Câu 4. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh. Nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy…”. Ai là tác giả của bài bi ký trên? Trình bày những hiểu biết của bạn về Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Thủ đô Hà Nội?
* Nội dung gợi ý trả lời:
- Nguyên văn đoạn bi ký như sau: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh. Nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không ai là không chăm lo xây dựng nhân tài, chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”.
Đoạn bi ký trên là câu trích trong bài ký đề tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) của Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469). Bài ký được soạn vào năm 1484 khi việc dựng bia Tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, được coi là tuyên ngôn của nền giáo dục và khoa cử truyền thống Việt
- Sơ lược tiểu sử của Thân Nhân Trung:
Thân Nhân Trung (1418-1499), tự là Hậu Phủ, người làng Yên Ninh, từng thuộc xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Thân Nhân Trung đỗ tiến sĩ năm 1469 làm quan nhà Hậu Lê dưới hai đời vua là Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông, từng giữ các chức Đông các đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, kiêm Thượng thư Bộ Lễ, chưởng Hàn lâm viện sự, Thượng thư Bộ Lại, Nhập nội phụ chính.
Theo các sách Đăng khoa lục thì Thân Nhân Trung sinh khoảng năm 1418 và mất khoảng năm 1499. Thân Nhân Trung đỗ muộn, năm Quang Thuận thứ 10 đời vua Lê Thánh Tông, tức là năm Kỷ Sửu (1469), ông mới thi đậu Hội nguyên, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Ngay sau khi thi đỗ Tiến sĩ, ông được cử làm Hàn lâm viện thị độc, sau đó thăng Hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc Tử Giám tề cửu. Vua Lê Thánh Tông đánh giá tài năng của Thân Nhân Trung rất cao: ông được vua cử làm độc quyển cho các khoa thi Đình năm Ất Mùi (1475), năm Canh Tuất (1490), năm Quý Sửu (1493), năm Bính Thìn (1496), là các niên hiệu Hồng Đức từ thứ 6 đến thứ 27.
Năm Hồng Đức thứ 6 (1475) Thân Nhân Trung, cùng với Lê Niệm, Đào Tuấn, Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo,… được cử đi tiễn sứ giả nhà Minh là Quách Cảnh về nước.
Năm Hồng Đức thứ 14 (1483) vua Lê Thánh Tông sai Thân Nhân Trung, cùng với Quách Đình Bảo, Đào cử, Đàm Văn Lễ, bắt đầu soạn bộ sách Thiên Nam dư hạ và Thân chinh ký sự.
Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), Thân Nhân Trung cùng các quan bộ lễ khác tiến hành viết các bài văn bia để khắc vào các bia tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam, các bia này hiện đặt tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, ghi lại mục đích lập mỗi khoa thi nho học, hoàn cảnh lịch sử các khoa thi được khắc bia, hoàn cảnh ra đời của văn bia, và nội dung quan trọng nhất là đề danh các tiến sĩ đỗ đại khoa trong khoa thi đó. Thân Nhân Trung được giao soạn bài văn bia cho bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442). Khi viết về mục đích các khoa thi nho học, trong bài văn bia này, Thân Nhân Trung đã nêu bật được tầm quan trọng của giáo dục nhân tài đối với việc hưng thịnh của đất nước: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh. Nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không ai là không chăm lo xây dựng nhân tài, chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.
Năm Hồng Đức thứ 26 (1495), Lê Thánh Tông lập hội thơ Tao Đàn đô nguyên súy, Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận được cử làm Tao Đàn phó đô nguyên súy. Thân Nhân Trung đóng góp đáng kể vào các tập thơ Quỳnh uyển cửu ca, Hồng Đức quốc âm thi tập, những tác phẩm tiêu biểu của hội Tao Đàn.
- Lịch sử và kiến trúc công trình Văn Miếu-Quốc Tử Giám ở Thủ đô Hà Nội:
Văn Miếu-Quốc Tử Giám là tổ hợp gồm hai di tích chính: Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam; và Quốc Tử Giám – Trường Quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước.
Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 thời vua Lý Thánh Tông. Năm 1076 Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu. Có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt
Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc – Nam, mô phỏng tổng thể quy hoạch khu Văn Miếu thờ Khổng Tử ở quê hương ông tại Khúc Phụ, Sơn Đông (Trung Quốc). Tuy nhiên, quy mô ở đây đơn giản hơn, kiến trúc đơn giản hơn và theo phương thức truyền thống nghệ thuật dân tộc.
Phía trước Văn Miếu có hồ lớn gọi là hồ Vạn Chương, tên cũ là Thái Hồ. Giữa hồ có gò Kim Châu, trước đây có lầu để ngắm cảnh. Ngoài cổng chính có tứ trụ, hai bên tả hữu có bia “Hạ Mã”, xung quanh khu vực xây tường cao bao quanh. Cổng Văn Miếu xây kiểu Tam quan, trên có 3 chữ “Văn Miếu Môn” kiểu chữ Hán cổ xưa. Trong Văn Miếu chia làm 5 khu, có tường ngăn và cổng thông nhau.
Khu thứ nhất: từ cổng chính Văn Miếu Môn đến cổng Đại Trung Môn, hai bên có cửa nhỏ là Thành Đức Môn và Đạt Tài Môn.
Khu thứ hai: Từ Đại Trung Môn vào đến Khuê Văn Các. Nổi bật khu này là kiến trúc của Khuê Văn Các do Tổng trấn bắc thành Nguyễn Văn Thành cho xây dựng năm 1805. Tuy không đồ sộ song tỉ lệ hài hòa và đẹp mắt, Khuê Văn Các biểu tượng cho tất cả tinh tú trên bầu trời tỏa xuống trái đất với hình tượng giếng vuông Thiên Quang. Hai bên phải, trái Khuê Văn Các là Bi Văn Môn và Súc Văn Môn dẫn vào hai khu nhà bia Tiến sĩ.
Khu thứ ba: Gồm hồ nước Thiên Quang và 2 khu nhà bia Tiến sĩ. Mỗi tấm bia được làm bằng đá, khắc tên các vị thi đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Bia đặt trên lưng một con rùa. Hiện còn 82 tấm bia tiến sĩ về các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779, chia đều cho hai khu tả và hữu. Trong đó, 12 bia đầu tiên (cho các khoa thi những năm 1442 – 1514) được dựng vào thời Lê sơ, 2 bia (cho các khoa 1518 – 1529) được dựng vào triều nhà Mạc, còn 68 bia cuối cùng (các khoa thi những năm 1554 – 1579) được dựng vào thời Lê Trung Hưng. Mỗi khu nhà bia gồm có 1 bia đình nằm ở chính giữa và 4 nhà bia (mỗi nhà 10 bia) xếp thành hai hàng, nằm hai bên Bia đình. Bia đình khu bên trái hồ Thiên Quang chứa bia tiến sĩ năm 1442, còn Bia đình khu bên phải chứa bia tiến sĩ năm 1448.
Khu thứ tư: Là khu trung tâm và là kiến trúc chủ yếu của Văn Miếu, gồm hai công trình lớn bố cục song song và nối tiếp nhau. Tòa nhà ngoài là Bái đường, tòa trong là Thượng điện. Trong tòa Thượng điện có tượng Khổng Tử và Tứ phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử). Ở điện thờ Khổng Tử có hai cặp hạc cưỡi trên lưng rùa. Đây là hình tượng rất đặc trưng tại các đền, chùa, lăng tẩm, miếu mạo ở Việt
Khu thứ năm: Khu Thái học Quốc Tử Giám xưa kia, nơi rèn đúc nhân tài cho nhiều triều đại. Trước đây có thời kỳ đây là khu đền Khải thánh thờ bố mẹ Khổng Tử (Thúc Lương Ngột và Nhan Thị), nhưng đã bị phá hủy. Khu nhà Thái Học mới được tái dựng lại năm 2000. Đã có kiến nghị sử dụng nhà Thái học làm nơi bảo vệ luận án Tiến sĩ. Nếu ý kiến này được chấp nhận thì hàng năm nơi đây không khí xướng danh trên bảng đón mừng Tiến sĩ tân khoa của nhà Thái học xưa lại nhộn nhịp, đánh dấu sự phát triển tưng bừng của nền giáo dục tiến bộ mới của nước nhà.
Giữa tháng 3-2010, tại Ma Cao (Trung Quốc) trong phiên họp toàn thể thường niên Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO đã ra quyết định công nhận 82 bia đá các khoa Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới.
Đây là sự kiện văn hóa nổi bật thể hiện sự tôn vinh, đánh giá cao của thế giới đối với giá trị Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong lộ trình tiến tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
(Còn nữa)
____________
* Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
- Viện khoa học xã hội tại TP Hồ Chí Minh, Lịch sử Việt
- Văn bia Văn Miếu, Nxb thế giới, Hà Nội, 1993.
- Đỗ Văn Ninh, Quốc Tử Giám – trí tuệ Việt, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2010.