Thứ Bảy, 05/10/2024 14:22 CH
Về nơi lưu niệm “Tự lực văn đoàn”
Thứ Tư, 16/09/2009 19:00 CH

Một sớm trời rất đẹp của ngày đầu thu, chúng tôi rủ nhau đi Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương). Hai anh em tôi trên chiếc xe không còn mới, nhưng được việc. Vì mới hôm qua, trên con “ngựa sắt” này chúng tôi đã qua bến Bình Than lịch sử. Nơi đó, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, vua Trần cho mở hội quân, nơi lục đầu giang lịch sử, để rồi chẳng bao lâu quân dân Đại Việt đã đập tan mộng bá chủ của đế quốc phương Bắc mà vó ngựa trường chinh của họ đã giày xéo nhiều quốc gia Á châu thời bấy giờ. Từ thị trấn Thứa là huyện lỵ của huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) đến thị trấn Cẩm Giàng của tỉnh Hải Dương chỉ một thôi đường liên huyện đang nâng cấp nên xe có phần hạn chế tốc độ.

 

tl-090916.jpg

Tác giả trước cổng nhà Thạch Lam (tháng 8/2009).

 

Thị trấn Cẩm Giàng của huyện Cẩm Giàng nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng mà người Pháp đã xây dựng từ trước năm 1930. Cùng với quốc lộ 5, con đường sắt này góp phần phát triển vùng kinh tế Hải Phòng - Quảng Yên - Móng Cái, nơi có cảng biển lớn bậc nhất Bắc Bộ và một mỏ than có trữ lượng lớn nhất Việt Nam.

 

Hỏi thăm mấy lần, chúng tôi mới tìm đến ngôi nhà xưa của cố nhà văn Thạch Lam.

 

Thật không ngờ, gia đình một quan phủ (thân sinh ra ba nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam) lại ở một nơi có thể nói là hẻo lánh đến vậy. Đường đi vào nhà phải qua con đường đi của hành khách ga Cẩm Giàng, và trước nhà là con đường sắt chạy lên Hà Nội, chạy về Hải Phòng. Từ ngôi nhà này ai muốn đi tàu chỉ việc ra ngõ mà chờ tàu đến.

 

Chẳng biết ông quan phủ thân sinh ra các nhà văn mỗi lần về nhà thì đi bằng gì? Tôi nghĩ có lẽ ông ấy đi bằng ngựa mới có thể vào đến cổng nhà.

 

Năm 2009 này, khi tôi đến, chợ Cẩm Giàng đang họp, sản vật đập vào mắt tôi là thị chín vàng mà người bán là bà già, trẻ con ngồi dọc đường vào ga xép. Mùi thơm như cảnh đến chùa làng, làm cho du khách nặng tình hoài cảm một vùng quê ở đồng bằng Bắc Bộ xưa. Tôi là người đọc gần như hầu hết các tác phẩm của “Tự lực văn đoàn” từ ngày đang đi học, và sau này vẫn tiếp tục đọc. Mỗi tác phẩm của từng nhà văn đưa đến cho tôi tình yêu văn học và cái đẹp con người Việt Nam, tâm hồn dân tộc. Người ta khen chê theo cung bậc khác nhau. Lạ thay tôi chẳng chê bất cứ một điểm gì. Bởi quan niệm văn học của tôi là: Văn học phản ánh một thời. Nhà văn sống và viết thời nhà văn sống là như vậy. Tất nhiên với văn tài trời cho của từng nhà văn thì sự rung động cho người cảm thụ có sức truyền cảm cung bậc khác nhau. Tôi tin rằng, nếu chúng ta gạt đi những điều còn có chính kiến khác nhau, thì Tiêu sơn tráng sĩ, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt hay Hồn bướm mơ tiên… vẫn là những áng văn đẹp của một dòng văn học lãng mạn trước năm 1945. Nói chính xác hơn là từ năm 1932 đến năm 1942 - khi “Tự lực văn đoàn” ở đỉnh cao trong tiến trình văn học của Việt Nam giai đoạn 1930 đến năm 1945.

 

Trong ba nhà văn cũng là ba anh em ruột Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) và Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), tôi yêu mến Thạch Lam hơn cả. Nhà văn này viết khá chắt lọc, phần nhiều là truyện ngắn như Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Nhà mẹ Lê…, một tập truyện dài Ngày mới và đặc biệt là tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường…

 

Thạch Lam đã để lại cho đời một khối lượng không lớn. Nhưng mỗi trang viết là một viên ngọc còn lóng lánh đến hôm nay, và còn tỏa sáng lâu dài. Vì một Hà Nội còn đó, tuy đã là Hà Nội cả ngàn phố phường, nhưng “băm sáu phố phường” của Thạch Lam như Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Khay, Hàng Nón, Hàng Bài, Đồng Xuân… hãy còn đó, là Hà Nội phố cổ muôn đời cho một thủ đô ngàn năm tỏa sáng.

 

Theo văn học sử thì nhà văn Thạch Lam có số phận không mấy tươi sáng. Có nghĩa là ông quá nghèo. Nhưng cái tình thì thật lớn lao, ông sống với bà vợ hết sức yêu chồng trong một túp lều bên hồ Trúc Bạch cạnh Hồ Tây và căn bệnh hiểm nghèo là bệnh ho lao. Vậy mà nhà ông luôn có mặt các nhà văn trẻ đến đưa tác phẩm nhờ ông đọc và giới thiệu. Nhà văn Nguyên Hồng đã một lần gặp Thạch Lam trên chuyến tàu Cẩm Giàng - Hà Nội mà góp phần thành công tác phẩm Bỉ vỏ đầu tay, lúc Nguyên Hồng tròn 17 tuổi.

 

Cơn bệnh quái ác đã lấy đi cuộc đời Thạch Lam, lúc nhà văn ở tuổi ngoài 30. Tuổi ấy là tài năng của con người tươi chín, nhất là nhà văn nhân cách và gắn bó với dân nghèo như Thạch Lam.

 

Tháng 8/2009, ở ga Cẩm Giàng vẫn là ga xép như thời Thạch Lam đang ở đây. Chợ vẫn họp bên đường vào ga và những hàng quán bán những thứ quà nước cho khách đợi tàu muôn thuở.

Tôi đến trước cổng ngôi nhà xưa của Thạch Lam. Nhà không còn, chỉ trơ lại cái nền đầy cỏ dại và mấy khóm chuối tiêu tốt tươi đã cho buồng. Một cái biển đề trước cổng nhà: “Nơi lưu niệm Tự lực văn đoàn (1932-1942)”. Tôi đứng lặng nhìn những cây bông giấy mà vì nhà không có chủ nên tự do vươn cao. Sương còn đọng lại trên cỏ dọc lối vô nhà. Đường tàu đá đã cũ, tà vẹt mòn. Có lẽ nó đã mòn và cũ hàng thập kỷ nay…

 

Tôi đứng lặng cúi đầu, tỏ lòng kính trọng một Thạch Lam nho nhã nhân hậu, một Nhất Linh xông xáo là thủ lĩnh của văn đoàn, một Hoàng Đạo lo toan cho đoàn đầy trách nhiệm, cùng với Khái Hưng, Thế Lữ, Xuân Diệu, Tú Mỡ, cùng với Trần Tiêu tác giả tiểu thuyết Con trâu, hợp thành một văn đoàn có 7 thành viên mà mỗi cá nhân đều in đậm trong văn học sử nước nhà.

 

Qua tìm hiểu, là tỉnh Hải Dương đã có kế hoạch cho phục dựng lại ngôi nhà xưa của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam sinh ra, mà bằng chứng tích cực là có một con đường ở thị trấn Cẩm Giàng có tên Thạch Lam. Một cái biển đề: “Nơi lưu niệm Tự lực văn đoàn (1932-1942)”.

 

Vậy là đã quý lắm rồi. Khi mà trong thư viện, trên giá sách còn đó các tác phẩm từ Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt Hà Nội băm sáu phố phường… thì chúng ta còn mang ơn Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu. Bởi những nhà văn, những thi sĩ này đã đóng góp cho nền văn học một văn đoàn không thể nào quên.

 

NHẤT LÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek