Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của triều đại nhà Lý đồng thời là người đã di dời kinh đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành kinh đô Thăng Long, ông được xem là một trong những vị vua anh minh nhất trong thời đại phong kiến ở Việt Nam.
Tượng Vua Lý Công Uẩn ở Hà Nội.
Lý Công Uẩn sinh năm 974, là người ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh)
Theo truyền thuyết, ông thân sinh ra Lý Công Uẩn nhà nghèo, đi làm ruộng thuê ở chùa Tiêu Sơn, huyện An Phong, phải lòng một tiểu nữ, sau đó nàng có mang. Nhà sư thấy thế đuổi đi nơi khác. Hai vợ chồng đến chỗ rừng cây gần đấy ngồi nghỉ. Chồng khát nước, xuống chỗ giếng giữa rừng uống nước, chẳng may sẩy chân, chết đuối. Vợ chờ lâu không thấy, đến giếng xem thì đất đã đùn lấp giếng, nàng khóc lóc một hồi, rồi vào ngủ nhờ ở một ngôi chùa gần đấy. Sư trụ trì chùa đêm hôm trước đó nằm mơ thấy Long thần báo mộng rằng: “Ngày mai dọn chùa cho sạch, có Hoàng đế đến”. Nhà sư tỉnh dậy, sai tiểu quét dọn sạch sẽ, chực đợi từ sáng đến chiều chỉ thấy một người đàn bà có mang xin ngủ nhờ. Được vài tháng, một đêm có mùi hương thơm nức cả chùa, nhà sư trông ra tam quan, thấy sáng rực lên. Nhà sư sai người ra thăm thì người đàn bà ấy đã sinh một đứa con trai, hai bàn tay có bốn chữ son: “Sơn hà xã tắc”.
Lên 3 tuổi, đứa con trai ấy được sư Lý Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp nhận làm con nuôi và được đặt tên là Lý Công Uẩn. Trong thời gian ở chùa Cổ Pháp, Lý Công Uẩn đã được sư Lý Khánh Văn và sư Vạn Hạnh là những bậc cao tăng có tầm ảnh hưởng lớn trong giới Phật giáo đồng thời cũng là quân sư cho các nhà vua Tiền Lê, nuôi dạy cẩn thận để chuẩn bị cho con đường hoạt động chính trị về sau.
Khi đến tuổi trưởng thành Lý Công Uẩn được sư Vạn Hạnh và sư Lý Khánh Văn bảo hộ vào kinh đô Hoa Lư làm quan nhà Tiền Lê, thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ, một chức võ quan trông coi lực lượng bảo vệ kinh thành. Lúc bấy giờ nhà Tiền Lê đang vào buổi suy vong, vua Lê Long Đĩnh chơi bời sa đọa không chú trọng đến việc triều chính nên bị triều thần và dân chúng căm ghét. Năm 1009, khi vua Lê Long Đĩnh qua đời, quan đại thần là Đào Cam Mộc cùng với sư Vạn Hạnh đã tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua lấy niên hiệu là Thuận Thiên, với hàm ý là thuận theo ý trời.
Ngay sau khi lên ngôi vua, Lý Công Uẩn đã thực thi nhiều công việc thể hiện nhãn quan chính trị rộng lớn của một bậc minh quân. Trước hết ông nhận thấy kinh đô Hoa Lư được xây dựng ở một vùng đất chật hẹp, bốn bề núi non bao bọc đi lại khó khăn chỉ có lợi cho việc quân sự nên ông đã quyết định dời đô đến vùng thành Đại La, nơi được xem là trung tâm của trời đất, nơi tụ hội bốn phương thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Việc dời đô đã cho thấy nhà vua khai sáng triều Lý đã đủ tự tin vào sức mạnh của mình để định đô ở một vùng đất thuận lợi nhằm đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới. Với tầm nhìn chiến lược đó, kinh đô Thăng Long dù đã trải qua nhiều biến cố của lịch sử và đã nhiều lần đổi tên gọi nhưng đến nay vẫn là Thủ đô của đất nước và đã đúng 1.000 năm tuổi.
Sau khi dời chuyển kinh đô, nhà vua đã chú trọng việc sửa sang phép nước, ông thay đổi những chính sách cai trị không còn phù hợp của triều đại trước và chia cả nước ra làm 24 lộ, gọi Hoan Châu (Thanh Hóa hiện nay) và Ái Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh hiện nay) là trại. Năm 1013, lại định ra 6 hạng thuế là: thuế ruộng, đầm, ao; thuế đất trồng dâu và bãi phù sa; thuế sản vật ở núi; thuế mắm muối; thuế sừng tê giác, ngà voi; thuế tre gỗ hoa quả… Ông cho những người tín cẩn trông coi việc trưng thu các thứ thuế ấy.
Trong thời kỳ ở ngôi vua, Lý Công Uẩn rất coi trọng đạo Phật và xem đạo Phật là quốc giáo. Ông đã cho xây dựng nhiều ngôi chùa lớn và rất kính trọng tăng ni. Đặc biệt, vào năm 1018, Lý Công Uẩn đã cho người sang nhà Tống xin kinh Tam Tạng để về truyền bá trong nước. Với quan điểm coi trọng Phật giáo, nên trong chính sách cai trị của mình Lý Công Uẩn ít dùng hình luật hà khắc mà lấy lòng khoan dung để giáo hóa dân chúng đồng thời thực hiện chính sách gần dân để nắm bắt ý nguyện của dân. Dưới triều ông, có nhiều lần nhân dân được xá thuế, chẳng hạn như tô thuế được xá 3 năm vào năm 1016. Đến năm 1017, tô ruộng cũng được xá.
Cũng xuất phát từ quan điểm coi trọng thần dân mà vua Lý Công Uẩn đã cho xây dựng cung Long Đức ở ngoài thành, làm nơi ở của Thái tử Phật Mã (sau này là vua Lý Thái Tông). Mục đích của nhà vua không muốn cho con trưởng ở cạnh mình, trong Tử Cấm thành, mà muốn cho Thái tử ở gần dân, để hiểu biết tình cảnh của dân. Bằng những điều mắt thấy tai nghe hàng ngày nơi dân gian, người kế vị ngai vàng tương lai sẽ biết làm những gì dân muốn, tránh những gì dân không muốn. Đây thực sự là một biện pháp tích cực trong việc đào tạo người kế vị trở thành người lãnh tụ vì dân. Chính vì thế mà sau khi Lý Công Uẩn qua đời những vị vua kế vị ông như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông đều là những bậc minh quân có nhiều công lao được ghi nhận trong lịch sử.
Năm Mậu Thìn 1028 (tức năm Thuận Thiên thứ 9), Lý Công Uẩn qua đời ở điện Long An, hưởng thọ 55 tuổi. Sau khi ông mất mới lấy miếu hiệu là Lý Thái Tổ, thụy hiệu là Thần Vũ Hoàng đế.
NGUYỄN DANH HẠNH
(Bảo tàng Phú Yên)