Thứ Tư, 02/10/2024 15:31 CH
Môt số yêu cầu khi trả lời các câu hỏi thi tìm hiểu “Những sự kiện lịch sử Phú Yên (1930-1975)” đợt II
Thứ Sáu, 15/01/2010 10:00 SA

Môt số yêu cầu khi trả lời các câu hỏi thi tìm hiểu “Những sự kiện lịch sử Phú Yên (1930-1975)” đợt II

Câu hỏi 1.   Sự  ra đời của các tổ chức Đảng và việc thống nhất các tổ chức để  thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ?

Yêu cầu cần làm rõ khi  trả lời câu hỏi:

- Nêu quá trình vận động, thời gian thành lập, lực lượng tham gia các tổ chức Cộng sản Đảng ở Việt Nam trong năm 1929.

 

- Sự thống nhất các tổ chức cộng sản: thời gian triệu tập, địa điểm, số người tham gia Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.

 

- Ý nghĩa của việc hợp nhất các tổ chức Cộng sản và sự ra đời của Đảng.

 

Tài liệu Tham khảo

Sách:

- Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (Giáo trình Đại học, Cao đẳng). Bộ Giáo dục 2006;

- Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.3.

- Viện Sử học: Lịch sử Việt Nam 1919-1930. NXB Khoa học Xã hội, 2007.

 

Câu hỏi 2.   Tổ chức tiền thân của Đảng CSVN ở Phú Yên trước năm 1930.  Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên và sự phát triển của tổ chức Đảng trong những năm 1930-1931 ở Phú Yên ?

 

Yêu cầu cần làm rõ khi  trả lời câu hỏi:

 

 - Trình bày sự thành lập (thời gian, địa điểm) của tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Phú Yên.

 

- Nêu hoạt động, lực lượng tham gia tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Phú Yên.

 

- Ý nghĩa của Hai tổ chức đó đối với sự ra đời của Đảng ở Phú Yên.

 

- Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên (thời gian, địa điểm…)

 

- Phát triển của các chi bộ Đảng trên địa bàn tỉnh Phú Yên gắn với những hoạt động lãnh đạo đấu tranh cách mạng những năm 1930-1931.

 

Tài liệu Tham khảo

Sách:

-  Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Yên (1930-1945), Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, 1999

-  Lịch sử Đảng bộ các huyện, thị tỉnh Phú Yên.

 

Câu hỏi 3.  Tại sao nói chiến thắng Đường 5 Xuân 1975 ở Phú Yên là “trận Bạch Đằng giang trên cạn”, là “đòn quyết định cuối cùng” tiêu diệt toàn bộ quân địch từ Tây Nguyên rút chạy về đồng bằng ven biển miền Trung?

 

Yêu cầu cần làm rõ khi  trả lời câu hỏi:

- Trình bày cuộc rút quân chiến lược của quân nguỵ từ Tây Nguyên xuống Phú Yên cuối tháng 3/1975

- Nêu chủ trương của Quân khu V; nhận định và phương án của Bộ Chỉ huy tiền phương chiến trường Phú Yên quyết tâm tiêu diệt quân địch từ Tây Nguyên rút xuống trên đường 5 Phú Yên Xuân 1975

 

- Diễn biến và kết quả tiêu diệt quân địch trên đường 5 Phú Yên Xuân 1975, nhấn mạnh:

 

+ Chiến thắng đường 5 Xuân 1975 của quân dân Phú Yên đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ đoàn quân địch từ Tây Nguyên xuống sau khi địch bị Sư đoàn 320 chủ lực của ta tiêu diệt một bộ phận lớn ở Phú Bổn và trên đường 7; sau các đòn tiêu diệt này, địch không còn lực lượng để tập hợp tại duyên hải miền Trung để phản kích lại theo như kế hoạch của chúng;

 

+ Đây là chiến thắng có tác dụng to lớn, trong thời điểm cuối tháng 3/1975, quân dân Phú Yên với vai trò chủ động của địa phương tổ chức tiêu diệt một lực lượng lớn quân địch đã góp phần và tạo điều kiện  cho quân chủ lực tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt địch trên các mặt trận trọng điểm, tiến tới giải phóng miền Nam. Chiến thắng đường 5 làm suy sụp nặng tinh thần và lực lượng quân địch; cổ vũ quân dân Phú Yên tiến công giải phóng toàn tỉnh.

 

Tài liệu Tham khảo

Sách:

- Chiến thắng Đường 5 Phú Yên Xuân 1975, NXB QĐND, 2008

 

Câu hỏi 4.  Diễn biến và kết quả cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 ở tỉnh Phú Yên

 

Yêu cầu cần làm rõ khi  trả lời câu hỏi:

 

Chủ trương của Bộ Chính trị và kế hoạch tác chiến của Quân khu V

Từ ngày 18 tháng 12 năm 1974 đến ngày 8 tháng 01 năm 1975, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng chính thức thông qua kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 – 1976 do Cục Tác chiến -Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị. (nêu tóm tắt kế hoạch này).

 

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, với thế chiến lược đã được tạo ra trong 2 năm 1973 - 1974, Quân khu V đã hình thành một kế hoạch tác chiến trong năm 1975.  (nêu tóm tắt kế hoạch tác chiến của Quân khu V)

 

Tình hình chiến trường và chủ trương, nhiệm vụ của tỉnh Phú Yên. 

* Nêu sơ lược tình hình chiến trường trường Phú Yên (tình hình địch, ta)

 

 Chủ trương nhiệm vụ của Phú Yên cần lưu ý các điểm sau:

 

 * Theo sự chỉ đạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên quyết định: Sử dụng toàn bộ lực lượng tập trung tỉnh vào hướng trọng điểm Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, mở ra từng mảng liên hoàn từ 3 đến 5 xã.

 

 * Để thực hiện được mục đích, yêu cầu của chiến dịch, từ những tháng cuối năm 1974 và tháng 1, 2 năm 1975 tỉnh khẩn trương chuẩn bị mọi mặt. Sử dụng một phần lực lượng huyện, du kích, đội công tác tích cực hoạt động giữ thế chiến trường. 

 

* Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập 2 sở chỉ huy, để chỉ huy chiến dịch.

* Công tác chuẩn bị chiến trường, các hoạt động đấu tranh chính trị binh vận.

 

3. Diễn biến, kết quả ý nghĩa của tấn công giải phóng thị xã Tuy Hòa và toàn tỉnh.

* Sau khi quân dân ta tiêu diệt và bắt sống gần hết lực lượng quân Tây Nguyên rút xuống trên Đường 5, Quân khu đã ra lệnh tiếp cho Phú Yên: “Nhanh chóng củng cố lực lượng, cùng với chủ lực đánh chiếm thị xã và giải phóng toàn tỉnh với thời gian ngắn nhất”.

 

 *  Diễn biến, kết quả của Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975 trên địa bàn thị xã Tuy Hoà và các huyện.

* Ý nghĩa thắng lợi của Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975 ở Phú Yên. 

 

Tài liệu Tham khảo

Sách:

- Lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên, NXB QĐND, 2009

 

Câu hỏi 5.  Bạn cho biết mục đích của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Kết quả bước đầu của cuộc vận động này ở Phú Yên ?

 

Yêu cầu cần làm rõ khi  trả lời câu hỏi:

- Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người dân noi theo.

 

- Ngày 27-3-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về việc toàn Đảng, toàn dân tổ chức đợt học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đợt học tập đã thu được nhiều kết quả tốt.

 

- Trước yêu cầu tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương khóa IX đã quyết định triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đúc rút kinh nghiệm để tiến hành cuộc vận động lớn trong toàn Đảng về vấn đề này sau Đại Hội X của Đảng. Đây là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

 

- Trên cơ sở những kinh nghiệm thu được qua đợt làm điểm ở một số cơ quan Trung ương và địa phương, cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại Hội X của Đảng, Bộ Chính trị quyết định tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân từ ngày kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng (03-02-2007) tới hết nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng.

 

Qua 2 năm triển khai cuộc vận động trong toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trong tỉnh, ngày 26/11/2009, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội nghị biểu dương, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm 169 tập thể và cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động. 

 

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Phú Yên khẳng định: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã  thực sự đi vào cuộc sống và được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, hội, đoàn thể, đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng tham gia. Qua Cuộc vận động đã xuất hiện ngày càng nhiều những cách làm hay, việc làm tốt, nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo gương Bác.

 

Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã biểu dương 48 tập thể và 121 cá nhân có nhiều thành tích tiêu biểu xuất sắc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được cấp ủy, Ban chỉ đạo các huyện, thị, thành phố và các Đảng bộ trực thuộc chọn cử tham gia Hội nghị. Chính các tập thể và cá nhân tiêu biểu, cùng với hàng nghìn gương mặt khác đang tích cực “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác là những hình ảnh đầy sức thuyết phục về sự thành công của Cuộc vận động.

 

Câu hỏi 6.  Những cảm nhận của bạn về danh nhân văn hoá thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ?

 

Yêu cầu cần làm rõ khi  trả lời câu hỏi:

 

I- Đại hội đồng UNESCO (tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa Liên Hiệp Quốc) tại khóa họp từ 20-10 đến 20-11-1987 có ra nghị quyết “Về việc kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, toàn văn như sau:

 

“Đại hội đồng,

 

Nhận thấy rằng việc cử hành trên quy mô quốc tế những ngày kỷ niệm các nhân vật vĩ đại của thế giới trí tuệ và văn hóa là nhằm góp phần vào sự thực hiện các mục tiêu của UNESCO và hiểu biết quốc tế.

 

Ghi nhận rằng năm 1990 sẽ đánh dấu việc kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa vĩ đại của nước Việt Nam.

 

Nhận thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng vĩ đại của sự khẳng định dân tộc đã cống hiến cả cuộc đời của Người cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

 

Nhận thấy rằng cống hiến quan trọng và đa dạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực về văn hóa, về giáo dục và nghệ thuật đã kết tinh truyền thống văn hóa mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, rằng các lý tưởng của Người đã hiện thân những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định diện mạo văn hóa của mình và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.

 

1- Kiến nghị với các quốc gia thành viên rằng sẽ hưởng ứng việc cử hành lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng nhớ đến Người bằng những biểu hiện khác nhau làm hiểu rõ tầm lớn lao của các lý tưởng và sự hoạt động của Người trong công cuộc giải phóng dân tộc.

 

2- Yêu cầu ông Tổng Giám đốc của UNESCO sẽ có những biện pháp thích ứng để cử hành việc kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mong sự ủng hộ của Ngài đối với các hoạt động tưởng niệm sẽ được tổ chức trong dịp này, đặc biệt đối với các hoạt động sẽ được tiến hành tại Việt Nam”.

 

II- UNESCO - Tổ chức của Liên Hiệp Quốc về Giáo dục - Khoa học - Văn hóa bao gồm hàng trăm quốc gia thành viên có nhiều chế độ xã hội khác nhau. Thế nhưng với tuyệt đại đa số các nước không theo chủ nghĩa cộng sản, vì sao Đại hội đồng UNESCO lại đã nhất trí biểu quyết cử hành kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động cách mạng vẫn lấy học thuyết cộng sản làm kim chỉ nam? Hơn nữa, bản Nghị quyết của Đại hội đồng còn đặc biệt dành cho riêng Người những định luận chưa từng thấy.

 

Khi ghi nhận rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một Anh hùng giải phóng dân tộc và một Danh nhân văn hóa vĩ đại, UNESCO đã nêu bật ở Người những giá trị lớn lao mà ngay cả rất nhiều nước không cộng sản cũng đều chấp nhận ở Người một biểu tượng vĩ đại của các dân tộc trong việc khẳng định dân tộc giữa thời đại ngày nay, nhất là trong việc khẳng định diện mạo văn hóa của các dân tộc trong thời đại hội nhập và giao lưu quốc tế.

 

Ý nghĩa của các khái niệm rất mới là UNESCO chỉ dành riêng những từ ngữ đặc biệt ấy đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài các danh nhân văn hóa, mặc dầu từ ngày thành lập đến nay tổ chức này của Liên Hiệp Quốc đã kỷ niệm nhiều nhân vật tiêu biểu của nhân loại. Song, chỉ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Nghị quyết của Đại hội đồng mới ghi nhận rằng Các lý tưởng của Người đã hiện thân những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng cũng như trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên toàn thế giới. Do giá trị phổ biến mang tầm vóc nhân loại nên UNESCO còn khẳng định những cống hiến quan trọng và đa dạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với kho tàng trí tuệ nhân loại trong các lĩnh vực về văn hóa, giáo dục và nghệ thuật đã  kết tinh những truyền thống văn hóa mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

 

UNESCO đã nêu bật những định luận rất mới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người là một danh nhân văn hóa vĩ đại trong việc khẳng định diện mạo văn hóa của các dân tộc; là một biểu tượng vĩ đại của các dân tộc trong việc khẳng định dân tộc khi lý tưởng của Người đã hiện thân những khát vọng của các dân tộc trên thế giới.

 

Bản Nghị quyết trân trọng và súc tích của Đại hội đồng UNESCO làm cho tất cả chúng ta càng thêm tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là trong dịp kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

 

III- Là anh hùng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thế kỷ XX. Người đã chủ trương tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mạnh chính nghĩa của thời đại và truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại để chiến thắng kẻ thù. Đó là quy luật của chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc.

 

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước là những lời hịch vang vọng núi sông, là biểu tượng của lòng quả cảm, quyết tâm không gì lay chuyển nổi trong cuộc đấu tranh tự giải phóng dân tộc. Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành chân lý của thời đại, ngọn cờ chiến đấu của các dân tộc bị áp bức. Là danh nhân văn hóa, đặc trưng tư tưởng Hồ Chí Minh là kết hợp nhuần nhuyễn triết học phương Đông và triết học phương Tây, nắm vững văn hóa dân tộc và tiếp thu một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta. Những cống hiến đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến lược trồng người, xây dựng Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; thể hiện khát vọng dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh đã ngời sáng chất nhân văn cao cả.

 

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là di sản vĩ đại để lại cho toàn Đảng, toàn dân. Đó là tấm gương đạo đức trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết. Người đã trở thành một mẫu mực đạo đức không riêng cho nhân dân Việt Nam mà cho cả nhân loại yêu chuộng hòa bình, tiến bộ.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - danh nhân Hồ Chí Minh đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng luôn sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Nhân loại trên con đường vươn tới sự phát triển tự do và toàn diện của mỗi người và của mọi người, đã tìm thấy trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh những giá trị trường tồn.

 

Câu hỏi 7.   Cảm nhận của bản thân bạn về cuộc thi Tìm hiểu Những sự kiện lịch sử Phú Yên (1930-1975) hướng đến kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng, 65 năm thành lập Nước, sinh nhật lần thứ 120 của Bác Hồ, 35 năm giải phóng Phú Yên và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước?

Yêu cầu cần làm rõ khi  trả lời câu hỏi:     

 

1- Cuộc thi được tổ chức nhằm tôn  vinh truyền thống cách mạng hào hùng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dấu son chói lọi trong pho sử vàng 400 năm Phú Yên hình thành, phát triển và lịch sử dựng nước giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc.

 

2- Tìm hiểu các sự kiện quan trọng của Đảng bộ Phú Yên, đặc biệt là các sự kiện tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến góp phần tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ.

 

3- Cuộc thi góp phần giúp cho Đảng bộ và quân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu về tầm cao và chiều sâu lịch sử cuả quê hương Phú Yên từ khi có Đảng và ý nghĩa của những sự kiện lịch sử tiêu biểu. Qua đó nâng cao lòng tự hào và củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

 

4- Quá khứ vẻ vang, hiện tại xứng đáng. Đảng bộ và quân dân Phú Yên đang biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời đổi mới và hội nhập. Trung thành mục tiêu cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn; tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

5- Mỗi đơn vị, cá nhân tìm thấy những bài học lịch sử vẻ vang qua các sự kiện lịch sử tiêu biểu như truyền thống tự lực tự cường, kiên trung, sáng tạo, linh hoạt để xây dựng đơn vị, quê hương; vươn lên phấn đấu làm giàu chính đáng cả vật chất và tinh thần cho bản thân, gia đình, quê hương và toàn xã hội.

 

6- Qua cuộc thi, tất cả chúng ta càng tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam  đã phát động và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước thu được những thành quả to lớn và tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Cảm nhận về truyền thống đấu tranh anh dũng, sự hy sinh to lớn của quân dân cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng trong công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước; sự nổ lực của của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trên cơ sở đó bản thân tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, có những cống hiến đặc sắc cho quê hương đất nước thời kỳ hội nhập và phát triển mới.

                            

                                                BAN TỔ CHỨC

CUỘC THI TÌM HIỂU LỊCH SỬ PHÚ YÊN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek