Thứ Sáu, 29/11/2024 10:31 SA
Vẻ đẹp Truyện Kiều trên tranh vẽ
Thứ Năm, 28/01/2010 17:00 CH

Từ khi ra đời cho đến nay, Truyện Kiều được đánh giá là một kiệt tác thơ ca và là tác phẩm sống lâu bền trong lòng người. Nhiều họa sĩ Việt Nam từ lớp họa sĩ học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cho đến nay đã vẽ về Truyện Kiều theo nhiều phong cách. Song, những họa sĩ như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Tiến Chung... là vẽ thành công hơn cả. 

 

Kieu.100128.jpg

Hình ảnh Thúy Kiều, Thúy Vân qua tranh vẽ

 

Truyện Kiều không chỉ có giá trị nghệ thuật, văn hóa lâu bền mà còn được nhiều ngành nghệ thuật khác quan tâm. Có thể nói, nguồn cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du gợi ra cho những văn nghệ sĩ khác là vô tận. Với các họa sĩ, vẽ tranh Truyện Kiều như là một sự thử thách vốn văn hóa, hiểu biết dân gian của các họa sĩ. Ai đã từng đọc đều mê Kiều, và dưới con mắt của các họa sĩ, rất nhiều câu thơ trong Truyện Kiều là tranh và có thể phóng tác thành tranh. Vì vậy, nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam đã say mê vẽ Truyện Kiều. Mỗi câu, trang thơ trong Truyện Kiều đều được trau truốt bởi một bàn tay tài hoa của đại thi hào Nguyễn Du, nên khi chuyển từ thơ sang họa, đều có thể được thể hiện một cách phóng khoáng. Lớp họa sĩ học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng xưa cũng đã vẽ dựa theo gợi ý của những câu thơ lục bát đằm thắm, dung dị mà đầy chất nhân văn đó. Những nhân vật như Thúy Kiều, Thúy Vân, Mã Giám Sinh, Từ Hải... được đặc tả nhiều nhất.

 

Các họa sĩ đương đại vẽ Truyện Kiều với cái nhìn khác so với những họa sĩ lớp lớn như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân... Họa sĩ Lê Trí Dũng đã vẽ hàng trăm bức tranh theo kiểu dân gian, khác lối vẽ thông thường. Có những bức anh thể hiện khá hài hước, nhấn vào tính cách nhân vật. Nàng Kiều vẫn là nhân vật anh vẽ nhiều nhất và thành công nhất. Còn họa sĩ Phạm Lực nhiều năm nay đã vẽ nhiều bức về Thúy Kiều và chiếc đàn tỳ bà mà cô Kiều nâng niu với nhiều cung bậc tình cảm, tâm trạng và tư thế khác nhau. Anh nói rằng mình thích nhất là nhân vật Thúy Kiều, một người con gái tài sắc vẹn toàn. Theo anh, tiếng đàn của Kiều thậm chí còn đẹp hơn nhan sắc cô.

 

Nguyễn Du diễn tả vẻ đẹp của Thúy Kiều: “Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Đọc thơ, ai cũng biết Kiều đẹp. Vậy thì, để vẽ được nàng Kiều như trong thơ không phải là chuyện đơn giản. Ngay cả chuyện nàng Kiều thường dùng đàn gì, cũng gây ra các cuộc tranh cãi.

 

Trong bài Mạn đàm âm nhạc trong Truyện Kiều, giáo sư - tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê đã viết: “Có thể nói hầu hết các ấn bản Truyện Kiều của chúng ta đều vẽ hình Thúy Kiều ngồi ôm cây tỳ bà có thân đàn hình bầu dục. Theo tôi thì điều này không chính xác bởi lời thơ đã ghi rõ: Trên hiên treo sẵn cầm trăng” mà cầm trăng là nguyệt cầm, loại đàn có thùng hình tròn như mặt trăng. Có người lại cho rằng Kiều sử dụng đàn nguyệt, nhưng đàn nguyệt chỉ có hai dây trong khi đàn của Kiều có bốn dây to nhỏ nên vần cung thương. Một điều có thể khẳng định là Thúy Kiều đã sử dụng một loại hồ cầm: “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”. Thông thường hồ cầm là đàn của người Hồ, dùng để chỉ cây đàn nhị. Nhưng xem trong sách Thích Danh và tự điển Từ Nguyên - Từ Hải của Trung Hoa thì hồ cầm không chỉ là tên gọi đàn nhị mà cả đàn tỳ bà. Nhiều nhạc sĩ công nhận, bàn về âm nhạc trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du thì chưa ai vượt được giáo sư Trần Văn Khê, nhưng về loại đàn thì không chỉ có một loại. Các nhạc sĩ cho rằng, Kiều có đến 15 năm lưu lạc, nàng có nhiều lần đàn, lại đàn ở nhiều nơi. Một người có tài đàn hát như Kiều thì có thể sử dụng được nhiều loại đàn dây. Vì vậy các họa sĩ minh họa nhiều loại đàn, dáng đàn khác nhau trong Truyện Kiều cũng không có gì là khó hiểu. Cho nên, mỗi họa sĩ một sự tưởng tượng, và những “phiên bản” Kiều ôm đàn trên tranh cứ thế ra đời.

 

Vẽ về các nhân vật và minh họa Truyện Kiều không đơn thuần chỉ là một cái thú, một niềm đam mê của các họa sĩ. Đó còn thể hiện sự kính trọng, tình yêu đối với đại thi hào Nguyễn Du.

 

NGUYỄN VĂN HỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek