Ở Phú Yên, lâu lắm mới có một tập thơ thiếu nhi được xuất bản. Đề tài này bảo khó thì không hẳn, mà bảo dễ là chủ quan. Vậy thì là gì? Cảm xúc tinh khôi, vấn đề muôn thuở trong sáng tác, và đặc biệt là với sáng tác cho thiếu nhi.
Khi người ta “lớn” về mặt tuổi tác, dễ nhìn mọi vật xung quanh với cặp mắt “biết rồi, khổ lắm…”. Như vậy là hết chuyện.
Với trẻ em, thứ gì cũng lạ, và như vậy, mọi chuyện vẫn còn dài dài…
“Nhiệm vụ” của nhà thơ là “sống” với các em, chắp cho dài những câu chuyện ấy, dài về suy tưởng và dài về khám phá.
Ở một số khía cạnh, Đào Đức Tuấn đã làm được điều ấy trong tập thơ Ôm tròn trái đất viết cho các em.
Tập thơ 36 bài, tác giả đã dẫn dắt các em khám phá thiên nhiên (Lảnh lót, Hoa mận, Bức tranh chiều, Hạ về, Hoa bạch đàn…), khám phá cuộc sống, quê hương, tình người (Gió quê mình, Hòa âm, Vầng trán ba, Nắng hè, Hoa mẹ con, Cây khế vườn ngoại, Con phố, Lồng đèn, Đồng ca, O o, Cánh cò lòng mẹ…), và đặc biệt là khám phá tâm hồn (Đi học, Cô đi dạy, Nhớ, Tết, Mỗi mai, Mưa bên ngoại, Ôm tròn trái đất, Chuyện lạ, Đà Lạt, Khi mưa, Niềm vui, Vầng trăng, Lời ru thầm, Trưa hè, Đồng quê, Gần-xa, Tết từ cha mẹ, Bài hát mùa thu, Với còng cát, Chơi diều biển…).
Gọi là “khám phá”, thật ra cũng chỉ toàn những điều giản dị, chả to tát gì, nhưng đó là tấm lòng tác giả dành cho các em. Có những điều mà trong ngày thường, không mấy ai buồn để ý đến thì tác giả lại vân vê, nói to nói nhỏ và sau đó thì… dành tặng các em:
“Trưa hè
Chú nghé
Nghĩ gì
Cười nhe
Trưa hè
Vẫn nghe
Chị ve
Tập đọc”.
(Trưa hè)
Hoặc như, khi viết về một chú gà trống, chỉ vài lời đơn sơ nhưng cũng đã chỉ ra một thế giới quan tâm của tuổi nhỏ:
“Chắc nhiều người nghe mày
Nhưng bận không để ý
Chỉ mình tao chăm chú
Ò o, mày đừng buồn”.
(O o)
Tuổi thơ thường trong trẻo với những ước mơ, với trí tưởng tượng dễ thương và những mong muốn giản dị:
“Gió ơi, gió ơi, nhè nhẹ
Đong đưa cánh võng tuổi thơ
Mải mê lật từng trang sách
Nâng những ước mơ bay xa”.
(Gió quê mình)
“Lồng đèn là quà hoàng tử
Gởi tặng công chúa chị Hằng
Trung thu như ngày đám cưới
Trăng xanh ánh nến bập bùng”.
(Lồng đèn)
“Khi con khoe điểm tốt
Trán ba giãn thật nhiều
Ba ơi, con rất muốn
Luôn được làm ba vui”.
(Vầng trán ba)
lại cũng có thể gợn buồn:
“Nắng cứ nắng và lúa cứ xanh
Có bàn tay mẹ nâng cây lúa hát
Mùa hè của con niềm vui nhảy nhót
Mùa hè của mẹ bùn đất dãi dầu”.
(Nắng hè)
“Trăng những đêm giữa tháng
Mẹ dồn hết cho con
Con là vầng trăng tròn
Của ấp iu mẹ ước.
Vầng trăng mẹ hao khuyết
Của một đời nuôi con
Trăng mẹ khuya mới mọc
Nên có lần con quên…”
(Vầng trăng)
Cũng có một số bài, tác giả dành tặng cho tuổi thơ của chính mình, như bài Nhớ:
“Con đường tuổi thơ đằm đặm
Bờ lau lấp lỉnh bạn cười
Mưa rào chia hai trò chơi
Tiếc thương ngôi nhà công chúa.
Lớn lên chắc là nhớ lắm
Lời mẹ gọi ăn cơm trưa.”
Với bài Mưa bên ngoại cũng vậy:
“Áo cời lập cập ngoại che
Tội đứa cháu nhỏ đường xa vợi vời
Vòm tay ngoại rợp bầu trời
Mưa thành câu hát à ơi thuở nào.”
Có lẽ là viết cho mình nên Đào Đức Tuấn không ngần ngại thả vào những từ ngữ lạ tai nhưng rất gợi: đằm đặm, lấp lỉnh…
Nếu có ai hỏi thích bài nào nhất trong tập, tôi sẽ “bầu chọn” bài Cây khế vườn ngoại. Với bài này, tuổi thơ đọc cũng hợp, mà người lớn “đọc lại” cũng là một dịp quay về miền cổ tích:
“Mùa đông lá xác xơ cây
Khế vẫn giữ những cành xanh
Đợi mùa hè cho em quả ngọt.
Nắng hè nhảy nhót
Từng chùm khế chắt chiu vàng
Chim về râm ran.
Khế thay vòng tay những trưa vắng ngoại
Thương như ngôi nhà
Khế bạc khế vàng”.
Bài thơ cô đọng, súc tích, gợi được những tầng sâu với: nắng hè nhảy nhót, khế chắt chiu vàng; và khế như vòng tay ngoại, như ngôi nhà, lại cũng như bạn như bè khế bạc khế vàng. Tóm lại, ở đây, khế đã “hóa tâm hồn”!
Khép lại tập thơ, hy vọng bạn đọc nhỏ tuổi cũng sẽ bắt gặp một chút gì đó của tâm hồn mình sẻ chia cùng tác giả.
HUỲNH VĂN QUỐC