Thứ Bảy, 05/10/2024 14:26 CH
Trăng nơi đáy giếng - một bộ phim nhiều cảm xúc
Thứ Bảy, 12/09/2009 19:00 CH

Thử thách sự kiên nhẫn của khán giả bằng tiết tấu chậm, không kịch tính, không cao trào, bằng nhân vật nữ chính xa lạ, thậm chí hơi khó tin trong cuộc sống hiện đại, Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn là một bộ phim khó xem. Thế nhưng nếu khán giả kiềm chế sự bực bội xuất phát từ quan điểm bình đẳng giới, gạt bỏ thói quen “xem kể chuyện” để dõi theo những chuyển độïng tâm lý của nhân vật được thể hiện bằng ngôn ngữ không hề cũ, trong không gian đậm chất Huế với ngôi nhà rường có những cánh cửa đóng mở liên tục, thì Trăng nơi đáy giếng là một bộ phim đáng xem bởi nó mang lại quá nhiều cảm xúc.

 

Trang.0909123.jpg

Cảnh trong phim Trăng nơi đáy giếng

 

Một phụ nữ yêu chồng, tôn sùng chồng và cảm thấy hạnh phúc khi được  phục dịch chồng. Sau khi biết mình hiếm muộn, cô đã thuyết phục chồng có con với người khác. Rồi, vì muốn giữ chức hiệu trưởng cho chồng, cô hối hả ly hôn, để chồng danh chính ngôn thuận sống với người mang thai hộ. Cuối cùng, giả thành thật, người phụ nữ yêu đến mụ mị, tận tụy hy sinh ấy mất hết tất cả. Đến con chó mất chủ mà cô chăm sóc cũng bỏ cô mà đi.

 

Với câu chuyện như thế, thông thường, nhân vật nữ chính sẽ sống trong nỗi đau, sẽ có nhiều nước mắt. Thông thường, phim sẽ có những xung đột được đẩy lên cao, có những thắt - mở để lôi cuốn khán giả. Thế nhưng, với tiết tấu rất chậm, Trăng nơi đáy giếng thoát khỏi kiểu tự sự quen thuộc, với ngôn ngữ rất riêng. Chuyển động của tâm lý nhân vật được thể hiện bằng những góc quay đẹp, ánh sáng đẹp và sự cộng hưởng của âm nhạc. Ống kính tập trung vào nhân vật chính và dường như chỉ đặc tả nhân vật chính - đặc tả nụ cười trìu mến của cô giáo Hạnh khi nói chuyện với người phụ nữ chung chăn gối với chồng, đặc tả niềm vui ngay cả khi sửa soạn căn nhà mới để chồng về ở với vợ mới. Khán giả thấy niềm vui ấy, hạnh phúc hoang tưởng ấy mà giận, mà xót xa!

 

Trăng nơi đáy giếng là một bộ phim thành công về mặt nghệ thuật, với những tìm tòi sáng tạo. Sau khi chồng Hạnh rời ngôi nhà cổ để đến sống trong căn nhà xây cùng cô vợ mới, ống kính đặc tả những quả ớt xanh trong vườn dần chuyển màu - những quả ớt mà khi còn - có - chồng, cô Hạnh vẫn dằm vào mắm để mỗi bữa cơm, chồng dù không ăn nhưng vẫn ngửi được vị cay. Cảnh nhân vật chính đóng mở những cánh cửa của ngôi nhà rường cũng được thể hiện một cách đầy ẩn ý, không chỉ làm khán giả cảm thấy ngột ngạt - ngay cả khi ánh sáng nghiêng nghiêng đi vào - mà còn cho thấy cảm xúc “nhiều mặt” của một phụ nữ tự nguyện giam mình trong những quan niệm, lề lối cũ. Người phụ nữ hạnh phúc khi tận tụy cung phụng, hy sinh cho chồng. Cô chỉ sụp đổ khi đến căn nhà mới, nhìn thấy người đàn ông mà mình tôn thờ, phục dịch đang… hì hục giặt đồ cho vợ mới.

 

Xem Trăng nơi đáy giếng, khán giả vừa thương vừa bất bình với nhân vật Hạnh. Họ hả hê khi thấy Hạnh hất tách trà vào mặt người đàn ông ích kỷ và đạo đức giả để rồi xót xa khi thấy Hạnh lại cung cúc phụng thờ “ông tướng” và hai đứa con của ông ta ở cõi âm, với lý lẽ rất thuyết phục rằng “ông tướng” không rời bỏ cô, không làm cho cô đau khổ. Phim kết thúc bằng hình ảnh Hạnh tràn trề niềm vui chăm sóc những khóm hoa trong một khu vườn đã đổi khác,  một ngôi nhà đã đổi khác, với mong muốn tạo nên “một thế giới của riêng em và anh”, như cô đã giảy bày trong bài thơ của mình. Và Hạnh đóng cổng, quay lưng với thế giới bên ngoài, với cuộc sống thực. Hình ảnh ấy dai dẳng bám vào tâm trí khán giả.

 

Trong Trăng nơi đáy giếng, chất Huế được khai thác kỹ, từ không gian đến âm nhạc, đời sống tâm linh… Lấy bối cảnh ở Huế, nơi những tàn dư của tư tưởng phong kiến vẫn còn rất đậm, những người làm phim muốn thuyết phục khán giả tin vào câu chuyện khó tin. Có lẽ cùng với những tìm tòi sáng tạo trong sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, cùng với diễn xuất tự nhiên, tinh tế của Hồng Ánh, nét văn hóa rất riêng ấy đã góp phần để Trăng nơi đáy giếng chinh phục khán giả, đặc biệt là khán giả ở nước ngoài.

 

Bên cạnh những giải thưởng uy tín, Trăng nơi đáy giếng nhận được vô số lời khen ngợi của giới chuyên môn. Tuy nhiên, bộ phim cũng còn một số hạn chế. Đấy là câu chuyện bị “đẩy” đi quá xa đến mức khó tin, là cảnh quay đầy tính “sắp đặt” với hình ảnh chồng chơi đàn guitar, vợ làm thơ, con thì vẽ tranh.

 

Có thể nói, đã khá lâu rồi, điện ảnh Việt Nam mới lại có một bộ phim hay, giàu cảm xúc như thế!

 

Bộ phim Trăng nơi đáy giếng dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Trần Thùy Mai, Hãng phim Giải Phóng sản xuất, đã đoạt giải Cánh diều Bạc (không có giải vàng) ở hạng mục phim truyện nhựa và Cánh diều Vàng dành cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2008, giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP quốc tế Du-bai năm 2008. Bộ phim vừa được viện bảo tàng lớn hàng đầu Hoa Kỳ Smithsonian (Washington D.C) chọn trình chiếu tại LHP châu Á diễn ra vào tháng 10 ở Mỹ và cũng đã mang về cho đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Madrid (Tây Ban Nha) dành cho phim Ấn Độ và châu Á.

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek