Thứ Bảy, 05/10/2024 02:30 SA
Quan họ, ca trù: Hai di sản của nhân loại
Thứ Năm, 08/10/2009 07:14 SA

Trong 91 di sản của 34 quốc gia vừa được tổ chức UNESCO công nhận, Việt Nam có hai đại diện là quan họ và ca trù. Như vậy, sau 4 năm chờ đợi kể từ khi Chính phủ quyết định đệ trình UNESCO công nhận di sản quan họ và ca trù, nay điều mong đợi đã trở thành hiện thực. Hai di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được toàn thế giới công nhận là Di sản của nhân loại.

 

hat-quan-ho.091008.jpg

Hát quan họ trong dịp đầu xuân

 

NGỌT NGÀO CÂU QUAN HỌ

 

Quan họ là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc, tức Bắc Ninh và Bắc Giang. Loại hình dân ca này chủ yếu phát triển mạnh ở vùng sông Cầu, một ranh giới tự nhiên của hai tỉnh.

 

Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Cho đến nay, đã có ít nhất 300 bài quan họ đã được ký âm. Các bài quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca quan họ đã được khám phá. Kho băng ghi âm hàng nghìn bài quan họ cổ do các nghệ nhân ở các làng quan họ phát hiện vẫn được lưu giữ tại sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

 

Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc. Quan họ truyền thống là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc, với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Điều này giải thích lý do người dân Kinh Bắc thích thú “chơi quan họ”, không phải là “hát quan họ”. Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Trong quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; hát cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ.

 

Quan họ mới còn được gọi là hát quan họ, là hình thức biểu diễn (hát) chủ yếu trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng vào dịp đầu xuân, lễ hội... Thực tế, quan họ mới được trình diễn vào bất kỳ ngày nào trong năm. Quan họ mới luôn có khán thính giả, người hát trao đổi tình cảm với khán thính giả, không còn là tình cảm giữa bạn hát với nhau. Quan họ mới không còn nằm ở không gian làng xã mà đã vươn ra ở nhiều nơi, đến với nhiều thính giả ở các quốc gia trên thế giới.

 

ĐỘC ĐÁO CA TRÙ

 

Hát ca trù hay hát ả đào là một bộ môn nghệ thuật truyền thống của miền Bắc Việt Nam kết hợp hát cùng một số nhạc cụ dân tộc. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ XV, từng là một loại ca trong cung đình, được giới quý tộc và học giả yêu thích.

 

Bài bản ca trù có nhiều loại. Phổ thông nhất là hát nói, một thể văn vần có tính cách văn học cao. Những bài hát nói nổi tiếng phải kể Hồng hồng, tuyết tuyết (của Dương Khuê), Hương Sơn phong cảnh (của Chu Mạnh Trinh), Gặp xuân (của Tản Đà),  Tự tình (của Cao Bá Quát). Ngoài ra còn có những làn điệu cổ điển khác như Tỳ bà hành (bản diễn Nôm của Phan Huy Vịnh theo cổ bản của Bạch Cư Dị).

 

Trải qua những biến cố thăng trầm lịch sử, có lúc tưởng chừng như không thể tồn tại được, nhưng với những đặc trưng về loại hình nghệ thuật độc đáo, sự phối hợp tuyệt vời giữa ca từ và giọng hát hòa cùng các nhạc khí: phách, đàn đáy, trống chầu…, cho tới ngày nay, ca trù đã khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ của Việt Nam mà của cả nhân loại.

 

Ca trù có rất nhiều tên gọi. Tùy từng địa phương, từng thời điểm mà hát ca trù còn gọi là hát ả đào, hát cô đầu hay hát nhà tơ… Sự tồn tại của ca trù luôn gắn liền với các đào nương. Để trở thành một đào nương cũng không phải là chuyện dễ, phải hội được nhiều tiêu chuẩn khắt khe như giọng hát, năng khiếu âm nhạc (thẩm âm, gõ phách), tri thức âm nhạc, văn thơ, lòng đam mê, kiên trì... Các đào nương chính là những người chuyền tải và thể hiện những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của ca trù, giúp ca trù tồn tại cho đến ngày nay.

 

Ca trù được tổ chức chặt chẽ thành phường, giáo phường, do trùm phường và quản giáp cai quản. Ca trù có quy chế về sự truyền nghề, cách học đàn học hát, có những phong tục trong sự nhìn nhận đào nương rành nghề, như lễ mở xiêm áo (thầy cho phép mặc áo đào nương để biểu diễn chính thức lần đầu tiên trong đình làng gọi là Hát cửa đình), có những quy chế về việc chọn đào nương đi hát thi (ngoài tài năng và sắc diện cần phải có đức hạnh tốt).

 

Ca trù bắt nguồn từ dân ca, dân nhạc cộng với một số trò diễn và múa dân gian. Ca trù lúc khởi thủy cũng như trong một thời gian khá dài là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp, bao gồm nhạc, thơ, múa và trò diễn. Chính vì vậy độc đáo của ca trù chính là sự phối hợp đa dạng, tinh tế, nhuần chuyễn giữa thi ca và âm nhạc, đôi khi có cả múa.

 

Ca trù đã được các tổ chức quốc tế tôn vinh và xuất bản dưới dạng đĩa hát. Tổng thư ký Hội đồng quốc tế Âm nhạc thuộc Unesco Jack Bornoff, Giám đốc Viện quốc tế nghiên cứu Âm nhạc với phương pháp đối chiếu ở Đức, GS Alain Danielou đã tặng Bảng danh dự cho NSND Quách Thị Hồ, người đã tham gia vào việc thực hiện đĩa hát ca trù và quan họ do UNESCO phát hành. Đĩa hát này được UNESCO gởi tặng trên 400 trường đại học và nhà văn hóa của nhiều nước Âu, Á, Mỹ, Úc, Phi. Năm 1985, ca trù là 1 trong 9 tiết mục được tuyển lựa vào Diễn đàn âm nhạc châu Á do Unesco tổ chức tại Bình Nhưỡng (CHDCND Triều Tiên). Ngoài ra, ca trù còn được nhiều nhạc sĩ, nhạc học gia nước ngoài theo học, tìm hiểu, nghiên cứu; được giới thiệu tại Đại học Sorbonne Paris, Đại học Hawaii at Manoa Honolulu (GS Trần Văn Khê thuyết giảng).

 

Quan họ và ca trù - hai di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được toàn thế giới công nhận là Di sản của nhân loại. Nhận vinh dự tự hào này càng nhận thức sâu sắc hơn lợi ích, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người, của toàn xã hội trong việc bảo vệ tài sản văn hóa quý báu mà cha ông ta đã để lại.

 

Y.LAN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek