Thứ Bảy, 08/02/2025 00:11 SA
Hướng dẫn trả lời câu hỏi cuộc thi Tìm hiểu “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng” (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 30/05/2010 18:00 CH

Câu 3: “Hội thề Đông Quan” (10/12/1427) đã kết thúc 10 năm kháng chiến chống quân Minh của nhân dân Đại Việt. Hãy cho biết kết quả và ý nghĩa lịch sử của Hội thề Đông Quan.

 

* Nội dung gợi ý trả lời:

 

- Bối cảnh lịch sử dẫn đến Hội thề Đông Quan:

 

Năm 1418 khởi nghĩa Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi bùng nổ nhằm lật đổ nền thống trị nhà Minh, giải phóng đất nước. Được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân cuộc khởi nghĩa ngày càng lớn mạnh và thu nhiều thắng lợi. Đến năm 1427 nghĩa quân Lam Sơn làm chủ nhiều vùng rộng lớn, đẩy quân Minh rơi vào tình thế bị vây hãm tại thành Đông Quan và một số thành trì khác như Điêu Diêu, Thị Cầu, Xương Giang, Khâu Ôn, Cổ Lộng…

 

Mặc dù bị vây khốn ở thành Đông Quan nhưng tướng nhà Minh là Vương Thông hy vọng quân cứu viện từ Trung Quốc đánh sang có thể thay đổi tình thế. Tháng 10/1427, quân Minh do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy 15 vạn quân tiến vào nước ta theo ngả Lạng Sơn. Đạo quân cứu viện của địch bị nghĩa quân chặn đánh, tướng giặc là Liễu Thăng bị chém ở ải Chi Lăng và toàn bộ 2 cánh quân bị tiêu diệt ở Lãnh Cầu, Đan Xá, Xương Giang. Thấy hai cánh viện binh đã vỡ hoàn toàn, các thành trì còn lại đều bị bao vây và cô lập, không còn khả năng tiếp tục chiến trận, Vương Thông xin giảng hòa. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi ghi lại:

 

Nó đã sợ chết cầu hòa, ngỏ lòng thủ phục

Ta muốn toàn quân là cốt, cả nước nghỉ ngơi

Thế mới là mưu kế thật khôn,

Vả lại suốt xưa nay chưa có”.

 

Quân Minh cho hai tướng là Sơn Thọ và Mã Kỳ đến dinh Bồ Đề (doanh trại của Lê Lợi) làm con tin, còn Lê Lợi cho con là Tư Tề và tướng Lưu Nhân Chú vào thành Đông Quân làm con tin.

 

Ngày 10/12/1427, tại một địa điểm ở phía nam thành Đông Quan, bên bờ sông Hồng, một hội thề lịch sử đã được tổ chức thường gọi là Hội thề Đông Quan. Đây là một hình thức định ước đình chỉ chiến sự giữa nghĩa quân Lam Sơn và quân Minh. Dự hội thề có phái đoàn quân ta do Lê Lợi dẫn đầu và quân Minh do Vương Thông cầm đầu. Hai bên uống máu ăn thề và cùng đọc bài Văn hội thề do Nguyễn Trãi soạn thảo, theo đó Vương Thông cam kết rút quân về nước vào ngày 22/12/1427, chấm dứt vĩnh viễn chiến tranh; còn phía Đại Việt sẽ đảm bảo cho tướng sĩ, ngựa voi… của quân Minh hiện còn đóng ở một số thành trì được trở về nước một cách an toàn.

 

- Kết quả và ý nghĩa Hội thề Đông Quan:

 

+ Sau Hội thề Đông Quan, Lê Lợi ra lệnh giải vây cho các thành mà quân Minh còn chiếm đóng. Ngày 29/12/1427, quân Minh bắt đầu rút. Ngày 3/1/1428, đội bộ binh cuối cùng của Vương Thông lên đường về nước. Hơn 10 vạn quân Minh được an toàn trở về quê hương xứ sở. Hơn thế nữa, Lê Lợi còn cấp cho 500 chiến thuyền, mấy nghìn con ngựa cùng với đầy đủ lương thực và sai sửa cầu cống, đường sá để cho chúng rút về nước. Quân Minh hết sức cảm động, kéo đến dinh Bồ Đề lạy tạ những người lãnh đạo đầy khoan dung, nhân đạo của nghĩa quân Lam Sơn. Trên cả nước Đại Việt đã hoàn toàn sạch bóng quân giặc. Cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhân dân ta kéo dài trên 10 năm dưới sụ lãnh đạo của lê Lợi đã toàn thắng.

 

+ Qua Hội thề Đông Quan, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã tiến hành phương thức chiến tranh “vừa đánh vừa đàm”, kiên quyết tiến công địch liên tục, vừa chấp nhận kế hoãn binh giảng hòa để tranh thủ thời gian hòa bình xây dựng lực lượng chống quân xâm lược. Nghĩa quân đã thắng lớn ở Chi Lăng, Xương Giang, nhưng biết tự kiềm chế mình để buộc địch phải đến Hội thề Đông Quan thực hiện rút quân về nước, kết thúc chiến tranh bằng con đường đàm phán hòa bình, đỡ tốn xương máu cho nghĩa quân và cho quân thù con đường sống mà rút quân về. Từ kinh nghiệm lịch sử Hội thề Đông Quan của cha ông, trong thời hiện đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đã phát huy sức mạnh đấu tranh ngoại giao bên cạnh sức mạnh đấu tranh quân sự để kết thúc chiến tranh. Cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ kết thúc thắng lợi thể hiện sâu sắc đường lối kết hợp quân sự và ngoại giao, “vừa đánh vừa đàm”, kế thừa bài học quý báu trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc.

 

+ Lần đầu tiên trong lịch sử giữ nước của dân tộc, nghĩa quân Lam Sơn sử dụng có hiệu quả hoạt động địch vận với tư tưởng “đánh vào lòng người”. Chiến lược “tâm công” thể hiện rõ nét nhất, tập trung nhất trong việc Nguyễn Trãi nhân danh nghĩa quân Lam Sơn, nhân danh Lê Lợi viết thư dụ hàng Vương Thông và các tướng tá giặc Minh. Hoạt động địch vận khi thì tạo điều kiện cho hoạt động quân sự, khi thì dựa vào áp lực quân sự để vận động, thuyết phục địch có hiệu quả. Dụ hàng kiên trì kết hợp các trận tiến công quyết liệt. Chiến thắng Chi Lăng, Xương Giang là những đòn chí mạng vào quân Minh, dồn chúng vào tình thế nguy ngập, sa sút nghiêm trọng về tinh thần. Nguyễn Trãi đã 5 lần vào thành Đông Quan trực tiếp thương lượng với Vương Thông, nêu lên sự lớn mạnh tất thắng của nghĩa quân, dựa vào thế thắng trận để uy hiếp, buộc giặc vào thế cùng, vạch cho giặc thấy tình hình của chúng như cá nằm trên thớt, đồng thời chỉ cho chúng biết lối thoát duy nhất là ra hàng. Những lá thư với lý lẽ phân tích xác đáng của Nguyễn Trãi là mũi giáo sắt nhọn khoét sâu vào ý chí của Vương Thông và giặc Minh ở thành Đông Quan, làm cho tinh thần chiến đấu của chúng giảm sút, khiến cho chúng “trí mòn, lực kiệt, viện tuyệt, thế cùng” phải đầu hàng hoàn toàn.

 

+ Việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoạt động địch vận với tư tưởng “tâm công” dựa trên đường lối chính trị nhân nghĩa “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” (Bình Ngô đại cáo). Đại nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn chính là ý chí diệt giặc cứu nước, quyết tâm chiến đấu để cứu nhân dân thoát khỏi ách đô hộ của quân Minh tàn bạo, tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa gắn liền với ước vọng hòa bình và tinh thần nhân đạo.

 

+ Hội thề Đông Quân thể hiện đỉnh cao hoạt động địch vận với tư tưởng “tâm công” nặng tính nhân nghĩa, có sức mạnh đánh địch như một đạo quân hàng vạn người, đã tiết kiệm xương máu của nghĩa quân và nhân dân ta, hỗ trợ đắc lực cho cuộc chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn. Đây là một kinh nghiệm lịch sử quý báu góp phần vào kho tàng nghệ thuật quân sự của dân tộc.            

 

(Còn nữa)

__________________

* Tài liệu tham khảo:

 

- Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội,1998.

- Trương Hữu Quýnh (cb), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập I, Nxb.Giáo dục, 1998.

Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn,Khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1965.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek