Sáng 12/4, tức ngày 10/3 Âm lịch, Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính tại đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc khu di tích Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Đông đảo du khách trong và ngoài nước về tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương. - Ảnh: SGGP |
Tham dự lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng năm nay có Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Phú Thọ, đại diện lãnh đạo các bộ/ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Phú Thọ, đại diện một số địa phương và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài về dự giỗ Tổ, cùng đông đảo nhân dân từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Sau quá trình hành lễ bắt đầu từ trung tâm lễ hội lên đến đền Thượng (nơi tổ chức dâng hương), với lòng thành kính, uống nước nhớ nguồn, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng các vị đại biểu đã dâng hương tưởng niệm các vua Hùng.
Giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Mão 2011 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức với sự tham gia của các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Yên Bái, Nam Định, Quảng Ngãi và Đồng Tháp đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam.
Trước đó, ngày 11/4, tại ngã ba sông Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, lễ hội bơi chải truyền thống TP Việt Trì năm 2011 (còn có tên gọi là lễ hội bơi chải Bạch Hạc) đã diễn ra sôi động. Ngay từ sáng sớm, người dân và du khách đã đứng chật hai bờ sông Lô. Hội thi bơi chải Bạch Hạc năm nay, thu hút 120 vận động viên đến từ 4 đội chải: Việt Trì 1, Việt Trì 2, huyện Tam Nông và đội khách mời đến từ TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) - đây cũng điểm mới của lễ hội năm nay, khi lần đầu tiên có sự tham dự của đội đua ngoài tỉnh.
Tục bơi chải, đua chải ở phường Bạch Hạc, TP Việt Trì đã có từ xa xưa, được tổ chức hàng năm tại đền Tam Giang vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Đây là hình thức luyện quân thủy của cha ông ta nhằm phát huy tinh thần đoàn kết những đội thủy binh. Sau này đã trở thành cuộc đua tài của những đội chải trong các kỳ tiệc làng gắn với lễ thức cầu mùa màng tại các làng xã dọc hai bên sông Hồng, sông Lô.
Sáng cùng ngày, tại khu Đền Hùng, Ban Quản lý Dự án “Trống đồng - Âm vang đất Tổ” đã bàn giao 5 trống đồng cho Bộ Ngoại giao. Những trống này có đường kính 68cm, cao 56cm, mô phỏng hoa văn trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Quảng Xương, Miếu Môn. Thân trống khắc họa hình ảnh 6 di sản văn hóa vật thể của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, gồm Quần thể di tích cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, Hoàng Thành Thăng Long.
Trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2011, lễ dâng hương và dâng sách “Quốc Tổ Hùng Vương” đã diễn ra tại đền Thượng vào sáng 11/4 (9/3 âm lịch). Cuốn sách dày 300 trang, bằng tiếng Việt và tiếng Anh, gồm các phần: Thời đại Hùng Vương truyền thuyết và lịch sử; Nước Văn Lang và khu di tích Đền Hùng; Đền Hùng qua các giai đoạn lịch sử và tấm lòng của người con đất Việt hướng về Quốc tổ Hùng Vương.
Cuốn sách là sự tập hợp và lưu giữ những giá trị văn minh, văn hóa - phong tục, tinh thần - tư tưởng của thời đại Hùng Vương trong tiến trình phát triển nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc.
Từ ngày khai mạc Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2011 đến nay, khu di tích lịch sử Đền Hùng đã đón hàng triệu du khách hành hương trở về với vùng đất cội nguồn của dân tộc.
H.N (tổng hợp)