Giải Sao Mai 2009 vừa khép lại vào đêm 20/12, tại Nhà hát Sao Mai, Trung tâm Giải trí và sinh thái Thuận Thảo, TP Tuy Hòa với nhiều điều bất ngờ, từ các cuộc tranh tài ở dòng nhạc dân gian, thính phòng cho đến đêm chung kết xếp hạng.
Thí sinh Hà Hoài Thu thể hiện ca khúc “Ngồi hát mùa đông”
Giới chuyên môn cũng như nhiều người yêu nhạc thường xuyên theo dõi Sao Mai cho rằng Lê Xuân Hảo (phong cách thính phòng), Bùi Lê Mận (phong cách dân gian) và Lê Thị Mỹ Như (phong cách nhạc nhẹ) có nhiều cơ hội hơn cả để đăng quang trong đêm chung kết xếp hạng. Và hai trong ba dự đoán đã thành sự thật. Sau khi nghe Lê Xuân Hảo khoe chất giọng đẹp với Bài ca chiến thắng (Trần Kiết Tường) - một ca khúc đậm chất thính phòng và truyền cảm với Tìm em - ca khúc trữ tình bán cổ điển của nhạc sĩ Trần Hoàn, người ta càng tin rằng thí sinh đến từ Thái Bình sẽ đoạt giải nhất. Trần Thị Hồng Nhung (Bắc Ninh) đã làm người nghe xúc động khi hát Miền xa thẳm của nhạc sĩ Đức Trịnh nhưng lại hơi nhạt nhòa với Tháng Giêng mùa xuân còn sót lại (nhạc: Hoàng Cương, lời thơ: Lê Thị Kim); còn Nguyễn Trung Nhật (TP Hồ Chí Minh) thể hiện khá tốt Người con gái Việt của Lân Tuất nhưng lại không vượt qua được nhiều “cái bóng” khi hát ca khúc rất quen thuộc Những ánh sao đêm của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Ở dòng dân gian, Bùi Lê Mận tiếp tục ngọt ngào, da diết với Khúc hát sông quê (nhạc: Nguyễn Trọng Tạo, thơ: Lê Huy Mậu) và Tình làng quê - một sáng tác rất mới của nhạc sĩ An Thuyên. Lợi thế cả thanh lẫn sắc, thí sinh đến từ Nghệ An rõ ràng “cao điểm” hơn hai đối thủ của mình. Vũ Ngọc Ký (Hà Nội) hát khá hay Dời đô nghìn năm vang mãi - ca khúc đậm chất tuồng của Nguyễn Tiến nhưng lại chưa gây ấn tượng với Đàn t’rưng (nhạc: Nguyễn Viêm, thơ: Huy Cận). Còn Nguyễn Thị Việt Hà, thí sinh đến từ Hòa Bình, có giọng ca rất sáng, nhưng cô hát Từ trên đỉnh núi của nhạc sĩ Nguyên Nhung và Mơ quê của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ không có điểm nhấn nên không để lại nhiều dư âm.
Ở phong cách nhạc nhẹ, Hà Hoài Thu (Quảng Ninh) đã bứt phá với Anh (Xuân Phương) và Ngồi hát mùa đông (Lê Tịnh). Thể hiện sự sang trọng, nồng nàn và cả chất lửa trong hai ca khúc trữ tình, Hà Hoài Thu làm nên điều bất ngờ trong đêm chung kết xếp hạng: giành chiến thắng ở dòng nhạc nhẹ. Khán giả tiếc cho Lê Thị Mỹ Như, người hát Trái cam mặt trời của Nguyễn Cường và Dấu tích thời mở cõi của Đức Trịnh - một ca khúc về Phú Yên. Còn Lương Viết Quang (TP Hồ Chí Minh) thì chưa tạo nên sự khác biệt khi hát Cỏ và mưa (nhạc: Giáng Son, thơ Nguyễn Trọng Tạo) và Dấu chân tìm về của Hoàng Anh Tuấn.
Trước đó, trong đêm chung kết phong cách dân gian (6/12), Vũ Ngọc Ký, người cầm “vé vớt” để vào vòng chung kết, đã lội ngược dòng và bước qua “khe cửa hẹp” để có mặt trong đêm chung kết xếp hạng. Với Phú nước non của Nguyễn Tiến, thí sinh đến từ Hà Nội này đã được chọn chứ không phải là Lương Nguyệt Anh (Bắc Giang) hay Nguyễn Thị Minh Chuyên (Hà Nam) - những giọng ca từng tạo được ấn tượng tốt.
Chín thí sinh tranh tài trong đêm chung kết xếp hạng Sao Mai 2009 - Ảnh: D.T.XUÂN |
Trong đêm chung kết phong cách thính phòng (13/12), điều tương tự cũng đã xảy ra. Trần Thị Hồng Nhung, cũng là một thí sinh cầm “vé vớt” bất ngờ gây ấn tượng với Nhớ anh giải phóng quân (Lư Nhất Vũ - Lê Giang) để sánh vai với Lê Xuân Hảo và Nguyễn Trung Nhật bước vào đêm chung kết xếp hạng.
Lần đầu tiên tổ chức tại Phú Yên, giải Sao Mai đã thổi một làn gió mới vào đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Hơi tiếc là cho đến trước đêm chung kết xếp hạng, không có nhiều thí sinh mạnh dạn thổi những làn gió mới vào sân chơi này, nhất là ở phong cách thính phòng. “Trung thành” với những ca khúc kinh điển, rất quen thuộc đã được nhiều giọng ca thể hiện thành công, các thí sinh đã không cho khán giả cơ hội thưởng thức những bài hát trữ tình bán cổ điển tuyệt hay như Lê Anh Dũng và Hiền Anh đã làm ở giải Sao Mai 2007, để người nghe thấy gần gũi hơn với dòng nhạc thính phòng. Riêng trong đêm chung kết xếp hạng, thí sinh có sự tìm tòi trong chọn ca khúc và thể hiện trên sân khấu.
Nghệ sĩ ưu tú Huyền Thanh - Phó trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt
LÂM VY