Thời đại Hùng Vương được biết đến bởi các bằng chứng vật chất kéo dài từ sơ kỳ thời đại đồ đồng đến sơ kỳ thời đại đồ sắt, có niên đại cách đây từ 4.000 năm đến 2.000 năm. Các nhà khoa học phân lập thành các nền văn hóa khảo cổ thuộc thời đại Hùng Vương gồm văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Ðồng Ðậu, văn hóa Gò Mun và văn hóa Ðông Sơn.
Giã bột làm bánh giầy tại lễ hội Đền Hùng 2011 - Ảnh: X.CHƯỜNG
NỀN VĂN HÓA PHÙNG NGUYÊN
Văn hóa Phùng Nguyên lấy theo tên gọi của di tích khảo cổ học đầu tiên thuộc văn hóa này, được phát hiện vào năm 1959 ở làng Phùng Nguyên, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tính đến nay đã có khoảng 55 di tích thuộc văn hóa Phùng Nguyên được phát hiện. Những di tích này phân bố trên địa bàn các tỉnh, thành phố như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng. Hiện vật tìm thấy trong các di tích thuộc văn hóa Phùng Nguyên chủ yếu là vũ khí, công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt bằng hai loại chất liệu chính là đồ đá và đồ gốm. Đồ đá và đồ gốm tìm thấy trong các di tích thuộc văn hóa Phùng Nguyên đã đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật chế tác. Đồ đá được chế tác bằng các phương pháp cưa, khoan, mài, tiện rất tinh xảo, có kích thước tương đối nhỏ, được làm từ đá bazan và các loại đá nephrit, spilit có màu sắc đẹp. Những hiện vật tìm thấy phổ biến là các loại rìu, bôn, đục, bàn mài, mũi tên, mũi giáo, và các loại vòng tay, khuyên tai, nhẫn, ống chuỗi, hạt chuỗi với đủ loại kích cỡ và kiểu dáng khác nhau. Đồ gốm phần lớn được làm bằng bàn xoay, thành gốm mỏng đều, độ nung tương đối cao. Hoa văn trang trí phong phú tạo thành những đồ án đối xứng phong phú và đẹp mắt. Về loại hình có các loại nồi, vò, bình, bát, dọi xe sợi, bi gốm... Ngoài ra, đã phát hiện được tượng động vật bằng đất nung như tượng bò, tượng gà vừa hiện thực vừa sinh động, có thể xem là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình sớm nhất được phát hiện ở Việt
NỀN VĂN HÓA ÐỒNG ÐẬU
Văn hóa Đồng Đậu lấy theo tên gọi di tích Đồng Đậu được phát hiện vào năm 1964 ở xã Minh Tân, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Cho đến nay đã có khoảng 20 di tích thuộc văn hóa Đồng Đậu đã được phát hiện ở Vinh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nội. Các hiện vật bằng đá và bằng gốm vẫn chiếm ưu thế trong tổng số hiện vật tìm thấy trong các di tích thuộc văn hóa Đồng Đậu. Đồ đá gồm công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức. Đồ gốm chủ yếu là nồi, vò được chế tác cẩn thận, phần lớn đồ gốm đều được trang trí hoa văn bao có bố cục phóng khoáng, nhưng phổ biến nhất vẫn là loại hoa văn gồm các đường thẳng chạy song song cách đều nhau được thể hiện bởi dụng cụ có nhiều răng như bút kẻ khuôn nhạc ngày nay, do đó loại hoa văn này vẫn thường gọi là hoa văn khuôn nhạc. Một đặc trưng quan trọng của văn hóa Đồng Đậu là sự phát triển của kỹ thuật luyện kim đồng thau. Hiện vật bằng đồng thau chiếm khoảng 1/5 số công cụ và vũ khí với nhiều loại hình phong phú như rìu, mũi lao, mũi tên, lưỡi câu… Đáng chú ý là trong một số di tích không chỉ tìm thấy hiện vật bằng đồng mà còn tìm thấy khuôn đúc của các loại hiện vật này. Văn hóa Đồng Đậu được xác định thuộc trung kỳ thời đại đồ đồng, có niên đại cách ngày nay khoảng 3.500 năm đến 3.000 năm.
NỀN VĂN HÓA GÒ MUN
Văn hóa Gò Mun lấy theo tên gọi di tích Gò Mun thuộc xã Tứ Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ, được phát hiện vào năm 1961. Đến nay đã có khoảng 30 di tích thuộc văn hóa Gò Mun đã được phát hiện ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang và TP Hà Nội. Hiện vật tìm được trong các di tích thuộc văn hóa Gò Mun cho thấy đồ đá không chỉ giảm về số lượng mà còn giảm về mặt loại hình cũng như kỹ thuật chế tác. Đồ gốm vẫn chủ yếu là các loại nồi, vò được nung với nhiệt độ cao. Hoa văn trang trí trên đồ gốm có xu hướng hình học hóa với những đường gấp khúc hình tam giác, hình bình hành, hình chữ nhật. Trên một số đồ gốm đã bắt đầu xuất hiện hoa văn động vật như chim, cá… Trong khi đó số lượng hiện vật bằng kim loại có xu hướng tăng cao. Công cụ sản xuất và vũ khí tìm thấy trong các di tích thuộc văn hóa Gò Mun chiếm tới 50% tổng số hiện vật, bao gồm mũi tên, lưỡi câu, giáo, lưỡi liềm… Văn hóa Gò Mun được xếp vào giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đồng thau, có niên đại cách ngày nay khoảng 3.000 đến 2.500 năm.
Bộ sưu tập dao găm bằng đồng thuộc văn hóa Đông Sơn.
NỀN VĂN HÓA ÐÔNG SƠN
Văn hóa Đông Sơn lấy theo tên gọi di tích Đông Sơn được phát hiện từ năm 1924. Di tích này nằm bên hữu ngạn sông Mã thuộc địa phận TP Thanh Hóa. Cho đến nay, có khoảng 100 di tích thuộc văn hóa Đông Sơn đã được phát hiện, chủ yếu phân bố ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo lưu vực 3 con sông chính là sông Hồng, sông Mã và sông Cả (sông Lam). Trong các di tích thuộc văn hóa Đông Sơn, hiện vật làm bằng chất liệu đá đã suy giảm về số lượng cũng như chất lượng. Đồ gốm chế tác đơn giản, mang nặng ý nghĩa thực dụng. Trái lại, đồ đồng Đông Sơn phát triển rực rỡ, đạt đến mức hoàn hảo về mặt kỹ thuật cũng như về mặt nghệ thuật. Hiện nay, bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn có đến gần 60 loại hình với nhiều kiểu dáng khác nhau. Về công cụ sản xuất có lưỡi cày, cuốc, thuổng, rìu, dao, đục. Về vũ khí có dao, kiếm, mũi giáo, mũi tên. Đồ dùng sinh hoạt có thạp, thố, bình, vò, ấm, chậu… Nhạc khí có trống, chuông, khèn, lục lạc… Trong đó trống đồng Đông Sơn với kỹ thuật chế tác và trang trí tinh xảo, được xem là biểu tượng của văn hóa Đông Sơn. Trong các di tích thuộc văn hóa Đông Sơn bên cạnh công cụ bằng đồng đã phát hiện được dấu hiệu của nghề luyện sắt, do vậy văn hóa Đông Sơn được các nhà nghiên cứu xếp vào giai đoạn sơ kỳ đồ sắt. Văn hóa Đông Sơn có niên đại khoảng 2.500 đến 1.800 năm cách ngày nay.
* * *
Như vậy, những dấu tích vật chất từ văn hóa Phùng Nguyên qua văn hóa Đồng Đậu, đến văn hóa Gò Mun và cuối cùng là văn hóa Đông Sơn không chỉ cho chúng ta thấy sự phát triển liên tục, lâu dài của các nền văn hoá cổ thuộc thời đại Hùng Vương mà còn cho thấy một quá trình lao động, sáng tạo trong buổi đầu dựng nước của dân tộc Việt Nam.
NGUYỄN DANH HẠNH