Thứ Sáu, 29/11/2024 08:40 SA
Niềm tự hào của buôn làng
Chủ Nhật, 31/01/2010 11:00 SA

20 nghệ nhân người Chăm H’roi buôn Hà Rai (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) đại diện cho Phú Yên đã tham gia Festival cồng chiêng quốc tế được tổ chức tại Gia Lai, đã tạo một ấn tượng đặc biệt.

 

dan-toc.100131.jpg

Thiếu nữ Chăm H’roi (Xuân Lãnh) trong lễ hội cồng Chiêng - Ảnh: KPA-YLĂNG

 

Chúng tôi về buôn Hà Rai (xã Xuân lãnh, huyện Đồng Xuân), trong những ngày cuối năm gặp lại những nghệ nhân trong đoàn cồng chiêng của buôn được đại diện cho tỉnh tham gia Festival cồng chiêng quốc tế vừa tổ chức tại Gia Lai hồi tháng 11. Anh Sô Điền Thanh, đội trưởng đội cồng chiêng buôn Hà Rai, hồ hởi nói: “Lần đầu tiên mình được tham gia vào một lễ hội lớn như vậy. Lúc đầu có choáng ngợp một chút, nhưng khi tới lượt đoàn mình trình diễn thì ai cũng say sưa như nhập hồn vào từng bươc đi, âm thanh máu thịt của dân tộc mình”.

 

Cũng như nhiều dân tộc thiểu số Tây Nguyên khác, đồng bào Chăm H’roi ở Hài Rai (Xuân Lãnh), xem cồng chiêng là vật thiêng liêng, là tài sản quý nhất trong mỗi gia đình, dòng họ. Âm thanh của cồng chiêng là sợi dây kết nối, liên lạc có thể giúp cho con người thông tin với Giàng (trời) và đấng thần linh. Do vậy cồng chiêng không đơn thuần là một thứ nhạc cụ mà có chức năng đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh, sinh họat của cộng đồng. Cồng chiêng không sử dụng tùy tiện, bừa bãi mà chỉ mang ra đánh trong các ngày lễ, ngày hội của buôn làng. Người Chăm H’roi ở Phú Yên nói chung và buôn Hà Rai nói riêng có bộ cồng ba, chiêng năm và trống đôi. Hai nhạc cụ khác đi kèm là xập xẻng và lục lạc. Một đội cồng chiêng đầy đủ là đúng 12 người chơi không hơn, không kém. Phụ họa cùng dàn nhạc cụ cồng chiêng đội múa thiếu nữ. Đội múa không quy định về số người, càng đông, càng hoành tráng, nhưng ít nhất cũng phải từ 6 – 10 người tùy không gian và quy mô lễ hội.

 

Tại Festival cồng chiêng, đoàn Phú Yên trình diễn 6 tiết mục, gồm: Chiêng giao lưu, đón khách, tiễn khách, dân ca Chăm “Ning ơn mí ma” (nhớ ơn mẹ cha), lễ hội cúng mừng sức khỏe, và múa tống quái. Cả 6 tiết mục đều đặc sắc và không “đụng hàng” với các đoàn khác. Đặc biệt, nhiều người rất quan tâm và say sưa với 3 loại nhạc cụ bổ trợ là trống đôi, xập xẻng và lục lạc. Nếu như, xập xẻng và lục lạc làm cho âm thanh của cồng chiêng thêm phong phú, vui tai, trong sự nhịp nhàng lúc mau lúc chậm của nhịp chiêng, thì trống đôi là một hình thái hoàn toàn mới lạ trong mắt bạn bè. Âm thanh của nó hòa quyện cùng tiếng bùng boong của cồng chiêng. Tiết tấu, điệu thức của trống đôi đầy ngẫu hứng của người chơi. Đôi nam nghệ nhân biểu diễn vượt hẳn giới hạn người chơi trống, đánh trống thông thường mà đúng hơn là múa trống. Mỗi người một trống mang vào vai và họ múa theo nhịp trống mà chính đôi tay của họ tạo ra tiết tấu thưa nhặt, dồn dập. Âm điệu trầm bổng chồng lên nhau, gợi nhiều hình ảnh cho khán giả. Lúc thưa thì như tiếng róc rách của suối, bập bùng của lửa hay những lời giao lưu tâm sự, nhưng cũng có lúc dồn dập vui vẻ không khí của lễ hội và có lúc lại thấy sự gấp gáp, ầm ào như mưa nguồn thác lũ của đại ngàn. Oi Thứ, già làng buôn Hà Rai, người thầy của các nghệ nhân hiện tại, cũng là một tay trống cự phách một thời, cho biết: “Gõ trống đôi theo tiết tấu không khó nhưng để thành thục vừa múa vừa di chuyển vừa chơi trống thì phải có quá trình và không phải ai cũng chơi được, vì đòi hỏi phải có năng khiếu nhất định về âm nhạc”.

 

Tự hào vốn quý của dân tộc mình, nhưng những nghệ nhân già như Oi Thứ, lớp nghệ nhân đương thời như Sô Điền Thanh đang lo lắng: “Mình thì già rồi, nhưng tụi nhỏ mới chỉ học được vài cái thôi, còn nhiều nhạc cụ khác như đàn môi, đàn K’nhí, đàn Bró, Đinh Goong tụi nhỏ vẫn chưa biết”.

 

Bà Phan Thị Thu Thảo, Giám đốc Trung tâm văn hóa triển lãm huyện Đồng Xuân, cho biết: Năm 2008 huyện tổ chức một lớp truyền dạy các loại nhạc cụ dân tộc nhằm bảo tồn bản sắc. Nhưng điều này cũng không bền vững, ngoài vấn đề kinh phí hạn chế thì văn hóa cồng chiêng của đồng bào phải gắn với không gian đặc thù. Vì thế, tăng cường các hoạt động lễ hội gắn với buôn làng là hết sức cần thiết và là nơi truyền dạy hiệu quả nhất cho lớp trẻ.

 

GIA MINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek