Chủ Nhật, 02/02/2025 23:59 CH
Chiếu dời đô - giấy khai sinh của Thủ đô 1.000 năm tuổi
Thứ Năm, 30/09/2010 07:45 SA

Mùa xuân năm Canh Tuất 1010, vua Lý Công Uẩn đã ban Chiếu dời đô. Đến cuối năm đó, nhà vua đã cho di dời kinh đô từ Hoa Lư đến Đại La và đặt tên mới là Thăng Long. Với việc làm này, Chiếu dời đô đã trở thành giấy khai sinh của Thăng Long - Hà Nội mà tính cho đến nay đã vừa tròn 1.000 năm tuổi.

 

chieu100930.jpg

Mộc bản khắc “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn năm 1010 trong khối Mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV - Ảnh: V.T.C

 

Chiếu dời đô là một văn bản ngắn gọn chỉ bao gồm 214 từ Hán Việt, lời văn mạch lạc trong sáng và hàm chứa tầm suy nghĩ sâu xa của bậc quân vương. Nguyên văn của Chiếu dời đô như sau:

“Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương, Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.

 

Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.

 

Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”.

 

Kể từ khi ra đời cho đến nay, Chiếu dời đô đã được các bậc quan lại, thức giả nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau như văn chương, chính trị, địa lý, kinh tế… và đều đánh giá cao về ý nghĩa lịch sử, văn hóa của văn bản này. Hiện nay, sau đúng 1.000 năm, đọc lại Chiếu dời đô chúng ta vẫn thấy có 2 nội dung nổi bật, đó là cái tâm và cái tầm của người sáng lập kinh đô.

 

 Với cái tâm, để di dời kinh đô, vua Lý Công Uẩn đã phân tích, so sánh việc dời đô của các triều đại trước kể cả các triều đại ở phương Bắc để nêu lý do việc dời đô của mình. Việc di dời đó xuất phát từ suy nghĩ là “cốt để mưu nghiệp lớn làm kế cho con cháu muôn vạn đời, cho vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”. Việc di dời đó cũng không thể ngẫu nhiên, bột phát mà thực hiện theo nguyên lý “trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân”. Đặc biệt hơn đã ở vào ngôi vị cao nhất, nhưng để di dời kinh đô nhà vua vẫn hỏi “Ý trẫm như thế, các ngươi nghĩ thế nào?”, điều đó đã thể hiện rõ một lối cai trị quân chủ nhưng không hề độc đoán trong các quyết sách lớn. Sinh thời, giáo sư Trần Quốc Vượng đã đánh giá: “Đây là câu văn đắt nhất trong bài chiếu, là cái thần của bài chiếu nước Việt, là một bản sắc dân tộc, một bản sắc văn hóa Việt đầu đời Lý”.

 

Với cái tầm, sau khi lên ngôi vua, Lý Công Uẩn đã nhận thấy kinh đô Hoa Lư với núi non bao bọc bốn bề đã không còn phù hợp với việc phát triển đất nước. Với suy nghĩ đó ông đã chọn thành Đại La là nơi thắng địa của nước Việt “ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước” để làm kinh đô mới. Và đó được xem là một quyết định chính xác tuyệt vời. Thành Đại La là vùng đất nằm giữa đồng bằng sông Hồng, ở vào vị trí trung tâm đất nước lúc bấy giờ, một đầu mối giao thông thủy bộ thuận tiện, trong đó hệ thống sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu bao quanh bốn phía vừa là hệ thống thủy đạo vừa giữ vai trò phòng thủ cho kinh thành. Từ đây, đi theo các con sông có thể đến mọi vùng miền trong cả nước.  Sử gia Ngô Sĩ Liên từ thế kỷ XV cũng đã khen rằng “địa thế hùng mạnh mà hiếm, rộng mà dài, có thể là nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền, hình thể Việt Nam không nơi nào hơn được nơi này”. Vị thế địa lý đó đã thể hiện tầm nhìn xa của vị vua đầu tiên của nhà Lý mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

 

 Kể từ khi được chọn làm kinh đô của đất nước cho đến nay, mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vẫn lưu giữ nhiều dấu tích của một kinh đô, thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó là di tích chùa Một Cột xây dựng từ năm 1049 dưới thời vua Lý Thái Tông, là di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám ra đời trong các năm 1070 và 1075 để đào tạo và tuyển chọn nhân tài với câu nói nổi tiếng “hiền tài là nguyên khí quốc gia”của tiến sĩ Thân Nhân Trung được khắc vào bia đá, thể hiện quan điểm sử dụng nhân tài của đất nước từ xưa đến nay. Những dấu tích văn hiến qua các thời kỳ lịch sử, nhất là các triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê cũng đã được phát lộ qua cuộc khai quật ở khu Hoàng thành trong thời gian gần đây như thành quách, cung điện mà từ trước đến nay chúng ta mới chỉ biết qua các nguồn sử liệu nay đã hiển hiện trên thực tế. Những dấu tích đó không chỉ là di sản văn hóa của dân tộc, mà đã trở thành di sản văn hóa chung của nhân loại.

 

Đặc biệt hơn, trong tiến trình lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc. Đó là các cuộc kháng chiến chống lại cuộc xâm lược của nhà Tống dưới thời Lý, ba lần đánh tan quân Nguyên - Mông dưới thời Trần, đánh tan ách đô hộ của nhà Minh dưới thời Lê, đánh tan 30 vạn quân Thanh dưới thời Tây Sơn. Đến năm 1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam sau gần một thế kỷ chịu ách đô hộ của thực dân, đế quốc.

 

Trải qua 1.000 năm, Thăng Long xưa, Hà Nội nay vẫn là “nơi hội tụ bốn phương” là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”. Thủ đô vẫn không ngừng phát triển để xứng danh với thành phố “rồng bay” như ý nguyện của người khai sinh ra nó.

 

 

NGUYỄN DANH HẠNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tĩnh lặng sen hồng - tĩnh lặng tâm
Thứ Năm, 30/09/2010 14:30 CH
Những chương trình đặc sắc
Thứ Năm, 30/09/2010 08:30 SA
Bế mạc trại sáng tác văn học
Thứ Năm, 30/09/2010 07:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek