Thứ Bảy, 05/10/2024 00:23 SA
Tưng bừng lễ kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội
Thứ Bảy, 10/10/2009 14:01 CH

Lễ kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội và công bố Năm Du lịch quốc gia 2010 do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cùng UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức, sẽ long trọng diễn ra tại vườn hoa Lý Thái Tổ vào 19h30' ngày 10/10.

 

Ly-Thai-To.091010.jpg
Sân khấu cho lễ kỷ niệm trọng đại đang được khẩn trương hoàn tất - nguồn: CAND

 

TƯNG BỪNG LỄ HỘI

 

Điểm bắt đầu cho sự kiện văn hóa du lịch lớn của năm 2010 này sẽ là cuộc hội ngộ của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, nhằm tái hiện không gian văn hóa của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.

 

Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội - đơn vị chủ trì lễ hội - cho biết: Kịch bản của lễ hội lớn này do nhà văn Nguyễn Khắc Phục và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài xây dựng. Tham gia vào chương trình sẽ có một lực lượng rất lớn diễn viên của nhiều nhà hát: Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Ca múa kịch Thừa Thiên - Huế, CLB người mẫu, CLB ca trù, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, CLB Thanh Phong…

 

Lễ kỷ niệm mang tên Thăng Long - Hà Nội, hội tụ nghìn năm là một lễ hội hoành tráng, với 5 chương gồm nhiều tiết mục đặc sắc, được trình diễn trên nhiều sân khấu, tạo nên những không gian sinh động, mang nét cổ kính và hấp dẫn. Sau phần lễ trang trọng, uy nghiêm, phần hội tưng bừng sẽ mở ra một không gian mang đậm văn hóa truyền thống của "Thăng Long mở hội thái bình" cùng dàn trống hội rước thuyền rồng, dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ. Trong không khí linh thiêng, đậm chất sử thi, đêm hội sẽ được khai màn bằng lời thơ tri ân sang sảng, vang ngân mang hồn sông núi, do NSƯT Quốc Chiêm ngâm vịnh: "Trung thu mở hội thái bình/ Muôn dân sum họp kinh thành Thăng Long/ Ngàn năm rực rỡ bóng Rồng/ Tri ân Thái Tổ, non sông, ông bà…".

 

Vẻ đẹp tinh tế của văn hóa Thăng Long được gửi gắm trong phần tiếp theo có tên gọi Giai nhân Hà thành... Lần đầu tiên, những nét văn hóa truyền thống được tái hiện trên một không gian rộng lớn, quy mô hoành tráng ngay trung tâm Thủ đô Hà Nội. Tràn ngập sân khấu là tiếng quan họ cổ ngọt ngào, lắng sâu của các liền anh, liền chị trong các bài Ngồi tựa song đào, Ngồi tựa mạn thuyền.. Tiếng lảnh lót rao loa trên cổng thành cổ mà đã rất lâu, người Hà Nội mới lại được nghe thấy, chợt vang lên. Hình ảnh gần gũi của gánh hàng rong bán cốm lá sen thơm nức, bán tranh dân gian, viết chữ nho và cả xích lô phố cổ… được tái hiện. Giữa tiếng ca trù quyện trong tiếng đàn đáy thánh thót, điệu múa cổ Những đứa con của mẹ Châu Thổ càng gợi về bao hoài niệm thân thương. Tất cả tạo dựng lên một không gian thấm đẫm hồn Việt từ xa xưa.

 

Càng về sau, lễ hội càng sôi động với nhiều hình thức nghệ thuật phong phú, đặc trưng của các vùng miền. Màn Tài tử bốn phương thể hiện sinh động sự hội tụ sức mạnh, tài trí cũng như tinh thần thượng võ và tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam. Các chàng trai bốn phương sẽ trổ tài với những màn trình diễn độc đáo: xiếc, võ thuật, trình diễn nhạc cụ…

 

Các diễn viên ở cả ba sân khấu sẽ đồng loạt biểu diễn các điệu múa dân gian truyền thống với các sinh hoạt dân gian đa sắc thái trước khi bước vào phần bế mạc. Màn múa hát trống quân giữa giai nhân Hà Thành và tài tử bốn phương là nhịp cầu đưa đến một đám cưới cổ của người Việt được phục dựng, với màn đón rước bằng thuyền rồng cùng các sính vật đặc biệt của phương Nam và cặp tài tử, giai nhân đẹp nhất sẽ được chọn để thể hiện.

 

Không khí tưng bừng ấy sẽ làm nền để đại hợp xướng Bài ca ngàn năm Thăng Long bay cao giữa linh thiêng sông núi, trong âm hưởng hào hùng khi cả nước cùng hướng về tiên tổ. Trên cánh buồm lớn, hình rồng bay được chiếu bằng ánh sáng nghệ thuật tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho lễ hội. Các nghệ nhân làng pháo truyền thống sẽ bắn lên trời những trái pháo bông, mô phỏng hình rồng bay trên không, sẽ là màn kết thúc tuyệt vời và đặc sắc của lễ hội, sẽ như thông điệp ngân vang: Các hoạt động chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chính thức bắt đầu!

 

Các màn trình diễn đa dạng và độc đáo trên các sân khấu sẽ mang đến một không gian sống động về nét sinh hoạt văn hóa của người Hà Nội xưa và nay, như một sự khẳng định: việc gìn giữ các nét đẹp đó bao đời nay, đã làm nên cốt cách, tinh thần của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung.

 

Giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước những thành tựu văn hóa, cùng nhiều sản phẩm du lịch tiêu biểu của Hà Nội, lễ công bố Năm Du lịch quốc gia sẽ xứng đáng là hoạt động lớn, mở đầu cho chuỗi sự kiện quảng bá du lịch của Thủ đô trước thềm Đại lễ - sự kiện văn hóa du lịch lớn nhất nước trong năm 2010.

 

bo-ho.jpg

Bờ hồ những ngày này trở thành địa điểm chụp ảnh lý tưởng - nguồn: HNM

 

Cùng với lễ hội hoành tráng và ấn tượng, xứng tầm một cuộc tổng diễn tập cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại khu vực xung quanh vườn hoa Lý Thái Tổ, nhiều không gian văn hóa truyền thống được tái hiện: Kinh thành Thăng Long xưa, các quán trà cổ, những người nặn tò he, vẽ tranh chân dung, thư pháp cổ và cả một triển lãm ngoài trời cho tranh Hàng Trống, Đông Hồ, tranh dân gian, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng mã, đồ chơi, thư pháp…

 

Toàn bộ diễn viên, nghệ sĩ, nhân viên bảo vệ, hướng dẫn viên đều ăn mặc theo lối cổ truyền Thăng Long để vào vai người bán hàng và dân chúng Thăng Long. Các làng nghề Thăng Long - Hà Nội cũng được phục hiện: gốm sứ, vẽ tranh, dệt vải, làm hàng mã, có cả những đặc sản truyền thống: chè sen, bánh cốm, mứt...

 

Trong không gian sinh hoạt của Hà Nội 36 phố phường sẽ không thể thiếu các quán hát xẩm, trống quân, những nét sinh hoạt dân dã nơi Kẻ Chợ xưa.

 

FESTIVAL “KÝ ỨC CẦU LONG BIÊN”  

 

Trong hai ngày (10-11/10)  đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày giải phóng thủ đô và 999 năm Thăng Long- Hà Nội sẽ diễn ra Lễ hội Ký ức cầu Long Biên lần thứ nhất, chương trình festival văn hoá nghệ thuật lớn nhất trong năm 2009. Chương trình do UBND thành phố Hà Nội trực tiếp chỉ đạo, Bộ Ngoại giao là đơn vị bảo trợ.

 

Dự kiến, lễ hội sẽ thu hút khoảng 50.000 người tham dự với hàng loạt  hoạt động tại hai đầu cầu và trên cây cầu Long Biên lịch sử. Ông Nguyễn Khắc Lợi – Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: Lễ khai mạc sẽ mở màn với một đoàn tàu cổ đón khách từ ga Gia Lâm, chạy qua cầu và dừng lại tại ga Long Biên. Hoạt cảnh tái hiện ngày giải phóng thủ đô (1954) và ngày thống nhất đất nước. Tại hướng Hà Nội – Gia Lâm, xuyên suốt chiều dài 1.862 m của cây cầu sẽ chia thành 12 thập kỷ tương ứng với 120 tuổi của cây cầu (1890-2009) và mỗi thập niên được tái hiện bằng hình ảnh của từng thời kỳ; trưng bày 100 tác phẩm hội hoạ với đề tài Ký ức cầu Long Biên; trình diễn trang phục Hà Nội thế kỷ XIX. Tại đoạn cầu mất nhịp do bom đạn, dựng cờ 60 quốc gia với dòng chữ “Hòa bình”. Tại hướng Gia Lâm - Hà Nội, Uớc mơ cây cầu triển lãm 99 con diều sáo đặc trưng cho văn hoá đồng bằng Bắc bộ cùng buổi hoa đăng với 999 ngọn hoa đăng được thả xuống sông Hồng cầu cho sự bình yên thịnh vượng của Thăng Long- Hà Nội.

 

Ngoài ra, tổ chức đi bộ Vì hòa bình còn kỷ niệm 10 năm Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố vì hòa bình, do Ủy ban Vì hòa bình TP Hà Nội thực hiện.

 

Trong khuôn khổ lễ hội còn có các chương trình giới thiệu nghề truyền thống, biểu diễn trang phục dân tộc, trình diễn pháo bông Cầu Long Biên hoá rồng.

 

 

le-hoi.091010.jpg
Đường phố Hà Nội những ngày lễ hội - nguồn: HNM

 

LIÊN HOAN NGHỆ THUẬT ĐƯỜNG PHỐ TẠI HÀ NỘI

 

Liên hoan Nghệ thuật đường phố sẽ diễn ra tại vườn hoa Lý Thái Tổ, ngày 3/11 (từ 14h30’ đến 21h) do nhạc sĩ Trí Minh làm đạo diễn. Đây là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng nhất do Đại sứ quán Đan Mạch, UBND TP Hà Nội và Cơ quan nghệ thuật Đan Mạch tổ chức nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước của Chính phủ Đan Mạch tới Việt Nam vào đầu tháng 11/2009.

 

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Peter Lysholt Hansen khẳng định: Chuyến thăm cấp Nhà nước là một dịp thuận lợi để thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Đan Mạch, Liên hoan Nghệ thuật đường phố sẽ tạo nên sự hứng khởi với người tham gia, đồng thời là một gợi ý cho việc tổ chức thường niên đối với các nhà quản lý và tổ chức nghệ thuật.

 

Đại sứ quán Đan Mạch còn cho biết: Ca sĩ Tùng Dương, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long, nhóm nhảy hip hop Ngón chân Cái (Big Toe), nghệ sĩ thể nghiệm Đào Anh Khánh, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và các nghệ sĩ - nhóm nghệ sĩ nổi tiếng từ Đan Mạch đã tình nguyện tham gia biểu diễn tại Liên hoan Nghệ thuật đường phố, lần đầu tiên diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.

 

Các màn biểu diễn đa dạng, sống động và đầy cảm hứng trong liên hoan sẽ được bài trí lại thành bốn góc với một sân khấu lớn. Tại góc dành cho hip hop và múa hiện đại, nhóm nhảy Big Toe sẽ biểu diễn cùng với nhóm vũ kịch Uppercut. Góc nghệ thuật thể nghiệm được dành cho nghệ sỹ Đào Anh Khánh và các người bạn nghệ sĩ của anh. Tại góc dành cho âm nhạc và múa truyền thống, Câu lạc bộ ca trù Thăng Long sẽ đóng vai trò chủ xướng.

 

Trong khi đó, ở góc dành cho xiếc và kịch, các nghệ sĩ xiếc Việt Nam và đoàn kịch Batida sẽ là điểm nhấn thu hút khán giả. Các màn biểu diễn được bố trí lần lượt, màn này sau màn khác, tạo điều kiện cho khán giả có thể xem toàn bộ các hoạt động của liên hoan. Khi đêm xuống, một chương trình biểu diễn đặc sắc ở sân khấu lớn sẽ là điểm nhấn quan trọng của liên hoan. Ca sĩ Tùng Dương, các nghệ sĩ xiếc, vũ công trẻ tài năng và các nghệ sĩ Đan Mạch hứa hẹn phô diễn những tiết mục hay nhất của mình.

 

Y.LAN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek