Thứ Bảy, 08/02/2025 00:51 SA
Hướng dẫn trả lời câu hỏi cuộc thi Tìm hiểu “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng”
Chủ Nhật, 30/05/2010 10:30 SA

Câu 1: Trình bày tóm tắt nội dung của bài Chiếu dời đô. Ý nghĩa của việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La của vua Lý Thái Tổ. Vì sao thành Đại La được đổi tên là Thăng Long?

 

* Nội dung gợi ý trả lời:

 

- Bài Chiếu dời đô do tự tay Lý Công Uẩn viết vào đầu năm 1010. Về sự kiện này sách Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: “Canh Tuất, Thuận Thiên năm thứ nhất (1010) mùa xuân, tháng hai… Vua thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác, tự tay viết chiếu truyền rằng…” (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội 1998, tr.241).

 

Nội dung bài Chiếu dời đô: “Ngày xưa, nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ trấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?” (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, 1998, tr.241).

 

Từ bài Chiếu dời đô rút ra nội dung tóm tắt gồm 2 phần:

 

+ Phần 1: Lý Công Uẩn nêu lý do của việc dời đô.

 

+ Phần 2: Lý Công Uẩn nêu lý do trong việc chọn thành Đại La để định đô.

 

- Việc vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La là sự kiện có ý nghĩa trọng đại:

 

+ Hoa Lư vốn là kinh đô nước ta dưới thời Đinh - Lê từ năm 968 đóng ở nơi hiểm yếu, chỉ nặng về chức năng phòng thủ - quân sự. Đến đầu thế kỷ XI, sau gần trăm năm xây dựng nền tự chủ, thế và lực của nước ta đã khác. Nền thống nhất quốc gia được củng cố, chính quyền trung ương được tăng cường, cha ông ta - mà người đại diện là Lý Công Uẩn đã đủ tự tin vào sức mạnh của mình để định đô ở một vùng đất mới nhằm đáp ứng các yêu cầu kinh đô của một quốc gia phát triển hùng cường. Sự kiện dời đô ra thành Đại La chứng tỏ dân tộc và đất nước ta bước vào một thời kỳ phát triển mới, sự vươn lên của hào khí Đại Cồ Việt, Thăng Long - Rồng bay lên sánh với lân bang Đại Tống phía bắc.

 

+ Dời đô ra thành Đại La là nơi đất đai “rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ trấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh” rất thuận lợi cho việc phát triển, xây dựng thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, của cả nước và xứng đáng là kinh đô lâu dài cho các thế hệ mai sau.

 

+ Việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La không những thể hiện sự trưởng thành của dân tộc về mọi mặt mà còn thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Lý Công Uẩn về tương lai của nước Đại Cồ Việt. Từ đây Đại La - Thăng Long trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của một đất nước tự chủ.

 

- Vì sao thành Đại La được đổi tên là Thăng Long:

 

+ Sau khi lên ngôi hoàng đế, việc lớn đầu tiên của Lý Công Uẩn là quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010), đoàn thuyền ngự của nhà vua cập bến thành Đại La, bỗng có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó nhà vua quyết định đổi tên thành Đại La là thành Thăng Long và chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt.

 

+ Thăng Long có nghĩa là rồng bay, là sự thể hiện khát vọng và ý chí vươn lên mạnh mẽ của dân tộc, chứa đựng ý niệm thiêng liêng về nguồn gốc con rồng cháu tiên và ước mơ về nguồn nước, mưa thuận gió hòa của cư dân văn minh nông nghiệp trồng lúa nước.

 

+ Trong lịch sử của mình, tuy có nhiều lần thay đổi tên gọi khác nhưng Thăng Long trở thành tên gọi thân thương trong sâu thẳm tình cảm của mỗi người dân Việt Nam khi nhắc đến Thủ đô ngàn năm yêu dấu của chúng ta, như một câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ.

 

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời nam thương nhớ đất Thăng Long.

 

(Còn nữa)

__________________

* Tài liệu tham khảo:

 

- Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.

- Viện khoa học xã hội tại TP Hồ Chí Minh, Lịch sử Việt Nam, Tập 3, Nxb Trẻ, 2006.

- Hoàng Đạo Thúy, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, Hà Nội 1971.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek