Có một tập thơ không câu từ bóng bẩy, không hướng đến sự phá cách hay khẳng định cái tôi này nọ nhưng lại lặng lẽ góp mặt với đời thường bởi những câu thơ trong trẻo, hướng thiện. Sự biểu cảm đó luôn phảng phất trong tập thơ Tĩnh lặng sen hồng của ni sư Thích nữ Diệu Thông, Ủy viên Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo phụ trách Phân ban ni giới, trụ trì chùa Bình Quang (phường 4, TP Tuy Hòa)...
Tập thơ Tĩnh lặng sen hồng của tác giả Thích nữ Diệu Thông – Ảnh: X.HUY
Sau Nụ vô ưu xuất bản năm 2009, Tĩnh lặng sen hồng là tập thơ thứ hai của ni sư Thích nữ Diệu Thông gồm 34 bài thơ với các chủ đề về Phật giới, tình cảm gia đình, tình bằng hữu và những rung động rất người trước sự xoay vần của thiên nhiên, tạo vật. Các bài thơ trong Tĩnh lặng sen hồng được ni sư sáng tác từ năm 1968 đến cuối năm 2009. Đọc thơ của ni sư, nếu không chú tâm thưởng thức, nhìn đâu độc giả cũng sẽ thấy sự đạo chập chùng, nhiều khi rối rắm dễ gây cảm giác… không muốn hiểu để rồi gấp sách, bỏ qua một bên. Quả thật, thơ của ni sư bao trùm trong Tĩnh lặng sen hồng là nỗi lòng hướng đạo với những câu thơ bàng bạc hơi hướng cửa thiền như:
Lạy Phật Tổ ! Con xin Người chứng giám
Lòng chí thành tha thiết nguyện hôm nay
Thương chúng sinh, kính Đức Phật, Tổ Thầy
Thì hãy gắng thượng cầu hạ hóa”
(Chuyện về tiền thân Đức Phật)
Tuy nhiên, chỉ cần tĩnh tại một chút, người đọc sẽ khám phá ra sức cuốn hút lặng lẽ nhưng dai dẳng của kiếp đời, kiếp người qua sự trải nghiệm cảm xúc hết sức chân thật, sống động của ni sư. Cuộc đời có câu: “Người xuất gia thường xa lánh hồng trần, không vướng bận với cõi tục” nhưng ni sư, bằng những vần thơ trong trẻo, nhẹ nhàng bác bỏ bằng lời khẳng định: “Khi nghiệp tu đã qua chặng đường dài, người tu hành sẽ trở về cõi trần, hòa nhập và làm rất nhiều điều có ích cho chúng sinh”. Quả thực có gì đẹp hơn, nhân văn hơn là tình người sẻ chia những mất mát, đau thương do thiên tai hoành hành:
Mấy ai ngẫm cuộc phong ba?
Giúp nhau khi đói là ta hậu tình
Câu tục ngữ đinh ninh nhắc nhở
“Lá lành đùm lá rách ai ơi”
Tấm lòng nhân ái để đời…
(Mấy ai ngẫm cuộc phong ba)
Có gì cảm động hơn, đạo lý hơn là câu chuyện người con vì quá thương yêu và tận tâm báo hiếu với mẹ già nên mãi vẫn chưa lập gia đình. Đến khi mẹ mất, muốn “yên bề gia thất” thì đã “ngoại ngũ tuần”:
Hơn nửa đời con dâng tặng mẹ
Năm mươi thu ấy biết bao tình
Tận tâm tận lực tròn nhơn nghĩa
Trần thế nhìn xem có ai hơn
(Gương hiếu thảo)
Là người chọn việc vui với kinh kệ làm lẽ sống nhưng cũng có khi tác giả không giấu được xúc cảm trước thiên nhiên biến ảo không ngừng:
Thu về bàng bạc đất trời
Mây thu dịu vợi lòng người lâng lâng
Mùa thu mùa của thi nhân
Ý thu lưu nhuận nguồn ân muôn đời…
Trăng thu thanh thoát tuyệt vời
Gió thu gợi nhớ tình người nước non
Tình thu chan chứa mặn nồng
Cảm thu ta những bâng khuâng nỗi lòng
(Hương sắc mùa thu)
Nhưng có lẽ, đáng quan tâm hơn trong Tĩnh lặng sen hồng chính là sự khẳng định con người luôn đối mặt với những hỷ nộ ái ố của cuộc đời. Từ đó, mỗi cá nhân cần chọn cho mình một cách sống phù hợp nhất:
Gió lành hây hây thổi
Chim lảnh lót reo vui
Nếu lòng người biết đủ
Đẹp biết bao cuộc đời!
(Ngộ)
“Nếu lòng người biết đủ” – câu thơ như một điểm nhấn về lẽ sống chừng mực, tự điều tiết các mối quan hệ cá nhân của mỗi người sao cho không ảnh hưởng xấu đến người khác, đến cộng đồng. Quan trọng là đừng nên né tránh đắng cay, bất hạnh bởi họa phúc vô chừng. Mỗi người nên coi đó là những bài học đắt giá để nó thấm vào lòng, chuyển hóa thành sức mạnh nội tâm, để rồi lặng lẽ vươn lên như đóa sen giữa bùn vẫn tỏa hương thơm ngát. Tĩnh lặng sen hồng - tĩnh lặng tâm để vững vàng trụ lại trong cuộc đời không ngừng hóa hóa sinh sinh chính là như vậy…
Xin mượn lời giới thiệu của Hòa thượng Thích Nguyên Đức, Phó Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên để kết lại bài viết này: “Theo tôi, ni sư đã đến cuộc đời này, phục vụ cuộc đời này một cách lặng lẽ âm thầm, theo bản nguyện. Mùi hương đạo hạnh, hành thiền, hương thiền đã phảng phất không chỉ trên trang giấy, mà bằng cả việc xử thế đối nhân, giản dị nhiều mặt, khiêm cung trọn vẹn. Làm được như vậy sẽ lợi đạo, ích đời…”.
XUÂN HUY