Với những bài lục bát tươi mới, giàu sức sống, ông được giới phê bình đánh giá là người góp phần làm mới thể thơ này. Ông mê hoặc người yêu thơ bằng những bài thơ tự do đầy trăn trở, bằng giọng đọc và bằng kiểu quảng bá thơ rất độc đáo: triển lãm thơ, ảnh trên giấy dó, làm lịch thơ...
Nhà thơ Nguyễn Duy
Luôn đi tìm cái mới, không cho phép lặp lại người khác và lặp lại chính mình. Biết dấn thân và cũng biết dừng lại để tìm mạch nguồn mới, đó là Nguyễn Duy, người con của đất Thanh Hóa, cựu học sinh ngôi trường mang tên cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
* Ông nói: “Ngôn ngữ của đời sống, của người dân luôn có sự thay đổi, phát triển”. Còn ngôn ngữ thơ thì sao?
- Ngôn ngữ thơ cũng phát triển, thập kỷ này so với thập kỷ trước đã khác. Ngôn ngữ thơ cũng cập nhật theo sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc. Ngôn ngữ thơ định vị trong ngôn ngữ dân tộc. Mà như thế mới chuyển tải được hồn dân tộc.
Nếu bây giờ mình làm thơ theo ngôn ngữ thời xa xưa, cố nhiên là không chuyển tải được. Nếu ngôn ngữ đó quá xa lạ thì cũng không chuyển tải được cảm xúc.
* Ông làm thế nào để thơ mình - đặc biệt là lục bát - luôn tươi mới, trong khi người ta vẫn quan niệm rằng lục bát là thể thơ cũ kỹ?
- Tôi thấy làm thơ là một lao động ngôn ngữ. Anh phải có vốn từ ngữ để biểu đạt cảm xúc, và phải lựa chọn rất nhiều, làm đi làm lại để có sự biểu đạt đó. Tôi có nhiều kiểu nháp, viết nháp ra giấy hoặc “nháp” trong đầu. Phải có nhiều bản nháp, lựa chọn để có một tác phẩm.
* Người ta thường nghĩ nhà thơ là những người mơ mộng. Còn ở ông, dường như sự mơ mộng đã bị lấn át bởi sự sắc sảo. Ông nghĩ sao?
- Làm thơ theo mơ mộng là kiểu làm thơ của thời xa xưa, thời mà người ta thiếu thốn quá, nên nghĩ tới một chén rượu ngon, một miếng ăn ngon; ở cõi trần tục này gian khổ quá, người ta nghĩ đến một thế giới huyền ảo. Thơ bây giờ tồn tại trong hiện thực. Thơ thời càng hiện đại càng tồn tại trong hiện thực, cũng như ngôn ngữ thơ ngày càng gần với ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ văn xuôi chứ không tách ra, giữa ngôn ngữ đời thường với ngôn ngữ thơ là hai thế giới khác. Chuyện đó là của thời đã qua rồi.
Cái mà ngày xưa gọi là mơ mộng ấy, bây giờ gọi là liên tưởng, dẫn từ một ý tưởng, từ một sự thực này đến một sự thực khác, từ cõi thực thăng hoa thành cái ảo. Và cái ảo đó trở lại tác động đến cõi thực, chứ không phải là mộng mơ theo kiểu những người làm thơ thời xa xưa.
* Ông làm thế nào vượt qua “hàng rào” niêm luật, để trải hết cảm xúc, suy tư lên những bài lục bát và chinh phục đông đảo người yêu thơ?
- Phải cố gắng để không lặp lại những cái mà người trước đã làm, chính mình đã làm. Khi làm thơ, tôi luôn có ý thức là không bao giờ lặp lại. Bản thân sự không lặp lại đó bắt mình phải tạo ra một cái gì đó khác đi, bắt mình phải làm mới hơn. Đó là một bí quyết. Chứ còn anh thấy thơ mình giống với thơ người này người kia, giống với thơ của mình trước kia mà ưng ý thì không bao giờ có sự sáng tạo.
* Lục bát, như người ta vẫn nói, dễ làm nhưng khó hay. Vì sao ông lại chọn thể thơ này?
- Có thể nói lục bát ai cũng làm được, nhưng giữa làm vè với làm thơ rất khác nhau. Một câu thơ lục bát làm quá dễ, nhưng để hay thì quá khó, đòi hỏi sự công phu lao động. Chính vì cái khó đó mà tôi chọn lục bát. Nó cô đọng, hàm súc, ngôn ngữ bình dị. Mà để tới được sự giản dị thì phải đi qua cầu kỳ phức tạp, chứ không phải mộc mạc theo kiểu có sao viết vậy. Phải lựa chọn, gọt dũa câu chữ để đạt đến sự giản dị. Đi qua cầu kỳ, đi qua phức tạp để tới được với sự giản dị, chứ không phải ngay từ đầu đã có sẵn sự giản dị.
* Ông đã tạo được dấu ấn đặc biệt không chỉ bằng những bài lục bát mà cả với thể thơ tự do. Có bao giờ ông cảm thấy bất lực khi sáng tác?
- Có chứ. Ba mươi năm được in thơ, từ 1967 đến 1997, sau đó thì tôi ngừng, vì tôi bất lực. Để tạo ra một mạch mới diễn tả cảm xúc của mình thì chưa, mà bắt đầu lặp lại cái cũ. Tôi thấy không nên lặp lại, thế là tôi ngừng.
Bây giờ tôi phải đi thăm dò một “mỏ” khác, chưa có nên tôi tạm dừng làm thơ để làm những việc khác, như làm lịch thơ, triển lãm thơ… những công việc liên quan đến thơ.
* Trong các cây bút thơ trẻ ở miền Trung hiện nay, có cây bút nào làm ông chú ý?
- Miền Trung là miền đất của thơ. Các cây bút lớp sau, nói thật là thấy đông như rừng. Nhưng một cây trội hẳn lên thì tôi chưa định vị được cây nào. Cả một cánh rừng thơ đang trăn trở, đang đổi mới thì thấy rõ. Tôi hy vọng các cây trội sẽ có.
* Xin cảm ơn nhà thơ!
LÂM VY (thực hiện)