Câu 2: Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ XIII, các vua Trần đã ba lần rút khỏi kinh thành Thăng Long (1258, 1285, 1288). Hãy nêu chủ trương chiến lược của những lần rút quân đó? Kết quả và ý nghĩa?
* Nội dung gợi ý trả lời:
- Cuộc rút lui khỏi kinh thành Thăng Long lần thứ nhất:
Tháng 1/1258, ba vạn quân Mông Cổ do tướng Uri-ang Kha-đai (Ngột Lương Hợp Thai) chỉ huy tiến vào nước ta. Vua Trần Thái Tông đích thân đưa quân lên Bình Lệ Nguyên ứng chiến với giặc. Uri-ang Kha-đai chia quân làm ba mũi quyết bao vây, tiêu diệt quân ta và bắt sống vua Trần. Trước thế giặc mạnh, vua Trần vừa rút quân vừa chặn đánh và triệt phá cầu cống nhằm cản tốc độ tiến quân của giặc. Theo ý kiến của tướng Lê Tần, vua Trần Thái Tông ra lệnh rút quân khỏi kinh thành Thăng Long để bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội phản công. Kế hoạch di chuyển kho tàng và toàn bộ hoàng gia ra khỏi kinh thành được thực hiện gấp rút dưới sự điều khiển của bà Trần Thị Dung (vợ thái sư Trần Thủ Độ). Giặc hùng hổ tiến vào Thăng Long, nhưng kinh đô lúc này hoàn toàn trống không. Chúng chỉ gặp mấy tên sứ giả đang bị giam trong ngục và có tên đã chết. Đóng quân nơi vườn không nhà trống, vừa thiếu lương thực, vừa bị bao vây, giặc lâm vào tình thế khốn quẫn. Đúng lúc đó quân ta phản công. Trận đánh quyết định đã diễn ra tại Đông Bộ Đầu vào ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (1/1258) đánh bật 3 vạn quân Mông Cổ ra khỏi kinh thành Thăng Long và những vị trí khác. Trên đường tháo chạy, quân giặc bị các đội dân binh của các dân tộc ít người chặn đánh, chúng khiếp đảm không còn nghĩ đến việc cướp bóc, bị dân mỉa mai gọi là giặc Phật. Cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân Mông Cổ của quân dân nhà Trần đã thắng lợi.
- Cuộc rút lui khỏi kinh thành Thăng Long lần thứ hai:
Ngày 27/2/1285 quân Nguyên dưới sự chỉ huy của Thoát Hoan chia quân làm hai đạo vượt biên giới tiến vào nước ta. Ngày 2/2/1285 giặc tấn công ồ ạt Nội Bàng. Trước thế giặc còn hăng, Trần Quốc Tuấn rời khỏi Nội Bàng lui quân về Vạn Kiếp. Ngày 11/2/1285, giặc tập trung lực lượng tấn công quyết liệt Vạn Kiếp. Để tránh thế mạnh của giặc, Trần Quốc Tuấn lại bí mật cho quân rút lui, đồng thời tổ chức một loạt các trận đánh chặn nhằm cản bước tiến của kẻ thù, tạo điều kiện thuận lợi cho hoàng tộc và nhân dân ở kinh thành Thăng Long sơ tán, di chuyển toàn bộ kho tàng khỏi rơi vào tay giặc. Ngày 19/2/1285, Thoát Hoan vào Thăng Long, nhưng lúc này kinh đô không một bóng người. Lo sợ sẽ bị đánh úp bất ngờ, Thoát Hoan đã cho quân rút sang đóng ở bờ bắc sông Hồng. Cũng như cuộc xâm lược lần thứ nhất, quân Nguyên chiếm đóng lâu ngày lương thực cạn kiệt, không cướp bóc được của cải lương thực của nhân dân khu vực Thăng Long do kế sách “vườn không nhà trống”, thêm vào đó quân lính ốm đau ngày càng nhiều do không hợp thủy thổ nước ta. Đặc biệt chúng không thực hiện được nhiệm vụ tiêu diệt quân chủ lực nhà Trần, tiêu diệt đầu não cuộc kháng chiến, bình định những vùng đất chiếm được. Đúng lúc quân Nguyên rơi vào nguy khốn, quân dân nhà Trần mở cuộc phản công với hàng loạt chiến dịch Tây Kết, Chương Dương, Hàm Tử, Thăng Long. Bị đánh liên tục từ nhiều hướng khác nhau, quân giặc bị xé lẻ thành nhiều bộ phận, không liên lạc và tiếp ứng được cho nhau. Cuối tháng 5/1285, quân đội nhà Trần giành lại được kinh thành Thăng Long. Đến đầu tháng 7/1285 quân Nguyên bị quét sạch ra khỏi nước ta, Thoát Hoan phải chui trong ống đồng để khỏi bị tên thuốc độc của quân ta giết chết. Cuộc kháng chiến lần thứ hai chống quân Nguyên giành thắng lợi. Ngày 9/7/1285 triều đình nhà Trần trở về Thăng Long.
- Cuộc rút lui khỏi kinh thành Thăng Long lần thứ ba:
Để phục thù sau hai lần thua đau, ngày 25/12/1287, quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy tràn vào nước ta theo đường bộ và tiến về chiếm đóng Vạn Kiếp. Cuối tháng 12/1287, một đạo quân thủy do Ô Mã Nhi cùng đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ chỉ huy men theo biển tiến vào duyên hải Đại Việt. Đoàn thuyền lương của giặc bị quân ta do Trần Khánh Dư chỉ huy đánh úp khiến cho toàn bộ lương thực rơi xuống biển. Sau khi chiếm được Vạn Kiếp, tháng 2/1288, quân Nguyên tấn công vào Thăng Long, nhưng bấy giờ Thăng Long không còn một bóng người. Triều đình và nhân dân đã thực hiện kế sách “vườn không nhà trống” như những lần trước. Thoát Hoan cho quân truy lùng triều đình nhà Trần nhưng không sao tìm ra dấu vết. Hắn hạ lệnh khai quật mồ mả của vua Trần Thái Tông, đốt phá kinh đô Thăng Long và nhiều làng mạc xung quanh. Sau khi nghe tin đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị đánh tan, Thoát Hoan và các tướng tá dưới quyền vô cùng hoảng sợ vội tìm đường rút lui tránh nguy cơ bị tiêu diệt. Ngày 9/4/1288 cánh quân của Ô Mã Nhi rút theo đường sông Bạch Đằng bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn. Đạo quân rút theo đường bộ của Thoát Hoan cũng bị quân ta đánh tơi tả, đến ngày 19/4/1288 Thoát Hoan dẫn tàn binh chạy về đến Tư Minh (Trung Quốc). Ngày 2/4/1288 vua Trần cùng triều thần trở về Thăng Long với niềm vui chiến thắng.
- Kết quả và ý nghĩa của chủ trương “vườn không nhà trống” rút lui khỏi kinh thành Thăng Long của quân dân nhà Trần:
+ Kế sách “vườn không nhà trống” của quân dân ta thời Trần khiến quân Mông - Nguyên dù chiếm được kinh thành một cách dễ dàng nhưng đã không bắt được bộ chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến; mặt khác chúng cũng không vơ vét được gì, nhất là lương thực nên mau chóng lâm vào tình thế khó khăn, tạo thời cơ thuận lợi cho quân ta phản công buộc chúng phải rút lui khỏi kinh thành.
+ Rút lui khỏi kinh thành Thăng Long là kế sách bảo toàn lực lượng, tránh phải đối đầu với quân địch mạnh, tinh nhuệ, đồng thời gây cho chúng tâm lý chủ quan, coi thường quân ta, tạo điều kiện cho quân dân nhà Trần khi thời cơ thuận lợi thì tiến hành phản công đánh đuổi quân Mông - Nguyên ra khỏi kinh thành và bờ cõi đất nước.
+ Trong mỗi lần rút lui khỏi kinh thành Thăng Long bỏ ngỏ cho quân giặc chiếm đóng là mỗi lần kinh thành bị tàn phá, những thành tựu xây dựng trong nhiều năm bị thiêu hủy trong chốc lát. Đó là sự hy sinh to lớn của nhân dân kinh thành Thăng Long cho thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược hùng mạnh, hung hãn.
(Còn nữa)
________________
* Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
- Viện khoa học xã hội tại TP Hồ Chí Minh, Lịch sử Việt