Thứ Hai, 20/01/2025 22:58 CH
Hành hương về nguồn cội
Thứ Ba, 12/04/2011 07:30 SA

Trong sâu thẳm tâm khảm của người dân đất Việt, lễ hội Ðền Hùng không chỉ là một lễ hội truyền thống mà đây chính là ngày Giỗ Tổ. Hành hương về Ðền Hùng là hành hương về cội nguồn dân tộc.

 

dang-le110411.jpg

Dâng lễ tại Đền Hùng. - Ảnh: N.HUY

 

Đền Hùng không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà chính là biểu tượng thiêng liêng cho thời lập nước mở nghiệp sơn hà của tổ tiên ta.  

 

HỘI ÐỀN HÙNG THỜI XƯA

 

Lễ hội Ðền Hùng năm 2011

 

Năm nay cùng với tỉnh Phú Thọ còn có 5 tỉnh tham gia Lễ hội Đền Hùng: Tuyên Quang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Đồng Tháp đại diện cho 3 miền trong cả nước. Làm sinh động phần hội có sự lựa chọn các hoạt động văn hóa đặc sắc đại diện cho các tỉnh thành để bổ sung vào chương trình lễ hội. Việc tôn vinh văn hóa dân tộc không chỉ bó gọn trong các hoạt động, trò diễn hội làng quanh núi Hùng mà còn là nét đẹp, nét độc đáo của văn hóa 3 miền Bắc - Trung - Nam.

 

Năm 2011, Lễ hội Đền Hùng ngoài chương trình dâng hương tại đền Thượng vào mùng 10 tháng 3 (âm lịch), Ban Tổ chức còn tổ chức lễ dâng hương ở đền Lạc Long Quân và đền Mẫu Âu Cơ trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày mùng 5 tháng 3, mùng 6 tháng 3 (âm lịch) với nghi thức truyền thống, trọng thể, có sự tham gia dâng lễ vật của các huyện, thị, thành trong tỉnh. Đặc biệt có tổ chức hát chầu văn tại đền Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn và liên hoan tiếng hát làng Xoan, trong đó có trình diễn đêm xoan cổ phục vụ đồng bào và du khách hành hương.

Xưa kia hội Đền Hùng mở 3 ngày, từ mùng 8 đến mùng 10 (âm lịch), trong đó mùng 10 là ngày chính hội. Thời vua Lê Thánh Tông, giỗ Tổ đã trở thành Quốc lễ. Đến thời vua Tự Đức triều Nguyễn, việc này tiếp tục duy trì. Theo lệ chính hội 5 năm một lần, chủ tế là quan Thượng thư Bộ Lễ, năm lẻ tuần phủ Phú Thọ làm đồng chủ trì, chủ tế. Lễ được cử hành vào sáng mùng 10, về dự có tri huyện Lâm Thao, Phù Ninh làm bồi tế và các chức dịch tổng lý các xã. Hội Đền Hùng có nhiều hoạt động văn hóa trong đó có các hoạt động phục vụ việc lễ và những trò vui giải trí phục vụ người dự hội. Khi xưa trong lễ hội có diễn xướng mô phỏng lại sinh hoạt thời dựng nước như cảnh đi săn, rước voi, chạy địch, rước lúa thần (trò Trám - Tứ Xã), rước chúa gái (Chu Hóa, Hy Cương).

 

Không chỉ có xã sở tại Hy Cương làm giỗ mà nhiều xã khác ở Lâm Thao, Phù Ninh thờ Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh vua Hùng cũng mở hội tại làng và rước kiệu về Đền Hùng. Có gần 40 cỗ kiệu được rước từ đình làng các xã đến chầu ở Đền Hùng. Kiệu được xếp hàng ở chân núi để chấm giải. Kiệu nào được giải nhất lần sau được rước lên Đền Thượng.

 

Hội Đền Hùng xưa có khá nhiều trò chơi: đu tiên, ném còn, tổ tôm điếm, múa rối, cờ tướng, cờ người, kéo lửa nấu cơm thi. Đặc biệt là hát xoan của các phường Xoan gốc Kim Đức, An Thái trình diễn ở Đền Thượng. Ngoài hát xoan còn có hát nhà tơ của phường Do Nghĩa, trinh nữ tham gia hát thờ. Trai gái đến hội Đền Hùng còn hát ví giao duyên, có khi cuộc hát kéo dài hết đêm. Hội Đền Hùng còn có trò diễn dân gian của đồng bào Mường - Thanh Sơn, Yên Lập với các hình thức đâm đuống, biểu diễn cồng chiêng đã đem đến lễ hội những âm thanh rộn rã, gợi nhớ hình bóng xã hội Hùng Vương  thuở xưa.

 

hanh-huong110411.jpg

Rước cờ lễ vào Đền Hùng - Ảnh: X.CHƯỜNG

 

MIỀN LỄ HỘI CỘI NGUỒN DÂN TỘC

 

Hiện nay, quy mô Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng ngày càng lớn, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân ở mọi miền đất nước.

 

Nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức và duy trì liên tục chương trình Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam, kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến hết hội Đền Hùng. Trong thời gian trên,  du khách và đồng bào hành hương về đất Tổ có dịp  đắm mình trong các lễ hội truyền thống đặc sắc được tổ chức ở 13 huyện, thành, thị. Trong không gian trải rộng từ Đền Hùng đến Bạch Hạc (Việt Trì), thị trấn Lâm Thao, thị trấn Phong Châu (Phù Ninh) và nhiều làng xã vùng ven khu di tích, nhiều hoạt động lễ hội được tổ chức đan xen với các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của các tỉnh, thành về tham gia Giỗ Tổ đã tạo nên một bầu không khí tưng bừng, rộn rã mà tâm điểm là Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đây là nền tảng để Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội  Đền Hùng chọn lựa những nét đẹp, những trò diễn hội làng tiêu biểu đưa vào chương trình lễ hội Đền Hùng. Chính nét đẹp hội làng trong hội nước đã tôn vinh bản sắc văn hóa vùng đất Tổ và cùng với nhiều hoạt động đặc sắc đại diện cho các vùng văn hóa cả nước tạo nên “Ngày hội non sông” tri ân công đức các vua Hùng, góp phần bồi đắp và làm sinh động thêm bản sắc văn hóa Việt Nam trong một tín ngưỡng thiêng liêng của dân tộc - thờ cúng tổ tiên.

  

TRẦN VĂN QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tháng ba trẩy hội trên đất Tổ
Thứ Ba, 12/04/2011 14:00 CH
Emily Blunt “thay đổi định mệnh”
Chủ Nhật, 10/04/2011 15:00 CH
Phim chiếu rạp: Chiến binh bí ẩn
Chủ Nhật, 10/04/2011 10:30 SA
Khi chèo đến Phú Yên
Thứ Năm, 07/04/2011 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek