệm một cách phi phi lý để được sống trong nhân vật của ông, mà "được sống" trong nhân vật của ông là nỗi tuyệt vọng và sự giải thoát. Gã (nhân vật chính) đã để cho lão chủ quán lấy đi số vàng trong hòm với sự bất lực, nhưng gã lại đủ sức lực cùng nghị lực để nhỏm dậy trên giường để nhìn chiếc hòm mở toang không còn vàng…

 

Không cho phép trong bài viết ngắn đề cập hết các truyện trong sách, nhưng điển hình một số truyện như thế, cũng đủ đánh giá giá trị của tập truyện dịch NÔ LỆ CỦA TÌNH YÊU. Đặc biệt, đọc xong NÔ LỆ CỦA TÌNH YÊU, chúng ta có thể tiếp cận được những nếp suy nghĩ cùng phong cách thể hiện mới mẻ, độc đáo của các nhà văn bậc thầy, làm giàu có hơn nhãn quan và tâm hồn chúng ta. Vâng, NÔ LỆ CỦA TÌNH YÊU khác hẳn với tình yêu của nô lệ cũng như tự do nô lệ khác hẳn với nô lệ tự do. NÔ LỆ là hai chữ lớn, cũng như TÌNH YÊU là hai chữ lớn trùm lên đời sống con người mọi thời, mọi quốc gia.

 

(Tập truyện ngắn của nhiều tác giả -  ĐÀO MINH HIỆP dịch

NXB Văn học 2005)

TRẦM HƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek