Hâm mộ nghệ thuật tranh bút lửa từ lâu, nhưng mãi đến trước Tết Nguyên đán vừa rồi, “nghệ sĩ vườn” Nguyễn Trọng Thiện ở phường 1, TP Tuy Hòa mới thành công bức tranh đầu tiên “núi Nhạn sông Đà” bằng bút lửa. Anh và những người bạn đang tiếp tục cho ra những sản phẩm bằng nghệ thuật bút lửa, với hy vọng để lại ấn tượng cho du khách khi đến Phú Yên!
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được anh Thiện thể hiện qua nghệ thuật bút lửa. - Ảnh: T.QUỚI
“ĐỐT” THỜI GIAN CHẾ TẠO BÚT LỬA
Từ lâu nghệ thuật bút lửa khá nổi tiếng ở Đà Lạt với những sản phẩm lưu niệm xinh xinh khắc trên gỗ thông, tùng bạch tặng cho du khách; hay Bình Định với quán tranh bên Ghềnh Ráng của nghệ sĩ Zdũ Kha viết bút lửa đề thơ Hàn Mặc Tử. Ở Phú Yên, Nguyễn Trọng Thiện là người đầu tiên thực hiện nghệ thuật tranh bút lửa. Những bức tranh “kinh điển” của quê hương núi Nhạn, sông Đà đã được khắc lại trên gỗ bằng ngòi bút lửa đầy năng lượng và sáng tạo nghệ thuật.
Nguyễn Trọng Thiện bị mê hoặc bởi cái thứ “màu đơn sắc” được khắc từ vết cháy sém của lửa trên mặt gỗ. Thế là anh sắp xếp công việc bề bộn của minilab khăn gói lên các cơ sở sản xuất đồ lưu niệm khắc bút lửa trên gỗ ở Đà Lạt, Quy Nhơn để tìm hiểu cách thức làm ra cây “bút lửa” và kỹ thuật đốt cháy trên mặt gỗ. Nhưng những chuyến đi ấy, anh Thiện không thu được nhiều thông tin, nhất là việc chế tạo ra “bút lửa”. Bởi đó là bí mật nghề nghiệp. Không nản chí, với những gì nhìn thấy, anh Thiện về nhà mày mò nghiên cứu để tạo ra cho được cây bút lửa. Chị Tường Vi, vợ anh Thiện, kể: “Có những đêm, ảnh như người mộng du. Đang ngủ, chợt nảy ra điều gì, bật dậy lên gác xép, hì hục với dây điện, ổn áp, dây thép… đến nửa đêm mới thôi”. Còn anh Thiện thì cười hì hì: “Phải tốn gần cả năm trời mày mò tháo ra lắp vào, làm đi, làm lại, xin tiền vợ mấy lượt mới ra cây bút lửa”.
Thật ra cấu tạo và nguyên lý của bút lửa khá đơn giản. Mũi viết được uốn từ sợi dây thép, đấu nối với nguồn điện 12V cho mũi viết đỏ hồng để có thể “đốt” cháy mặt ván gỗ. Nói vậy, nhưng thực tế, khi sợi thép đỏ hồng thì sẽ bị mềm và vẹo mũi ngay chứ chưa thể viết hay khắc gì được. Bí mật là ở chỗ tìm ra loại thép đặc biệt, không cứng quá cũng không mềm quá (cứng quá sẽ không đủ nhiệt để đốt) và điều chỉnh nhiệt độ từ ổn áp.
Xưởng tranh bút lửa của anh Thiện nằm trên căn gác xép với bừa bộn những khung hình, ván gỗ và đủ thứ lộn xộn. “Thật ra đây là cái kho khung ảnh (nhà làm tiệm chụp ảnh) mình tận dụng để trốn mọi người tìm tòi chế tác bút lửa và thử tài với nó trên chất liệu gỗ” - anh Thiện giãi bày. Đồ nghề để làm tranh không như xưởng vẽ thông thường với sơn, cọ, bột màu mà chỉ có một cây bút chì để phác thảo và cây bút lửa cùng chất liệu vẽ là ván ép!
ĐỘC ĐÁO TRANH BÚT LỬA
Theo anh Thiện, có hai điểm mấu chốt để một người có thể làm tranh nghệ thuật từ bút lửa là chế tạo ra cây “bút lửa” và có khả năng hội họa. Bởi trước khi “đốt” tranh, người làm tranh phải phác thảo hình ảnh bằng nét chì, đó có thể là chép lại một bức ảnh, bức tranh hay sáng tác mới.
Anh Nguyễn Trọng Thiện đang khắc bút lửa bức Tháp Nhạn - Ảnh: T.QUỚI |
Bức tranh bút lửa đầu tiên mà Nguyễn Trọng Thiện khắc “coi được” là bức “Cầu Đà Rằng và buồm sông Ba”, được khắc lại từ một bức ảnh do chính anh chụp. Để làm ra bức này anh Thiện mất gần 1 tuần lễ. Đầu tiên phải tìm vật liệu gỗ. Ở Đà Lạt người ta khắc bút lửa trên gỗ tùng bạch (phải nhập khẩu), thông loại gỗ mềm, có màu trắng để làm nổi lên vết cháy sém của bút lửa. Còn Phú Yên thì “bó tay” với loại vật liệu khá đắt tiền trên. Hơn nữa, để tìm ra một khối gỗ có đường kính từ nửa mét để xẻ làm tranh thì càng khó. Cái khó ló cái khôn, anh Thiện xoay qua tìm ván ép. Ván ép vừa thỏa mãn về điều kiện diện tích bề mặt, vừa có màu sáng, ít vân. Tiếp đến là phải canh tỉ lệ chép lại bức ảnh, tranh qua mặt gỗ bằng nét chì, sau đó mới khắc bằng bút lửa.
Trong số những bức phong cảnh của đất Phú như: Tháp Nhạn, sông Đà, núi Đá Bia, gành Đá Dĩa… đã thực hiện được, anh Thiện đã dày công đầu tư và tâm đắc nhất là bức chân dung bán thân của Hồ Chủ tịch. Anh Thiện cho biết, những bức khác do tự anh phác thảo và khắc, riêng bức chân dung Bác Hồ anh phải nhờ một người bạn là họa sĩ theo trường phái truyền thần phác thảo, rồi anh mới thực hiện khắc lại bằng bút lửa.
Sản phẩm tranh bút lửa của anh Thiện chú trọng vẽ tranh khổ lớn. Bởi theo anh chỉ có tranh khổ lớn mới chuyển tải đầy đủ những hình ảnh, phong cảnh đất nước con người. Tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu quà tặng du lịch cho khách khi đến Phú Yên, anh Thiện và những người bạn đang tính đến những mẫu sản phẩm nhỏ gọn hơn.
Hiện sản phẩm tranh bút lửa của Nguyễn Trọng Thiện đã có mặt ở một số cửa hàng lưu niệm. Một số bạn hữu, cơ quan, đơn vị biết đến tranh nghệ thuật bút lửa của Thiện đều đặt mua để làm quà tặng cho khách quý khi đến Phú Yên. Mỗi bức tranh khổ 60 x 80 cm có giá từ 600.000 đồng -1 triệu đồng.
GIA MINH