Câu 5: Ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789), với trận Ngọc Hồi - Đống Đa, quân dân ta đã quét sạch 29 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi. Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa?
* Nội dung gợi ý trả lời:
- Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789)
Sau khi nhận tin cấp báo quân Thanh sang xâm lược nước ta, Nguyễn Huệ nhanh chóng lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Quang Trung và tuyển mộ thêm binh lính thẳng đường tiến quân ra bắc trừng trị quân xâm lược. Trên đường hành quân, hàng loạt các đồn tiền tiêu của địch như Gián Khẩu, Thanh Quyết, Nhật Tảo, Hà Hồi… bị quân Tây Sơn tiêu diệt. Ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789), Quang Trung trực tiếp chỉ huy trận đánh đồn Ngọc Hồi. Hứa Thế Hanh - viên tướng nhà Thanh chỉ huy ở Ngọc Hồi đưa đội kỵ binh ra nghênh chiến với lực lượng tượng binh của Tây Sơn. Vừa thấy voi, đoàn ngựa của quân Thanh hoảng loạn giẫm đạp lên nhau rút lui. Địch bắn ra như mưa để cản bước tiến của quân ta. Đoàn voi chiến chia thành hai cánh tả hữu mở đường cho đội xung kích tiến lên. 600 chiến sĩ cảm tử chia thành 20 toán, cứ 10 người, dao ngắn dắt bên hông, cùng nhau khiêng một tấm mộc lớn, bên ngoài quấn rơm ướt xông lên phía trước, phía sau có 20 chiến sĩ khác đi theo kết thành bức tường đi động. Đại bác, cung nỏ, hỏa mù của địch bắn ra tới tấp nhưng không ngăn nổi bước tiến của đoàn quân cảm tử. Áp sát chân lũy, các chiến sĩ xung kích bỏ các tấm mộc xuống, rút dao và các loại vũ khí khác xông vào chiến đấu dữ dội. Cùng lúc đó, theo sự chỉ huy của Quang Trung, hàng vạn quân ta ào ạt xông lên tiếp chiến, đại bác và hỏa hổ bắn dữ dội. Trước sức tấn công như vũ bão, quân địch rối loạn, bỏ chạy. Quân Tây Sơn thừa thế xông lên chém giết san phẳng đồn Ngọc Hồi. Các tướng Thanh như Hứa Thế Hanh, Thượng Duy Thăng và nhiều tên tướng khác bị giết.
Cũng đúng lúc đó Quang Trung cho quân đánh đồn Ngọc Hồi, theo kế hoạch đã định, đạo quân của đô đốc Long (có tài liệu ghi là đô đốc Đông) chỉ huy tấn công đồn Khương Thượng - Đống Đa. Bị tấn công bất ngờ, quân giặc hoảng loạn, chống đỡ yếu ớt. Hàng ngàn quân Thanh tử trận. Tướng chỉ huy giặc là Sầm Nghi Đống tuyệt vọng, thắt cổ tự tử. Hàng trăm thân binh của hắn cũng tự sát theo. Thừa thắng đô đốc Long cho quân tiến thẳng về Thăng Long.
Tướng tổng chỉ huy quân Thanh là Tôn Sĩ Nghị đang đóng ở Tây Long (gần Thăng Long) đang lo lắng số phận của đồn Ngọc Hồi thì nhận được tin Đống Đa thất thủ, quân Tây Sơn đang tiến vào Thăng Long. Y hốt hoảng, không biết xử trí ra sao nữa, đành nhảy lên ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp cùng một số quân tùy tùng chạy qua cầu phao, vượt sông Hồng lên mạn bắc. Quân lính thấy chủ tướng đã chạy, bèn hùa nhau chạy theo qua cầu phao khiến cầu gãy, hàng vạn quân Thanh rơi xuống sông chết đuối. Trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789), vua Quang Trung ngồi trên lưng voi, áo bào xạm đen khói súng, đi đầu đại quân tiến vào Thăng Long giữa niềm vui chiến thắng của nhân dân.
- Ý nghĩa lịch sử chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa:
+ Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa thể hiện tài năng chỉ huy quân sự kiệt xuất của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tuy lực lượng so sánh chỉ bằng khoảng một phần ba quân địch, nhưng Quang Trung đã sớm tạo nên ưu thế về nhiều mặt, nhanh chóng giành lại quyền chủ động, nắm đúng thời cơ và xác định chính xác hướng tiến công chủ yếu, thứ yếu và bổ trợ để tạo nên một thế trận hoàn chỉnh, lợi hại, sử dụng binh lực một cách hợp lý với hiệu suất chiến đấu cao nhất. Trận Ngọc Hồi - Đống Đa, Quang Trung đã phối hợp một cách hoàn hảo giữa cách đánh chính diện và vu hồi một cách xuất sắc. Quân ta đánh lớn ở Ngọc Hồi đã thu hút lôi cuốn địch tạo điều kiện để đánh vu hồi ở Đống Đa. Ở đây Nguyễn Huệ đã thực sự đánh địch bằng mưu, thắng địch bằng thế. Trong đó, trận Đống Đa diễn ra quá nhanh và bất ngờ khiến cho Tôn Sĩ Nghị và các tướng nhà Thanh ở Thăng Long không còn kịp nghĩ đến việc chi viện cho Ngọc Hồi nữa. Đánh mạnh thắng lớn trên hướng chính diện của đạo quân chủ lực đã uy hiếp mặt nam, tạo điều kiện cho đô đốc Long đưa quân bí mật áp sát đồn Khương Thượng. Sự kết hợp hữu cơ, tương hỗ giữa chính binh và kỳ binh đã làm nên chiến thắng. Đó cũng là một thành công lớn của Nguyễn Huệ khi vận dụng binh pháp Tôn Tử “dĩ chính hợp dĩ kỳ thắng”, nghĩa là đánh bằng chính binh và thắng bằng kỳ binh vậy.
+ Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là một chiến công lớn, quyết định cục diện của chiến trường giải phóng Thăng Long trong xuân Kỷ Dậu (1789) cũng như việc đánh bại hoàn toàn binh tướng nhà Thanh trong cuộc tiến quân ra bắc lần thứ ba của người anh hùng Nguyễn Huệ. Sau khi quân Thanh bị tiêu diệt trong trận đánh này, chủ tướng Tôn Sĩ Nghị đã vội vàng bỏ cả ấn tín, ngựa không kịp đóng yên, mình chưa kịp mặt giáp đã vội vàng rút chạy, bỏ lại cả đạo quân như rắn mất đầu. Tình hình này đã tạo ra thời cơ cho quân ta tiến đánh tiêu diệt quân địch gồm cả bọn phản quốc và ngoại bang, quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi, giải phóng đất nước.
+ Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa cũng là chiến thắng của nhân dân vùng nam kinh thành Thăng Long góp phần to lớn vào thắng lợi chung của nhân dân cả nước. Quân Tây Sơn tiến hành đánh địch vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Nhân dân trong vùng đã mang lương thực, bánh chưng, gạo, nếp, thịt… tiếp tế cho quân đội. Ngoài những kho lương thực được chuẩn bị trước, lực lượng hậu cần tại chỗ của nhân dân giữ vai trò quan trọng đảm bảo cho quân Tây Sơn có thể vận động nhanh chóng và chiến đấu liên tục. Nhân dân vùng Ngọc Hồi đón tiếp đoàn quân Tây Sơn một cách nồng nhiệt, họ bày quà bánh bên đường để khao thưởng và hoan nghênh Quang Trung với tấm biển mang bốn chữa “Hậu lai kỳ tô” (vua đến dân sống lại). Quang trung cảm động nhận lấy quà của nhân dân và tặng lại bốn chữ “Hiếu nghĩa khả phong” (Tấm lòng chuộng nghĩa đáng khen). Nhân dân vùng Ngọc Hồi - Đống Đa đã nhiệt tình tham gia chiến đấu, họ đem cả rơm rạ bện lại thành những con rồng lửa để quân Tây Sơn tấn công thiêu đốt đồn Khương Thượng, họ còn cung cấp những tấm ván cửa, ván nằm và tự lấy những tấm ván cửa chùa, cửa đình trong làng ủng hộ nghĩa quân chống giặc trong trận tấn công đồn Ngọc Hồi.
+ Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa không chỉ góp phần vào việc giải phóng đất nước khỏi sự chiếm đóng của quân Thanh, giữ vững nền độc lập của dân tộc, mà còn một lần nữa đập tan cuồng vọng xâm lược của các đế chế quân chủ phương Bắc từng đe dọa vận mạng dân tộc ta trải hàng ngàn năm qua.
+ Bên cạnh những trận đánh lẫy lừng đã đi vào sử sách Như Nguyệt, Chi Lăng, Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng… ghi lại thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước, trận Ngọc Hồi - Đống Đa trở thành chiến công vang dội của nghĩa quân Tây Sơn trong hàng chuỗi các thắng lợi từ việc lật đổ các chính quyền Trịnh - Nguyễn xóa bỏ sự chia cắt đất nước trong một thời gian dài, đến tiêu diệt Xiêm La (trận Rạch Gầm - Xoài Mút), đánh bại quân Thanh một cách thần tốc trong mùa xuân Kỷ Dậu (1789). Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là một chiến công vĩ đại vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta cuối thế kỷ XVIII, thể hiện bản lĩnh và tư thế bất khuất của nhân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của vua Quang Trung trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù phương Bắc:
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri
(Dụ tướng sĩ - Quang Trung)
(Còn nữa)
__________________
* Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
- Trương Hữu Quýnh (cb), Đại cương lịch sử Việt
- Nguyễn Phan Quang, Phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2005.