Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng
Một góc quần thể thánh địa Mỹ Sơn - Ảnh: T.QUỚI
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70km và cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20km, là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chămpa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2km, bao quanh bởi đồi núi. Từ năm 1999, thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Những tòa tháp nguy nga tráng lệ xưa kia nay đã không còn nữa bởi chiến tranh và thời gian. Nhưng với những phế tích còn lại, ta có thể hình dung đây là một quần thể đền, đài đồ sộ của vương quốc Chămpa. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chămpa cũng như là lăng mộ của các vị vua hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt
Ngoài chức năng hành lễ, giúp các vương triều tiếp cận với các thánh thần, hệ thống đền đài ở thánh địa Mỹ Sơn còn là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại Chămpa và là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu nhiều quyền lực.
Dựa trên các tấm văn bia, người ta biết nơi đây đã từng có một đền thờ đầu tiên được làm bằng gỗ. Hơn 2 thế kỷ sau đó, ngôi đền bị thiêu hủy trong một trận hỏa hoạn lớn. Vào đầu thế kỷ 7, vua Sambhuvarman đã dùng gạch để xây dựng lại ngôi đền còn tồn tại đến ngày nay.
Gạch là vật liệu tốt để lưu giữ ký ức của một dân tộc kỳ bí và kỹ thuật xây dựng tháp của người Chăm cho tới nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Người ta vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thích hợp về chất liệu gắn kết, phương thức nung gạch và xây dựng. Vậy nhưng khu di tích Mỹ Sơn vẫn còn là “ẩn số”. Các lớp gạch đá xây dựng ở khu di tích được người Champa xây hầu như không thấy mạch vữa, mà vẫn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Có nhiều ý kiến khác nhau về những công trình này. Có người thì cho họ đã dùng nhựa cây đốt lên, có người thì nói họ dùng lá cây nghiền ra bôi vào sau đó để cho khô rồi xây tiếp… nhưng vẫn chưa có những kết luận chính xác.
Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn đều thờ một bộ Linga và Yoni hoặc hình tượng của thần Siva - đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Linga-Yoni biểu tượng của năng lực sáng tạo. Mặc dù thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều khu tháp thành phế tích nhưng những hiện vật điêu khắc, kiến trúc còn lại cho đến ngày nay vẫn còn để lại những phong cách giai đoạn lịch sử mỹ thuật dân tộc Chăm, những kiệt tác đánh dấu một thời huy hoàng của văn hóa - kiến trúc Chămpa cũng như của Đông Nam Á.
Mỹ Sơn ngày nay vẫn uy nghi trầm mặc, mang trong mình nhiều bí ẩn. Hãy một lần đến Mỹ Sơn để chiêm nghiệm và hãy biết trân trọng giữ gìn một nền văn hóa rực rỡ trong quá khứ.
QUỲNH MAI