Thứ Bảy, 05/10/2024 06:18 SA
Nhà thơ Văn Công Hùng:
“Thơ là một thánh đường”
Thứ Ba, 29/09/2009 19:00 CH

Cho đến khi chạm vào dòng ký ức tươi nguyên, da diết đến nhói lòng trong tản văn Ngược miền hoa gạo trên Vietnamnet, tôi vẫn chưa gặp Văn Công Hùng. Người thì chẳng biết thế nào, nhưng văn thì đọc rất thích. “Gió căm căm. Lạnh căm căm. Má em căng ra trong cái lạnh mà ấm nồng, mà hào hển, mà hồng lên trong gió. Rồi bờ đê. Rồi hoa xoan trời ạ. Nó tơi bời nở trong gió, trong cái lạnh tê buốt, trong cái màu xám bạc của trời, làm tôn lên những li ti thảng thốt của cái màu tím dân dã, đến ngẩn ngơ, mà gợi, mà đọng trong ta cả một thời tuổi trẻ, sống dậy, ùa về, khao khát và đam mê...

 

van-cong-hung.090929.jpg

Nhà thơ Văn Công Hùng (ảnh do nhân vật cung cấp)

Đợt tập huấn ở Huế vừa rồi, Văn Công Hùng cũng có mặt. Hóa ra người thơ của vùng đất đỏ bazan trông khá… giang hồ, vừa dí dỏm, sôi nổi vừa có chút… ngang tàng. Hóa ra “ông” Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai này đã xuất bản 7 tập thơ và trường ca, một tập tản văn - phóng sự. Tập thơ Đêm không màu còn nóng hôi hổi, tôi cũng có một bản với lời đề tặng của tác giả. Đọc, lại thích, thế là phỏng vấn…

 

* Có phải anh thích cải tiến thơ ca, như một số người vẫn nói?      

 

- Thơ ca muôn đời luôn là cái mới. Người làm thơ là người phải tìm ra, phát hiện ra và sáng tạo cái mới ấy, nếu không thì sẽ tự tiêu diệt mình. Tôi luôn thích và muốn cải tiến thơ mình trên cơ sở tìm tòi sáng tạo khám phá cái mới, nhưng không có nghĩa là tôi phá tan hoang nó ra, làm cho nó tắc tị đi, đọc chả hiểu gì cả. Thơ tôi không dễ hiểu nhưng cũng không tắc tị, tôi cố gắng lưu lại được những điều phía sau ngôn ngữ, hình ảnh, nói được những điều cảm xúc mình mách bảo. Nếu chịu khó đọc thì bạn sẽ thấy dư vị phía sau những con chữ ấy.      

 

* Văn Công Hùng ở ngoài đời “ồn ào”, “bụi bặm” như gió Tây Nguyên, rất khác với Văn Công Hùng trong thơ. Vì sao lại khác nhau một trời một vực như  thế?      

 

- Nhiều người đã nói với tôi điều chị vừa nói, và chính tôi cũng không hiểu tại sao. Đúng là tôi sôi nổi trong giao tiếp nhưng trong thơ lại rất cô đơn. Thực ra những lúc tôi ồn ào ngoài đời ít hơn rất nhiều những lúc tôi lặng lẽ trước màn hình vi tính hoặc ngồi một mình (thời gian tôi ngồi trước màn hình vi tính một mình trong một ngày chiếm rất nhiều trong số thời gian tôi có trong ngày). Có điều những lúc tôi hoạt khẩu thường là trước đám đông nên nhiều người nghĩ tôi... nông nổi. Thì cũng coi như những lúc sôi nổi ấy là những khi mình xả stress. Cũng có thể là thời gian tôi im lặng trong ngày nhiều quá nên khi có dịp giao tiếp là tôi hết mình. Có người nhận xét là tôi hoạt khẩu. Có thể đấy cũng là lý do để trong giao tiếp tôi thường “trội” hơn chăng? Còn thơ, tôi luôn coi đấy là một thánh đường, uy nghiêm và sang trọng, không thể ồn ào, muốn vào đấy phải “dọn mình” rất kỹ.

 

* Theo anh, công việc và sự tỉnh táo của một nhà  báo liệu có “bào mòn” những xúc cảm và sự mơ mộng của nhà thơ?        

 

- Trung bình ba ngày tôi phải viết được một bài gì đó, vừa là do nhu cầu nội tại là mình phải viết như một sự tồn tại, vừa là để... kiếm tiền nuôi con học. Ngày nào mà tôi không gõ được chữ nào là ngày ấy như người vô dụng, cứ thấy thiếu thiếu cái gì. Khi viết, bất cứ báo hay thơ tôi rất cô đơn, nhưng phải đến lúc nào cô đơn đến cùng cực thì thơ bật ra. Thường thì tôi không hình dung trước là mình sẽ viết gì, chỉ khi nào gõ phím thì chữ mới ra, có khi định viết một cái tản văn thì nó lại ra một... bài thơ. Tôi làm thơ cũng nhanh như viết báo, nhưng khi công bố thì rất cẩn trọng. Tôi để đấy và đọc đi đọc lại, công bố thăm dò trên blog (ngày xưa thì làm cuộc rượu, mời bạn bè đến rồi đọc cho họ nghe và nhờ họ... chê, giờ ai cũng bảo làm như thế là... tra tấn, mà bạn bè với nhau thì ai nỡ tra tấn họ vì họ có tội tình gì đâu). Trên blog tôi có rất nhiều bạn đọc tinh và thích thơ mình, họ nhận xét thẳng thắn và tôi học họ trên ấy.      

 

Tôi thấy thơ và báo bổ sung cho nhau rất tốt. Nhờ làm báo mà tôi hiểu biết nhiều, đi nhiều, trải nghiệm nhiều và biên độ tưởng tượng cũng được mở ra. Điều quan trọng nữa, là có... tiền để nuôi thơ. Còn nhờ làm thơ mà câu chữ hình ảnh và cách tiếp cận vấn đề báo chí của tôi có phong cách riêng. Tôi thấy hiện nay lối viết báo đang bị cứng đi, lười đi, tôi thổi vào những bài báo của mình một lối hành văn báo chí uyển chuyển và nhiều ẩn nghĩa hơn, đẹp hơn, không lười. Tất nhiên không phải bài nào cũng có thể làm được như thế, tôi thường viết về văn hóa nên mới có thể sử dụng lối viết này.      

 

Tôi có thể cùng một lúc mở hai file trên laptop, một file thơ và một file báo, viết báo bí thì quay sang thơ, và thơ bí thì lại lật sang báo, tất nhiên tư duy cũng phải lật sang theo.      

 

Nhưng cũng nói thật với chị, 5 tháng nay tôi không làm một bài thơ nào, cố tình không làm dù nó có trào ra. Tôi chăm chút cho tập sách thứ 8 của tôi, tập thơ Đêm không màu ra đời và dành thời gian suy nghĩ xem có thể có thay đổi gì trong quãng thời gian sắp tới chăng.

 

* Viết báo và làm thơ, anh thấy mình thành công ở lĩnh vực nào?      

 

- Thơ với tôi là vĩnh cửu, còn báo là nhất thời. Nhưng quả thật, nhiều khi báo giúp thơ tôi dễ phổ biến hơn. Nhiều người biết tôi là nhà báo trước rồi mới biết tôi “còn là” nhà thơ sau. Chả so sánh được, nhưng cái cuối cùng còn lại với tôi là thơ chứ.

 

* Xin cảm ơn anh! 

 

LÂM VY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những cột mốc
Chủ Nhật, 27/09/2009 11:00 SA
Vài câu chuyện, vài suy tư...
Chủ Nhật, 27/09/2009 11:00 SA
Hoàng Thị Yến đăng quang
Chủ Nhật, 27/09/2009 09:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek