Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 31 năm 2011 là một trong những nội dung quan trọng, mở đầu cho các hoạt động kỷ niệm 400 năm Phú Yên và Năm Du lịch quốc gia các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ được tổ chức tại Phú Yên.
Khán giả xem sắp đặt thơ tại núi Nhạn. - Ảnh: D.T.XUÂN
Chính vì vậy, không chỉ Ban tổ chức mà các văn nghệ sĩ tham dự Hội thơ Nguyên tiêu lần thứ 31 đều rất hào hứng và có tinh thần trách nhiệm cao với mong muốn hội thơ thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đồng thời quảng bá về tiềm năng du lịch của tỉnh đối với bạn bè xa gần. Trong đêm khai mạc hội thơ, ngoài đông đảo người yêu thơ ở Phú Yên, các nhà thơ ở Bình Định, Huế, Đà Nẵng cũng đã kịp về sớm tham dự hội thơ.
Hội thơ Nguyên tiêu năm nay, ngoài các chương trình đã được tổ chức từ năm ngoái nhân kỷ niệm 30 năm Thơ Nguyên tiêu Phú Yên 2010 như: triển lãm ảnh nghệ thuật, trình diễn thư pháp, giao lưu với các nhà thơ…, còn có thêm nghệ thuật sắp đặt thơ và cuộc thi Người đẹp Nguyên tiêu qua ảnh.
Trên cơ sở hơn 650 bài thơ của nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh gửi đến, Hội đồng VHNT của tỉnh đã chọn 65 bài để đưa vào tập Thơ Nguyên tiêu 2011, 35 bài in vào panô treo trên “Đường thơ”, 120 bài đưa vào sắp đặt thơ, 40 bài để trình bày trong 2 đêm rằm và 16 tháng giêng. Ngoài ra, để phục vụ Triển lãm ảnh nghệ thuật trong hội thơ, Ban tổ chức đã chọn trưng bày 100 tác phẩm của 63 nghệ sĩ nhiếp ảnh trong khu vực Nam Trung Bộ.
Năm nay, người đến dự hội thơ đông hơn nhiều so với năm ngoái, song, do lối lên núi Nhạn đã được tu bổ, sửa chữa và mở rộng nên phục vụ tốt cho dòng người đi trẩy hội, không còn tình trạng chen lấn như những năm trước. Trên “Đường thơ”, du khách được đọc những áng thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt, của Bác Hồ và các thi sĩ tài năng khác. Trước khi xem triển lãm ảnh và nghệ thuật sắp đặt thơ, mọi người tham dự lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước. Các tác phẩm nhiếp ảnh đã phản ánh rất sâu sắc về đất nước và con người trên dải đất duyên hải Nam Trung Bộ, giàu tính nghệ thuật. Và điều thú vị nhất là những áng thơ hay từ cổ chí kim đã được trình bày rất khéo trên các tấm bình phong, trên quạt và trên đèn lồng, với những vật liệu đơn sơ mộc mạc rất gần gũi với đời sống con người xưa nay là tre nứa và dây thừng.
Hoạt động được nhiều người quan tâm nhất trong đêm rằm Nguyên tiêu là chương trình ngâm và đọc thơ bên chân tháp Nhạn. Sau bài diễn văn khai mạc của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Kim Anh và tiếng trống khai hội của Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc, hai bài thơ truyền thống Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và Nguyên tiêu của Bác Hồ đã được cất lên một cách hào sảng. Sau đó, cùng với 3 bài thơ được phổ nhạc, ban tổ chức đã chọn 15 bài thơ của các tác giả Phú Yên thuộc đủ lứa tuổi, thành phần, nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo để trình bày trong đêm thơ. Người dẫn chương trình, nhà báo Phương Trà, đã giúp cho khán giả cảm nhận tốt hơn giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong mỗi bài thơ. Khi Ban tổ chức tuyên bố kết thúc đêm thơ đầu tiên, nhiều khán giả đã tỏ ra luyến tiếc chưa muốn ra về ngay. Điều đó chứng tỏ “bữa tiệc tinh thần” khá ngon nên các “thực khách” chưa muốn rời bàn.
Tuy nhiên, liệu còn có điều gì phải tiếc nuối hay chăng? Với 35 bài thơ trên “Đường thơ”, 120 bài trong Nghệ thuật sắp đặt thơ, 100 bức ảnh nghệ thuật, tổng cộng là 255 tác phẩm, nếu ta chỉ dừng trước mỗi tác phẩm nửa phút thì đã hết 125 phút, tức là hơn 2 tiếng. Trong khi “Vườn thơ” mở cửa lúc 19g còn đêm thơ khai mạc vào lúc 20g. Trong khoảng 1 tiếng đó, dù có nhanh chân đến đâu thì người xem cũng không có đủ thời gian để thưởng ngoạn hết các tác phẩm. Nên chăng, các hoạt động trong “Vườn thơ” nên khai mạc vào buổi sáng, còn đêm thơ khai mạc vào buổi tối. Ngoài ra, trong phần sắp đặt thơ trên đèn lồng có đôi chỗ chưa được phù hợp, như trường hợp của nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ xếp dưới tác giả Đào Tấn Trực hoặc nhà thơ người dân tộc Ê Đê Y Điêng (giải thưởng Nhà nước 2007) xếp dưới tác giả Ngô Phan Lưu.
Hai màn hình chiếu các bài thơ được trình bày, không mang lại hiệu quả cao vì chữ rất nhỏ không thể đọc được. Nên chăng, chỉ cần giới thiệu tên tác phẩm và tác giả trên nền phong cảnh các di tích lịch sử và danh thắng của Phú Yên có liên quan đến bài thơ. Những bức ảnh nghệ thuật đó sẽ tăng hiệu quả cảm thụ thơ, đồng thời góp phần tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch của tỉnh với bạn bè đến tham dự.
Được tổ chức khi Phú Yên bước vào tuổi 400, Hội thơ Nguyên tiêu truyền thống lần thứ 31 diễn ra trong hai đêm 15 - 16 tháng Giêng (tức 17-18/2 dương lịch), tại núi Nhạn. Chương trình đêm 16 tháng Giêng mang chủ đề Phú Yên với bạn bè, bạn bè với Phú Yên có sự tham gia của các nhà thơ đến từ 7 tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ cùng các nhà thơ ở TP Hồ Chí Minh và tỉnh kết nghĩa Hải Dương. Không chỉ được trải lòng cùng những bài thơ đầy cảm xúc, khán giả đến với chương trình này còn giao lưu với các nhà thơ được nhiều người yêu mến. Cũng trong đêm 16 tháng Giêng, Ban tổ chức tổng kết cuộc thi Người đẹp Nguyên tiêu qua ảnh. Người giành chiến thắng là cô gái trẻ...
ĐÀO MINH HIỆP