Tôi biết Trương Anh Quốc đã lâu, vì anh làm nghề thủy thủ “lênh đênh trên sông hồ” nên gặp nhau không nhiều. Tuy nhiên, với đồng nghiệp cầm bút, Quốc luôn là người chân tình - đó là cảm nhận không chỉ của riêng tôi. Sau khi đoạt giải nhất Văn học tuổi 20, anh bận “chạy show” theo lời mời phỏng vấn của các báo. Tôi chúc mừng anh và nói chỉ đặt 9 câu hỏi, Quốc bảo “số 9 hợp với mình, vì có câu: Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”.
Trương Anh Quốc bên cạnh các cây bút nữ đoạt giải Văn học tuổi 20 lần thứ 4. |
BIỂN MÊNH MÔNG ẨN CHỨA NHIỀU BÍ MẬT
* Thường thì, đã đoạt giải một lần, mà lại là giải nhì Văn học tuổi 20 lần thứ 3, ít người “muốn” dự thi một lần nữa, vì có thể lần dự thi sau sẽ không có giải gì, rất “phương hại” đến uy tín lần trước. Tại sao anh quyết định dự thi Văn học tuổi 20 lần này?
- Sợ “phương hại”? Điều đó đúng với mọi người còn với tôi thì không. Tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp nên không có chuyện thắng thua. Dự thi tôi luôn luôn được: Được viết, được in sách, được nhuận bút để rồi được ngồi cùng bạn bè văn chương. Tôi không sợ thi rớt, tôi dự thi để có sách được in. Được giải hay không cũng may rủi lắm, nhưng cuộc thi là sự cạnh tranh lành mạnh và công bằng, thi để thử sức của ngày hôm qua và ngày hôm nay, xem lúc nào mình “khỏe” hơn mà thôi.
* Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 3, anh đoạt giải nhì với Sóng biển rì rào, giờ đoạt giải nhất với Biển. Có vẻ anh rất có duyên với đại dương và xin hỏi anh “hiểu biển” được đến đâu?
- Sự hiểu biết đâu thểâ cân đo đong đếm được. Tôi xin lấy một câu in trong bìa sách của tiểu thuyết đoạt giải “Biển mênh mông luôn ẩn chứa nhiều điều bí mật…”.
* Anh có thể mô tả một ngày trên biển?
- Ngoài giờ làm việc “hành chính”, nếu không có sự cố gì thì nghỉ ngơi đọc sách. Ấy là khi biển êm, còn sóng to gió lớn thì nằm vùi mình, đầu óc quay cuồng, ăn uống cũng chẳng thấy ngon miệng…
* Anh từng nói, thủy thủ là nghề mưu sinh - hẳn nhiên là vậy, còn viết văn như một cuộc chơi dài, nhưng nếu không đi biển liệu anh có được những trang viết thành công như vừa qua không?
- Tôi có may mắn là làm việc và viết về biển - đề tài ít người Việt mình viết, nên đó là lợi thế cho tôi. Nhưng nếu trước kia tôi không chọn nghề thủy thủ thì tôi vẫn viết, còn có thành công hay không tôi không thể nào biết được.
VƯỜN ƯƠM NHƯ ÁO TRẮNG QUÁ ÍT!
Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét về Biển của Trương Anh Quốc: “Đây là cuốn sách lạ. Thoạt không dễ đọc, thậm chí có khi cầm lên đọc qua dăm bảy trang đã có thể muốn bỏ xuống, nếu không tò mò vì sự kích thích của đề tài lâu nay hầu như chưa hề được nói đến: cuộc sống long đong, gian nan, đầy thử thách, hiểm nguy của những người đi làm thuê trên những chiếc tàu viễn dương. Vậy mà, vượt qua chút cảm giác ngờ ngợ lúc đầu, bỗng dần dần thấy bị cuốn hút, đến không dứt ra được, và cuối cùng toàn bộ ban giám khảo nhận ra rằng mình đang đứng trước một cuốn tiểu thuyết, một cuốn tiểu thuyết được viết một cách rất độc đáo, của một người viết từng trải và đầy bản lĩnh…”.
* Trong đời, ai cũng có những người thầy. Được biết, anh đến với văn chương từ sân chơi mang tên “tuyển tập thơ văn Áo trắng”. Áo trắng có phải là “người thầy đầu tiên” của anh không?
- Trong văn chương, đôi khi chỉ một câu nói thôi cũng đã là một người thầy rồi. Thời sinh viên, tôi cũng đã viết văn viết báo. Nhưng từ khi được anh Nguyễn Đông Thức giới thiệu trên Tuổi trẻ chủ nhật, tôi mới ý thức hơn với việc viết. Áo trắng là tuyển tập thơ văn giá trị từ thập niên 90 thế kỷ trước, tôi bắt đầu tham gia từ bộ mới, khi Áo trắng liên kết giữa NXB Trẻ và báo Tuổi trẻ ấn hành. Ai yêu Áo trắng là những người yêu văn chương thật sự, tôi tin rằng các cây bút Áo trắng sẽ ngày một tiến xa.
* Nhắc đến Áo trắng, nhiều người viết văn trẻ như anh sẽ nghĩ về một “vườn ươm” - nơi đó nuôi dưỡng tình yêu văn chương đầu đời để rồi dấn thân hơn nữa nếu tình yêu còn sâu nặng. Anh đánh giá thế nào về các “vườn ươm” hiện nay?
- Ít “vườn ươm” như Áo trắng quá! Khoảng 10 năm trước, còn có các “vườn ươm”, như Hương đầu mùa của báo Hoa học trò, Vòm me xanh của báo Mực tím cùng các bút nhóm ở các tỉnh, thành. Giờ chỉ còn Gia đình Áo trắng ở các tỉnh, thành. Những bút nhóm, “sân chơi” như thế tạo động lực rất lớn để giới trẻ hướng đến văn chương. Nếu mai này không thành nhà văn, thì tình yêu văn chương cũng giúp họ sống lương thiện hơn. Bây giờ, gần như chẳng còn “vườn ươm” nào. Phải chăng ngày nay người ta quan tâm tới cái gì cân đo đong đếm được có thể “quy ra thóc”. Tôi ước cho có nhiều nhà văn “chủ xị” các “vườn ươm” giống như Áo trắng: Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức ở phía
* Người viết văn nào cũng có ít nhiều “ảo tưởng” về mình, rằng “văn mình thì hay”. Anh lại vừa được một ban giám khảo gồm các đồng nghiệp uy tín đi trước công nhận, như nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá về Biển: “Một cuốn tiểu thuyết hay và độc đáo”, sự đánh giá đó cộng với “ảo tưởng của nghề viết” có khiến anh càng thêm “yêu mình” hơn không, hay tất cả đang là một áp lực với anh cho những sáng tác tiếp theo?
- Tôi không ảo tưởng về mình, tôi biết mình ở đâu so với các bạn đồng trang lứa và lớp trẻ hơn mình. Được giải là tôi có sự chuẩn bị tốt, đó là “phong độ” nhất thời chứ không phải “đẳng cấp”. Tôi cũng không bị áp lực gì hết, tôi viết theo sở thích và viết cho mình trước, nếu có bạn đọc đồng cảm thì tôi hạnh phúc hơn nhiều.