Thứ Sáu, 04/10/2024 00:27 SA
Ba “đặc sản” văn hóa dân tộc của Phú Yên tại Ngày hội
Chủ Nhật, 18/06/2006 08:29 SA

Là chủ nhà, đoàn Phú Yên đã sẵn sàng tham gia tất cả các chương trình của Ngày hội VHCDTMT-ĐNB. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật được chuẩn bị khá công phu với sự tham gia của 30 nghệ nhân và các diễn viên không chuyên là những nam nữ thanh niên các dân tộc thiểu số miền núi trong tỉnh.

 

Ông Mạnh Minh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm VHTTTL, Trưởng đoàn nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số Phú Yên, cho biết: “Chuẩn bị cho Ngày hội, các nghệ nhân và diễn viên của đoàn đã tích cực tập luyện từ tháng trước. Đoàn Phú Yên sẽ tham gia đầy đủ các chương trình gồm: Nghệ thuật các dân tộc, giới thiệu trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số miền núi, các lễ hội truyền thống và trò chơi dân gian, giao lưu văn hoá ẩm thực và Hội thảo khoa học về “Bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc miền Trung và Đông Nam bộ”.

 

060619-trong-doi.jpg
Các nghệ nhân dân tộc Chăm Hroi huyện Đồng Xuân - Phú Yên biểu diễn trống đôi - Ảnh: Dương Thanh Xuân

 

Trong chương trình nghệ thuật mà đoàn Phú Yên tham gia tại lễ hội lần này, theo ông Tâm có 3 tiết mục được xem là “đặc sản” là: Chương trình giới thiệu và biểu diễn trống đôi. Đây là bộ môn nghệ thuật chỉ người Chăm và Ba Na sinh sống ở huyện Đồng Xuân mới có. Múa trống đôi có mặt trong tất cả các lễ hội và đã trở thành máu thịt đối với đồng bào. Tiết mục này sẽ được biểu diễn bởi 2 cặp nghệ nhân, trong tiếng trống làm nền tảng cùng với sự phụ hoạ của cồng ba, chinh năm. Nghệ nhân chơi trống không chỉ đánh trống như một nhạc cụ bình thường mà đây là họ “múa” trống. Múa trống đôi không chia thành những điệu thức rõ ràng, mà là sự phối hợp đầy ngẫu hứng và sáng tạo của người chơi trống, chuyển tải một thứ ngôn ngữ rất riêng. Thông qua nhịp trống, điệu múa, hai nghệ nhân biểu diễn có thể truyền cho nhau những biểu cảm thay lời. Vì vậy, múa trống đôi thường là những thanh niên khoẻ mạnh và có năng khiếu cảm thụ âm nhạc đặc biệt. Nhiều người biết múa trống đôi, nhưng để đạt đến trình độ thành thục thì cả làng chỉ được vài người. Trong sự thanh thoát vang xa của tiếng cồng ba, chinh năm, nhịp trống đôi nổi bật lên nhịp nhàng rộn rã, không chỉ làm cho người chơi nhập hồn vào nhịp trống mà làm cho tất cả những người tham gia đều “say hội”. Và hội chỉ thật sự tan khi không còn nhịp trống đôi vì “còn tiếng trống đôi, hội chưa giã bạn”.

 

Tiết mục “khẩu thuật” cũng được xem là “đặc sản” rất riêng của đoàn Phú Yên. Với đôi tay và hơi thổi từ miệng, nghệ nhân Nay Y Thanh (huyện Sơn Hoà) sẽ tạo ra trên 20 thứ tiếng của muông thú, chim chóc của núi rừng hùng vĩ.

 

Cuối cùng là tiết mục hát Khan. Tiết mục này do nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Ka Sô Liễng trình bày một đoạn hát Khan, nội dung nói về sự thiêng liêng của tiếng cồng, tiếng chiêng của người đồng bào dân tộc trong đời sống tâm linh và trong các lễ hội của buôn làng. Là nghệ nhân cao tuổi nhất của đoàn Phú Yên, ông còn là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian uy tín của khu vực Nam Trung bộ…

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek