Thứ Bảy, 05/10/2024 04:18 SA
Náo nức trống lân
Thứ Bảy, 03/10/2009 07:10 SA

Năm nào cũng vậy, sau khi những chiếc lồng đèn treo ở các cửa hiệu trên phố hớn hở thông báo về một mùa vui, tiếng trống lân rộn ràng đưa trung thu đến...

 

Tuy Hòa hiện có bao nhiêu đội lân? Câu hỏi này… quá khó! Người ta chỉ có thể kể đến những “tên tuổi” như lân Bảo Tịnh, Bảo Lâm, Thiện Ái, Vovinam - Việt võ đạo…, chứ không tài nào nhớ xuể đội lân ở các phường - xã, thậm chí là các… khu phố trong thành phố. Không chỉ hai ngôi chùa lớn là Bảo Tịnh, Bảo Lâm có đội lân, gia đình Phật tử ở một số chùa khác như Bình Quang, Bình Hòa… cũng lập đội. Và không chỉ CLB Vovinam - Việt võ đạo, vài võ đường dạy võ cổ truyền cũng có đội lân.

 

tt-091003.jpg

TP Tuy Hòa rộn rã tiếng trống lân - Ảnh: MINH KÝ

 

LÂN GIÀ, LÂN TRẺ

 

Nhiều tuổi nhất là đội lân chùa Bảo Tịnh, được thành lập từ năm 1973. Trong một thời gian dài, đây là đội lân số 1 ở Tuy Hòa, luôn đứng đầu trong các cuộc thi và trung thu nào cũng “đắt sô”. Về sau, vị trí số 1 ấy bị cạnh tranh bởi đội lân rồng đẹp mắt của gia đình Phật tử chùa Bảo Lâm, bởi bài múa mạnh mẽ, sáng tạo của các võ sinh Vovinam - Việt võ đạo, và bởi đội lân tách ra từ lân Bảo Tịnh cùng nhiều thành viên “cốt cán”.

 

Với sự chia tách này, từ năm 2001, những người quan tâm đến phong trào múa lân ở Tuy Hòa biết đến một “tên tuổi” khác: Đội lân sư Thiện Ái. Họa sĩ Võ Tĩnh -  người phụ trách đội lân này, cho biết: “Chúng tôi tập trung từ đầu tháng 8 âm lịch để sửa sang lân và tập luyện, người đi trước truyền cho người đến sau. Năm nào đội lân chúng tôi cũng trích quỹ, tham gia hoạt động xã hội - từ thiện. Năm ngoái, chúng tôi ủng hộ Trường Niềm vui. Năm nay, chúng tôi sẽ ủng hộ đồng bào Quảng Nam, Quảng Ngãi…”. Trong câu chuyện vội vàng, chuẩn bị để 15 giờ đến múa ở một số trường mầm non, anh Võ Tĩnh cung cấp cho tôi những con số đáng nể: Đội có chừng… 100 người; chỉ tính riêng số thành viên của đội múa lân đã gần 70; còn lại là bộ phận hậu cần. Trung thu năm ngoái, đội lân sư Thiện Ái kiếm được 21 triệu đồng - một con số mà nhiều đội khác ao ước. “Doanh thu” nhiều thật đấy, nhưng chi phí cũng rất cao, khi mà phải chuẩn bị cả trăm hộp cơm cho một bữa trưa; bữa tối nấu 10 kg bột bánh canh, bổ sung 2 thùng mì tôm mà vẫn không đủ. Và, như những người tham gia vẫn nói: chơi lân vui là chính, đừng tính tới chuyện kinh doanh, vì chỉ có lỗ mà thôi.

 

 Lân “già” thì ít, lân “trẻ” thì nhiều. Đội lân Hòa Bình do các bạn trẻ ở khu phố Nguyễn Huệ (phường 5) thành lập là một ví dụ. Tứ đại song lân này đã góp mặt trong năm mùa trung thu gần đây. Đội có gần 50 thành viên, thể hiện khả năng của mình với hai con lân và hai con sư tử.

 

Nói về phong trào múa lân trong dịp Tết Trung thu, sẽ là thiếu sót lớn nếu như không kể đến những đội lân nhí trong các xóm. Không thể bắt chước người lớn đầu tư hàng chục triệu đồng, những cô cậu học trò cấp 1, cấp 2 ở xóm Ba-toa (phường 1, phường 3) đóng góp mỗi em 5.000 đồng để lập đội lân. Mười mấy bạn nhỏ góp lại, thế là có hai con lân be bé xinh xinh còn nguyên cả… đuôi (mua lại của một đội lân nhí đã rã đám sau mùa trung thu trước), một cái trống nhỏ; mặt nạ dành cho tề thiên, ông địa, trư bát giới và một cây cào cỏ bằng nhựa. Sau giờ học, đội trưởng Lê Khắc Huy - đang học lớp 6 - tập họp các thành viên của đội, trong đó có bé Tư - đang học mẫu giáo nhỡ. Tập dợt 3 hôm, thế là múa thôi! “Địa bàn” của Song lân Ba-toa là con hẻm Chu Mạnh Trinh với mấy chục ngôi nhà, trong đó hơn nửa là nhà của các thành viên đội lân. Thế nên không phải băn khoăn lắm về “doanh thu”. Ngay sau buổi chiều “khai lân”, Song lân Ba-toa “thu hoạch” được 100.000 đồng. Đội trưởng cười toe toét khoe với tôi như vậy.

 

th1-091003.jpg

Những đội lân nhí cũng tưng bừng phố xá - Ảnh: MINH KÝ

 

NHỮNG NGÀY RỘN RÀNG

 

Từ đầu tháng 8 âm lịch, tiếng trống lân đã vang lên, dù còn thưa thớt. Ngày 10, sau một thời gian tập luyện, lân bắt đầu xuống phố. Và từ ngày 12 âm lịch, đường phố Tuy Hòa như chật hơn trong nhịp trống rộn ràng. Buổi chiều, lân múa ở các cơ quan, trường học… cho trẻ em xem, tối đến thì múa ở nhà dân mà phần lớn là những gia đình kinh doanh, vì họ quan niệm con lân sẽ đem sự may mắn, thịnh vượng đến. Vào mùa trung thu, những ai có việc gấp, cần đến tốc độ, tốt nhất là tránh các con đường: Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Phan Đình Phùng, Duy Tân…, bởi đi một đoạn ngắn là gặp ngay một đội lân đang múa; khán giả lớp trong lớp ngoài, tràn xuống chật cứng cả lòng đường; trẻ con có, người lớn tất nhiên cũng có.

 

Ngày trước, người ta múa với một hoặc hai con lân cùng ông địa, trư bát giới, sau đó có thêm tề thiên. Bây giờ xôm tụ hơn, chí ít cũng có một lân với hai con sư tử. Những đội lân “tên tuổi” đều tạo cho mình “bản sắc” riêng và giữ gìn “truyền thống”, trong khi những đội lân trẻ có một số “phá cách”, như để cho ông địa, tề thiên nhảy… hip hop. Bài múa của các đội cũng có một số “biến tấu”, nhưng cơ bản là: sư múa, lân chào, lân giỡn châu, lân chúc mừng, lân lên thang ăn giải và lân tống tiễn. Có đội thả phướn chúc mừng. Có đội để cho lân ngủ trong khi đội khác thì không, vì cho rằng đi chúc phúc mà lăn kềnh ra ngủ là… không lịch sự!

 

Ngày trước, múa lân không thể thiếu màn phun lửa, và đội lân nào cũng có đuốc, dù đường phố điện sáng trưng. Người múa chính ngậm dầu lửa trong miệng. Khi miệng lân lắc la lắc lư đến gần ngọn đuốc, họ phun dầu ra, và lửa bùng lên. Màn biểu diễn này khiến người xem - đặc biệt là con nít - trầm trồ nhưng cũng rất nguy nguy hiểm cho người biểu diễn, không khéo sẽ bị phỏng như chơi. Màn phun lửa này cũng đã làm cho nhiều con lân cháy râu, cháy cả mặt mũi. Có lẽ vì thế mà giờ đây, không thấy đội lân nào mang theo đuốc, và màn lân phun lửa chỉ còn trong ký ức của một số người…

 

Hội thi múa lân vào dịp Tết Trung thu diễn ra hết sức náo nhiệt. Có năm, giải nhất thuộc về đội lân Đoàn Thanh niên phường 1 - một đội lân không “tên tuổi”. Chẳng có “bề dày” lẫn tiếng tăm, con lân cũng chưa thể nói là đẹp, song đội lân này đã chinh phục ban giám khảo bằng kỹ thuật múa.

           

Ít có nơi nào mà trung thu rộn ràng trống lân như thành phố trẻ này. Chị Trương Thị Đạt ở phường 2 - người gắn bó với đội lân Bảo Tịnh từ khi còn bé xíu, mấy năm nay tham gia đội lân Thiện Ái - nói: Người Tuy Hòa biết nuôi dưỡng phong trào múa lân. Đây là hoạt động vui chơi bổ ích đối với thanh thiếu niên, là dịp để các em thể hiện cá tính. Hơn nữa, không có lân thì không “ra” trung thu.

 

Nhiều bạn nhỏ lớn lên ở Tuy Hòa, vào TP Hồ Chí Minh học tập nhưng đến mùa lân vẫn tranh thủ trở về, để múa, để xem, để được đắm mình trong không khí tưng bừng ấy. Không về thì nhớ, đêm nằm nghe như có tiếng trống giục bên tai…

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek