Thứ Sáu, 04/10/2024 02:27 SA
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam:
Cần có sự ứng xử đúng mực đối với di sản văn hóa
Thứ Tư, 14/06/2006 07:36 SA

060614-GS-TNT.jpgNước là yếu tố thiên nhiên gắn bó mật thiết với sự  tồn tại của đời sống con người. Đồng thời,  nước còn là một biểu tượng văn hóa trong tâm thức người Việt từ xưa đến nay. Trao đổi với PV Báo Phú Yên  bên lề Hội thảo văn hóa sông nước miền Trung và văn hóa sông nước Phú Yên vừa được tổ chức tại TP Tuy Hòa, giáo sư, tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, phân tích:

 

Trong đời sống hàng ngày, nước không chỉ làm dịu cơn khát, không chỉ tưới mát cho lúa và hoa màu mà còn là một bộ phận của cuộc sống con người. Đó là một thế giới vừa giàu có lại vừa bí ẩn, vừa che chở nhưng cũng đầy bất  trắc đối với con người. Nước chở thuyền đi trên sóng, nước cho tôm cá đầy khoang. Nhưng sông ngòi tiềm ẩn thác ghềnh, biển cả ẩn giấu bão tố, suối khe che đậy  những lũ ống, lũ quét. Cho nên, trong các tai họa thì nước đứng đầu “Thủy , hỏa, đạo, tặc”. Truyện Sơn Tinh Thủy Tinh cho thấy tổ tiên chúng ta đã nhận thức được điều này. Trong ký ức về cuộc thiên di, bao giờ các dòng sông cũng là vật ngăn trở cuối cùng trước khi đến được vùng đất hứa. Đó là Dòng sông Nước Đắng – Dòng sông Sóng Dồi trong hát then của người Thái – Tày hay Dòng sông Nước Ngọt của người Bâhnar T’Lô. Còn người H’Mông thì phải múa khèn trên hai thanh tre Bắc qua một cái chảo lớn chứa đầy dầu đang sôi sùng sục, biểu tượng cho việc vượt sông trong quá trình thiên di xa xưa. Trong tâm thức văn hóa của người Việt, nước là biểu tượng của tinh khiết, thiêng liêng với sức mạnh ma thuật đầy huyền bí, nên người ta dùng nước để bói, để phù chú. Nhiều tộc người Việt Nam vẩy nước vào nhau trong các lễ thức chúc sức khỏe. Nước lấy từ giữa dòng sông mới được dùng để “tắm tượng” mỗi mùa hội làng. Lễ té nước của người Lào cũng không ngoài mong ước sự sinh sôi nảy nở với tác động của nước. Nước cũng được ví như đức tính uyển chuyển, năng lực thích nghi của người Việt Nam “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, dù tròn, dù dài thì cuối cùng vẫn là nước. Mà sự nhẫn nại, kiên trì của nước mang một  sức mạnh vô địch, bởi vì “Nước chảy, đá mòn”. Từ một yếu tố thiên nhiên, nước đi vào mọi nẻo cuộc sống con người, gắn bó với chúng ta và trở thành một bộ phận quan trọng, không thể cắt rời của tâm thức văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

 

060614-ho-ba-trao.jpg

Hò bá trạo trong lễ hội cầu ngư ở Phú Yên - Ảnh: D.T.X

 

* Thưa giáo sư, có thể khái quát sơ bộ như thế nào về diện mạo văn hóa sông nước miền Trung và nó có gì khác biệt trong văn hóa sông nước Việt Nam?

 

- Đây là  một vấn đề lớn, cần có sự nghiên cứu thấu đáo, lâu dài theo  cái nhìn đa diện, đa dạng, đa chiều. Có thể thấy, văn hóa sông nước miền Trung có những nét mà các vùng miền khác không có. Trước hết, đó là nhận thức về đại dương chứ không chỉ là biển. Ở khúc ruột Nam Trung bộ thì con mắt đại dương rất lớn, có yếu tố văn hóa Chăm. Người Việt ngoài Bắc có tương cà chứ chưa có mắm muối. Bởi vì phải có  biển thì mới có nhiều cá  để làm mắm với  nhiều loại phong phú khác nhau, tạo nên một thứ văn hóa ẩm thực rất riêng. Hai là, khúc ruột miền Trung vừa có núi vừa có biển. Nói một cách hình tượng thì đây là  một vị thần núi nhưng đồng thời tắm biển, một vị thần biển nhưng lại có gốc gác miền núi. Mối quan hệ này phải chăng là biểu hiện của triết lý lưỡng hợp của tư duy nông nghiệp luôn  mong muốn sự sinh sản,  ước mơ sự trù phú, giàu có? Một điểm nữa không có nơi đâu bằng ở đây là thái độ đối với biển thông qua lễ hội cầu ngư. Mà cũng chỉ ở miền Trung  mới có điệu hò bá trạo  (bả trạo?) . Mối quan hệ với biển trong văn hóa sông nước miền Trung còn thông qua hình tượng  cá voi – một con cá biển luôn giúp đỡ  con người. Rõ ràng, những chuyện như thế chỉ ở miền Trung mới có, đã góp phần làm nên sự độc đáo  trong văn hóa sông nước  khu vực này.

 

* Rõ ràng, chúng ta sưu tầm  văn hóa văn nghệ dân gian nói chung và văn hóa sông nước nói riêng không chỉ để lưu giữ các giá trị tinh thần cao đẹp mà quan trọng hơn là làm thế nào để các giá trị ấy phục vụ tích cực cho cuộc sống phát triển hôm nay. Thưa giáo sư, về vấn đề này, chúng ta đã làm được bao nhiêu?

 

- Hội thảo “Văn hóa sông nước miền Trung và văn hóa sông nước Phú Yên” do Hội chúng tôi vừa tổ chức tại TP Tuy Hòa, bên cạnh nhìn nhận vai trò, ý nghĩa nhân văn của nước và văn hóa sông nước, chính là còn hướng đến mục tiêu mà anh vừa nêu. Bởi vì, di sản văn hóa chỉ thực sự có giá trị khi nó góp phần làm giàu cho đời sống hiện tại, cả về vật chất và nhất là tinh thần. Vì thế, chúng tôi rất mong từ việc khám phá, phát hiện, đánh giá các giá trị văn hóa sông nước miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, ngành du lịch từ Trung ương  đến các địa phương  sẽ có các biện pháp “khai thác”  phù hợp để phát triển mạnh ngành công nghiệp không khói, phục vụ tích cực cho phát triển KT – XH. Nói như vậy là vì, trong thực tế đã có nơi người ta khai thác di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh còn theo kiểu làm nghèo đi, làm mai một dần các giá trị… Do đó, cần có một cái nhìn, sự ứng xử đúng mực từ phía  các nhà quản lý, lãnh đạo cũng như người dân theo quan điểm di sản văn hóa là tài sản chung của cả cộng đồng  nên phải được bảo vệ, gìn giữ.

 

* Xin cảm ơn giáo sư!

 

THẠCH BÍCH (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek