NSND Lê Ngọc Cường, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch chọn làm Tổng đạo diễn chương trình lễ khai mạc và bế mạc Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011. Phú Yên Xuân Tân Mão phỏng vấn ông xung quanh nội dung này.
* Thưa ông, cảm giác của ông như thế nào khi nhận trọng trách là tổng đạo diễn chương trình lễ khai mạc và bế mạc Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011?
NSND Lê Ngọc Cường.
- Trước đây, tôi đã thường xuyên được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch giao nhiệm vụ đạo diễn các chương trình lớn như: APEC, Lễ hội Đền Hùng, Festival Huế, 50 năm đường Trường Sơn huyền thoại và các chương trình đối ngoại, các lễ kỷ niệm lớn của quốc gia... Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011 là sự kiện lớn của ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Phú Yên lần đầu đăng cai tổ chức. Bộ trưởng giao cho tôi lo liệu việc này có lẽ là mong muốn chương trình nghệ thuật phải có chất lượng cao, có nhiều tìm tòi sáng tạo mới, không lặp lại những gì các nơi đã làm. Tôi sẽ cố gắng thực hiện chương trình đúng tầm vóc, ý nghĩa của một lễ hội lớn. Các sự kiện lịch sử gắn với quá trình 400 năm hình thành và phát triển của Phú Yên sẽ được khái quát, chọn lọc thể hiện bằng thủ pháp nghệ thuật sinh động, mới lạ, hấp dẫn. Giữa phần lễ và phần hội có sự liên kết hài hòa, hợp lý, đảm bảo tính chất trang trọng, ấn tượng, hấp dẫn.
* Những yêu cầu cần đạt được của các chương trình này là gì, thưa ông?
- Chương trình lần này phải đạt được hai nội dung lớn, đó là: Chương trình nghệ thuật để kỷ niệm “Phú Yên 400 năm hình thành và phát triển” cùng với chương trình khai mạc Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011. Hai nội dung trên phải được lồng ghép khéo léo, mang tính nghệ thuật, vì thời lượng phát sóng trên đài truyền hình chỉ từ 90-100 phút nên phần ôn lại truyền thống 400 năm, không thể làm theo cách sử thi bám theo thời gian như viết lịch sử Đảng bộ tỉnh hay mô phỏng, mà phải khái quát tìm ra các mốc, các sự kiện chính nhưng tạo được cảm xúc cho người xem... Phần khai mạc Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 phải giới thiệu được tiềm năng du lịch biển đảo của vùng duyên hải, tìm ra những nét tương đồng và đặc điểm của mỗi địa phương. Chương trình còn phải giới thiệu được các nét văn hóa tiêu biểu, đặc trưng riêng có của tỉnh Phú Yên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt tôn vinh những thế mạnh văn hóa ba vùng: đồng bằng - miền núi - miền biển cùng những lễ hội dân gian truyền thống, nghệ thuật tuồng cổ, dân ca bài chòi và văn hóa, kiến trúc Chăm.
* Bố cục nội dung của chương trình như thế nào?
- Chương trình có hai phần, được kết cấu liên hoàn bằng thủ pháp nghệ thuật, không tách bạch phần lễ và phần hội, nhằm thể hiện một chủ đề chung là: Tôn vinh, giới thiệu về mảnh đất con người Phú Yên 400 năm hội tụ và phát triển; quảng bá tiềm năng phát triển du lịch - giới thiệu các di sản văn hóa đặc sắc của Phú Yên và 7 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Lực lượng tham gia chương trình không đông như các lễ hội đã từng làm, tối đa là 400 diễn viên, cả chuyên nghiệp và không chuyên. Sân khấu và khán đài được thiết kế hoành tráng nhưng không phải sân khấu hộp mà là sân khấu tạo sự hòa đồng, gợi mở, gắn với không gian lễ hội. Người xem sẽ có cảm giác như được cùng tham gia, được hòa mình. Âm thanh, ánh sáng được bố trí ẩn khuất trong các mô đá, tháp Chăm, trên những con thuyền... do nghệ thuật sắp đặt.
* Ông có thể “tiết lộ” cụ thể một vài chi tiết trong chương trình?
- Lời dẫn sẽ được tiết chế tối đa với vai trò là cầu nối. Chương trình dùng nghệ thuật để thể hiện nội dung chứ không phải đọc lời bình ra rả, nghe to tát nhưng nghệ thuật đơn điệu, nhàm chán. Lời dẫn này sẽ vừa như lời bình, vừa là lời mời khiêm tốn, phác họa cuộc sống bình yên của một vùng quê non nước hữu tình, với con người nhân hậu thủy chung, mộc mạc thảo thơm như hương đồng gió nội cùng với quá trình khai phá mở mang bờ cõi lập nên một vùng đất trù phú, giàu tiềm năng. Các hình ảnh trên sân khấu còn khắc họa quá trình đấu tranh vật lộn với thiên nhiên - dũng cảm, kiên trung, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù của cộng đồng các dân tộc cùng chung sống trên rẻo đất miền Trung nắng gió.
Sân khấu hóa tái hiện hình ảnh chiến đấu kiên cường của quân và dân Phú Yên chống giặc ngoại xâm. - Ảnh: D.T.XUÂN |
Bên cạnh đó, nội dung còn ngợi ca các thế hệ cha anh đã có công làm nên những kỳ tích để mảnh đất và tình người Phú Yên mãi rạng ngời, tỏa ngát hương thơm quả ngọt. Các địa danh cụ thể của Phú Yên sẽ được khái quát mang tính biểu tượng, hàm súc, không miêu tả kể lể một sự kiện cụ thể nào để tránh lối minh họa thô thiển, dễ dãi... Tóm lại, đó là sự khắc họa hình ảnh để gợi lên cảm xúc cho người xem.
* Ông tự đánh giá chi tiết nào được cho là “đắt” nhất trong chương trình do ông làm đạo diễn?
- Sự kiện Đồng khởi Hòa Thịnh được thể hiện bằng ánh lửa. Đầu tiên là một đốm lửa, sau đó là vài ba rồi đến hàng trăm, hàng ngàn đốm lửa. Lửa trùng trùng, lớp lớp, lửa tràn ngập sân khấu. Màu lửa rực rỡ là màu lửa cách mạng được nhân lên chứ không cần phải đưa gậy gộc, giáo mác lên sân khấu. Đó là biểu tượng về mặt nghệ thuật. Bên cạnh đó, nhân vật Lê Thành Phương hay những người mẹ anh hùng, những người con đi biển gặp sóng to gió lớn... cần phải thể hiện được nội tâm... Chương trình không dựng theo kiểu hô hào mà chủ yếu thể hiện tâm trạng, cảm xúc. Mỗi tiết mục sẽ được liên kết, liên hoàn từ quá khứ đến hiện tại.
* Xin cảm ơn ông!
MINH NGUYỆT (thực hiện)