Những ngày đầu năm mới Canh Dần, đoàn xuyên Việt xây dựng tủ sách dòng họ do anh Nguyễn Quang Thạch - quê tỉnh Hà Tĩnh, người nghiên cứu, thiết kế và xây dựng mô hình Tủ sách dòng họ đã đến Phú Yên để giới thiệu, hướng dẫn vận động người dân xây dựng tủ sách dòng họ ở nông thôn, vì một nông thôn Việt Nam an toàn, tiến bộ, bền vững và nhân văn. Chuyến đi của anh Thạch đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều người.
Anh Thạch tặng sách cho các dòng họ ở Phú Yên - Ảnh: K.CHI |
TỪ MỘT Ý TƯỞNG
Ý tưởng xây dựng tủ sách dòng họ của anh Nguyễn Quang Thạch đến từ những… ngôi mộ. Trong một lần đến nghĩa địa, Thạch nhận ra việc quy tập các mộ chí theo dòng họ có vẻ được chú trọng. Anh đi đến hàng chục nghĩa địa khác, quan sát và khẳng định nhận định của mình là chính xác. Từ đó, ý tưởng tủ sách cho các dòng họ ra đời và anh quyết tâm thực hiện.
Sau một thời gian dài ấp ủ và theo đuổi xây dựng mô hình Tủ sách dòng họ, đến nay anh Nguyễn Quang Thạch mới thực hiện được ước mơ xuyên Việt vì mô hình này nhằm khích lệ những dòng họ trên cả nước tự nhân rộng tủ sách, cũng như thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đối với việc đưa sách về nông thôn theo chính sách xã hội hóa thư viện của Nhà nước. Phú Yên là một trong những điểm dừng trong hành trình đi qua 16 tỉnh, thành phố của anh Thạch. Anh cho biết: Qua sách báo, các phương tiện truyền thông, tôi biết Phú Yên là một vùng đất hiếu học, có nhiều dòng họ hiếu học đã gây dựng nên quỹ khuyến học của dòng họ mình và hoạt động rất hiệu quả. Chính vì thế tôi chọn Phú Yên để khơi dậy thêm lòng yêu sách, nâng cao dân trí cho bà con bằng cách xây dựng tủ sách dòng họ. Tôi nghĩ dòng họ nào cũng mong muốn có một tủ sách của họ tộc mình, nhất định họ sẽ hưởng ứng mạnh mẽ.
Anh Thạch tâm sự: “Tôi hy vọng mô hình Tủ sách dòng họ với chuyến xuyên Việt lần này sẽ tạo ra hiệu ứng xây dựng tủ sách dòng họ trên quy mô rộng lớn, góp phần giảm thiểu vấn đề thiếu sách ở khu vực nông thôn. Tủ sách sẽ tạo sự gắn kết trách nhiệm của những người sinh sống ở khu vực thành phố đối với dòng họ và quê hương mình bằng cách chia sẻ tri thức và thông tin”.
Mô hình Tủ sách dòng họ do Nguyễn Quang Thạch sáng lập và triển khai thực hiện trên cả nước từ năm 2008, đến nay đã có 40 tủ sách được xây dựng, 40 dòng họ đăng ký xin sách, 5.000 cuốn sách được huy động. Mô hình cũng đã được Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho phép chuẩn hóa tại tỉnh Thái Bình và sẽ nhân rộng khắp các làng xã trên cả nước. Đồng thời, mô hình của anh Thạch đã nhận được 400 triệu đồng hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng.
ĐỒNG TÌNH HƯỞNG ỨNG
Nhiều dòng họ ở Phú Yên đã hoan nghênh ý tưởng và mô hình của anh Thạch. Ông Đào Tấn Nguyên, đại diện tộc họ Đào cho biết, nghe anh Thạch trình bày việc xây dựng tủ sách họ tộc, ông thấy đây cũng là ý tưởng ấp ủ lâu nay của ông và họ tộc mình. Bên cạnh công lao dạy dỗ của ông bà cha mẹ, dòng họ, tri thức chính là mấu chốt dẫn đến thành công của bất cứ dòng họ nào. Chính vì thế, ông rất tâm đắc việc xây dựng tủ sách dòng họ. Và ngay trong quý II/2010, họ Đào sẽ là một trong những họ tộc đầu tiên ở Phú Yên xây dựng tủ sách dòng họ.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên Đào Bảo Minh bộc bạch: Khi nghe ý tưởng của anh Thạch, tôi rất thích. Tỉnh Đoàn sẽ có kế hoạch phối hợp với các hội, đoàn thể phát động phong trào quyên góp sách và xây dựng tủ sách dòng họ trong đoàn viên thanh niên.
Ông Dương Thái Nhơn, Giám đốc Thư viện tỉnh Phú Yên, cho hay: Thư viện tỉnh rất hoan nghênh ý tưởng xây dựng tủ sách dòng họ. Nếu dòng họ nào có nhu cầu mở tủ sách, thư viện sẽ giúp đỡ và hỗ trợ, tư vấn về cách sắp xếp thư mục, mục lục... cùng các nghiệp vụ về hoạt động thư viện.
Việc xây dựng tủ sách dòng họ được thực hiện theo phương thức giản đơn như sau: Một là các dòng họ tự bỏ tiền đóng tủ đựng sách cũng như bố trí thành viên trong dòng họ làm thủ thư phục vụ bạn đọc miễn phí. Hai là, người sáng lập mô hình sẽ hỗ trợ từ 180 đến 250 đầu sách. Sách do các nhà hảo tâm ủng hộ và được mua từ thu nhập của cá nhân.
KIM CHI