Tháng 10/1954, tôi tập kết ra miền Bắc cùng với các anh Thái Long, Phạm Đình Thái, Lê Thiết, Nguyễn Tấn Đạt… trong đội hình TNXP Liên khu 5. Sau thời gian ngắn phục vụ tại các công trường xây dựng, tôi được cử đi học tại Trường Cán bộ công an Trung ương (C500).
Khi ra trường, với cương vị cán bộ bảo vệ kinh tế, tôi vào công tác tại công trường xây dựng đường dây điện cao thế Tây Nam Nghệ An thuộc Cục Lắp máy, Bộ Công nghiệp. Tại đây tôi được cử làm Bí thư chuyên trách Đoàn thanh niên công trường và tham gia Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Nghệ An. Đến khoảng cuối năm 1957, cả đơn vị được cấp trên điều động về công tác tại Nhà máy gỗ Cầu Đuống – Hà Nội. Riêng tôi được Đại hội Đoàn bầu làm Bí thư Đoàn nhà máy và trở thành cán bộ chuyên trách của Thành Đoàn Hà Nội, chính thức bước vào ngã rẽ của cuộc đời. Kiến thức học được tại Trường Cán bộ công an Trung ương chỉ còn là hành trang mang theo để làm kỷ niệm trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng.
Tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” tại Thủ đô Hà Nội - Ảnh: D.T.XUÂN
Sau ngày 5/8/1964, ngày giặc Mỹ lần đầu tiên ném bom đánh phá miền Bắc, tôi chính thức trở về miền Nam (đi B) chiến đấu trong đoàn cán bộ thanh vận của Trung ương Đoàn.
Tính ra, tròn 7 năm công tác Đoàn tại Thủ đô Hà Nội với các anh Vũ Quang, Vũ Đại, Lưu Minh Châu, lần lượt làm Bí thư Thành Đoàn cùng với các anh chị Ngọc Diệp, Lê Tám, Nguyễn Văn Đệ, Lê Sỹ, Nguyễn Đắc Thọ, Nguyễn Kỳ, Vũ Hữu Loan… là những cán bộ Đoàn xuất sắc cùng công tác và dìu dắt tôi. Đối tượng công tác và tiếp xúc thường xuyên là thế hệ trẻ thủ đô. Trực tiếp làm việc hàng ngày là trên 2.000 nam nữ thanh niên hai nhà máy gỗ, diêm (có một thời kỳ Nhà máy Gỗ Cầu Đuống và Nhà máy Diêm Thống Nhất hợp nhất) tôi đã cống hiến và học hỏi được rất nhiều. Có thể nói tất cả những gì tiếp thu, tích lũy tại đây đã ghi dấu ấn sâu đậm trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của tôi cả trong chiến tranh, hòa bình và ngay cả những năm đầu tham gia công tác tại một tổ chức chính phủ sau khi đã nghỉ hưu.
Hồi ấy, hội trường số 9 Vọng Đức là nơi sinh hoạt thường xuyên của cán bộ Thành Đoàn. Tại đây diễn ra nhiều hội nghị, học tập và sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật vô cùng sôi nổi của thế hệ trẻ thủ đô. Chỉ có đại hội hoặc những hội nghị cả ngàn người tham gia mới tổ chức tại nhà hát lớn và 5 năm một lần mới tổ chức dạ hội Liên hoan Thanh thiếu niên có các tầng lớp nhân dân thủ đô tham gia mới tổ chức tại công viên Bách Thảo – Núi Nùng.
Nhớ lại thời kỳ thanh niên, học sinh, sinh viên thủ đô tham gia lao động nạo vét, san lấp hồ Bảy Mẫu để xây dựng công viên, mở rộng đường Cổ Ngư thành đường Thanh Niên giữa Hồ Tây và những lần đón Bác Hồ đến thăm để lại nhiều kỷ niệm vô cùng sâu sắc, vô cùng đẹp đẽ. Thanh niên thủ đô là lực lượng xung kích đi đầu trong phong trào “Ba sẵn sàng”, “Cờ ba nhất”, “Sóng duyên hải”, “Gió đại phong”(1) xứng đáng tiêu biểu cho toàn miền Bắc.
Với công cuộc đấu tranh chống Mỹ – Diệm tàn sát khủng bố đồng bào miền Nam, thanh niên thủ đô luôn được hun đúc lòng yêu nước, chí căm thù địch qua các cuộc mittinh biểu dương lực lượng, lên án kẻ thù đã gây ra các cuộc thảm sát Phú Lợi, Chợ Được, Vĩnh Trinh, Ngân Sơn – Chí Thạnh… Thời kỳ này, Trung ương tổ chức đưa lực lượng vào miền
Về phong trào thanh niên tại Nhà máy Gỗ Cầu Đuống, nơi tôi trực tiếp làm Bí thư Đoàn đã dấy lên liên tục hết đợt thi đua này đến đợt thi đua khác về phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm luôn đạt hiệu quả cao. Giờ đây nghĩ lại, chính bản thân tôi cũng không giải thích nổi từ nguồn lực nào và động cơ nào mà Đoàn Thanh niên nhà máy có thể đưa được hàng nghìn nam nữ thanh niên đi cắm trại trên thành Cổ Loa (giờ đây gọi là về nguồn) và tham quan vịnh Hạ Long – Đồ Sơn – Hải Phòng với hàng chục ô tô dọc đường đông vui, tưng bừng khí thế và tuyệt đối an toàn khiến Đảng ủy, Ban giám đốc và Công đoàn nhà máy nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi.
Phải chăng tuổi trẻ với ước mơ, hoài bão lớn, với tinh thần “làm ra làm, chơi ra chơi” mà nảy sinh sáng kiến, sáng tạo cùng sự táo bạo mà thành công. Câu chuyện này được đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, một người quê ở Quảng Nam, một cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Nam từ năm 1938, sau này là thành ủy viên Hà Nội, làm Bí thư Đảng ủy kiêm giám đốc Nhà máy Gỗ Cầu Đuống (nay đã qua đời) gặp tôi tại Nha Trang khi tôi làm Bí thư Tỉnh Đoàn Phú Khánh đã thân tình nhắc lại: Cần lấy kinh nghiệm từ Nhà máy Gỗ Cầu Đuống để chỉ đạo phong trào thanh niên hiện tại sẽ rất hay.
Suy ngẫm, tôi tự rút ra nhận xét cho riêng mình: Những năm tháng công tác tại Thủ đô Hà Nội, dù thời gian không dài nhưng kỷ niệm vô cùng sâu sắc và đầy ý nghĩa.
Nhân đại lễ 1.000 Thăng Long – Hà Nội, tôi ghi lại đôi dòng cảm nghĩ để nhớ về thủ đô muôn ngàn lần yêu dấu, nơi bản thân mình được may mắn khởi đầu sự nghiệp, đánh dấu toàn bộ quá trình trưởng thành của một đời người.
-------------------------------------------------------------
(1) – “Cờ ba nhất” là phong trào trong quân đội
- “Sóng duyên hải” xuất phát từ Hải Phòng
- “Gió đại phong” xuất phát từ tỉnh Quảng Bình nhưng được dấy lên, nhân rộng tại Thủ đô Hà Nội.
NGUYỄN TƯỜNG THUẬT
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên