Thứ Năm, 23/01/2025 21:45 CH
Đóng góp của cộng đồng người Hoa trên đất Phú Yên
Thứ Bảy, 19/02/2011 10:00 SA

Tôi sinh ra tại một làng quê. Lúc nhỏ tôi học ở trường làng, có bằng Yếu Lược. Sau đó ba cho tôi vào học chữ Hán tại Trường Minh Nam ở Tuy Hòa, học xong bậc tiểu học là thời cuộc thay đổi. Trục phát xít Đức – Ý – Nhật chiến bại, tiếp theo là Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa (2/9/1945), Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước.

 

Thời gian này chính quyền cách mạng cho phép tổ chức đoàn thể Hoa Kiều để tự quản. Tôi nhớ rõ, toàn tỉnh chia làm 10 phân khu, mỗi phân khu có Lý Sự Hội chỉ đạo, còn ở Tuy Hòa là Lý Sự Hội cấp tỉnh, ông Đường Ký Mai là Hội trưởng.

 

Tình thế đất nước biến đổi, quân Pháp nhờ quân Anh yểm trợ, trở lại xâm chiếm nước ta lần nữa. Lúc này chính quyền cách mạng thối thủ, dùng 4 tỉnh Nam Trung Bộ là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, làm vùng giải phóng, củng cố lực lượng để chống lại quân Pháp.

 

Thời gian này, tôi được đề cử làm thư ký của Phân khu 5 bao gồm 4 xã: An Hiệp, An Cư, An Mỹ và An Thọ (huyện Tuy An), là nơi nhiều người Hoa sinh sống. Tôi còn tham gia đội Thông tin xã, đội văn công xã, phục vụ thông tin tuyên truyền văn nghệ, thể thao.

 

Là thành phần thanh niên tiến bộ của người Hoa, tôi được kết nạp vào Hội Dân Xúc (cảm tình Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1949 tôi được cử đi học khóa bình dân Sư phạm tại Bồng Sơn, do Hội Liên hiệp Hoa Kiều Liên khu 5 tổ chức. Mục đích đào tạo người giáo viên cách mạng thực thụ để phục vụ việc giảng dạy Hán ngữ cho bà con người Hoa ở các phân khu, nhằm nâng cao trình độ giác ngộ của người Hoa, hợp lực đồng tâm kháng chiến chống Pháp.

 

Trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, bà con người Hoa góp phần tài lực đáng kể vào công cuộc cách mạng Việt Nam. Hai lần quân Pháp đổ bộ lên đất Tuy Hòa, chúng cướp bóc, bắn giết, tiêu hủy, không những đồng bào người Việt, mà cả bà con người Hoa cũng thiệt hại.

 

Sau chiến thắng lẫy lừng Điện Biện Phủ (7/5/1954), buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán Genève.

 

Nhưng trớ trêu thay, thực dân Pháp phản bội Hiệp định Genève, âm thầm nhường cho đế quốc Mỹ nhảy vào, đô hộ miền Nam dựng chính phủ bù nhìn Ngụy là Ngô Đình Diệm. Nhân dân miền Nam nói chung, nhân dân Phú Yên nói riêng lại phải đứng lên đấu tranh đánh bọn Mỹ – Diệm, trong đó có bà con người Hoa ủng hộ tham gia kháng chiến. Số người Hoa trước đây đã tham gia kháng chiến chống Pháp, thời điểm này cũng tuân theo Hiệp định Genève tập kết ra miền Bắc.

 

Tất cả số người Hoa ở Phú Yên, đa số là cán bộ và học sinh được tập kết ra Bắc tháng 8/1954, đều có phân công tác và học tập tại các cơ quan ở miền Bắc tham gia công tác xây dựng Xã hội chủ nghĩa cho tới ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975.

 

Sau ngày giải phóng, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên cho phép người Hoa khôi phục hoạt động, thành lập Hội Hoa Liên do ông Tân Dân làm Hội trưởng. Hội Hoa Liên tuyên truyền vận động bà con người Hoa an tâm làm ăn, thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời khôi phục dạy chữ Hoa tại Trường Đức Trí, vận động người Hoa tích cực tham gia công tác văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương. Tổ chức các ngày cúng lễ ở các chùa theo truyền thống và quản lý nghĩa trang của người Hoa.

 

Hầu hết con em người Hoa đều được học tập văn hóa, trong đó có một số người tốt nghiệp đại học. Một số cán bộ người Hoa ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam như các ông: Thái Thọ Dưỡng, Ngô Cần Tùng, Ngô Đa Kỳ và được bầu vào Ủy ban Mặt trận tỉnh Phú Khánh và TX Tuy Hòa.

 

Ngoài ra, một số thanh niên người Hoa đi bộ đội và hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự, trong đó có người đã hy sinh trong chiến đấu, như anh Trần Quang Mỹ ở TX Tuy Hòa đã hy sinh tại chiến trường Tây Nam năm 1981.

 

Nhiều thanh niên người Hoa tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao ở địa phương. Tiêu biểu như Trần Hiếu Ngân, vận động viên Taekwondo, giành được huy chương bạc hạng cân 57kg tại Thế vận hội Sydney năm 2000.

 

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông. Nhân dân hai nước vốn có quan hệ hữu nghị lâu đời. Trong hơn 100 năm từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20, nhân dân hai nước cùng chung cảnh ngộ, bị chủ nghĩa đế quốc, thực dân xâm lược, nên đã cùng nhau sát cánh bên nhau chiến đấu vì mục tiêu cao cả là Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

 

Đặc biệt là từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời năm 1921 và Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945, cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Trung Quốc thắng lợi và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời ngày 1/10/1949, hai nước tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950, đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ Việt – Trung.

 

Hơn 60 năm qua, trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân hai nước Việt – Trung đã đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần đồng chí anh em như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Mối tình thắm thiết Việt – Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em”.

 

Trong dịp thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tháng 2/1999, lãnh đạo hai nước đã nhất trí đề ra phương châm chỉ đạo quan hệ Việt – Trung trong thời kỳ đổi mới là “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.

 

Bà con người Hoa ở Phú Yên sẽ tiếp tục phấn đấu cùng với nhân dân Việt Nam đoàn kết, góp phần to lớn hơn nữa cho công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tin tưởng rằng các thế hệ con cháu người Hoa tự hào và quý trọng truyền thống vẻ vang của ông cha, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

NHẬT THÀNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nô nức hội thơ Nguyên tiêu
Thứ Sáu, 18/02/2011 07:30 SA
Tối nay, khai hội Nguyên Tiêu...
Thứ Năm, 17/02/2011 07:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek