Thứ Hai, 07/10/2024 05:38 SA
Tình cảm của Bác Hồ với miền Nam trong tác phẩm Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng
Thứ Tư, 15/07/2009 07:07 SA

Tác phẩm Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng của tác giả Trình Quang Phú, người con của quê hương Phú Yên, nay đang công tác và thường trú tại TP Hồ Chí Minh, được Nhà xuất bản Thanh Niên in lần thứ nhất đầu năm 1997. Đến năm 2005, tác phẩm này tái bản lần thứ ba, được tác giả sửa chữa, bổ sung.

 

tulang.090715.jpg

Mở đầu tác phẩm in tháng 11/2005, Nhà xuất bản Thanh Niên trân trọng giới thiệu bức thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi tác giả cuốn sách đề ngày 1/4/1997. Toàn văn bức thư như sau:

 

“Đồng chí Trình Quang Phú thân mến!

 

Tôi đã chăm chú đọc quyển sách: “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” của đồng chí cùng những bài nhận xét về cuốn sách của đồng chí ở các báo.

 

Những nhận xét của các báo gộp lại nói lên một cách đầy đủ giá trị cuốn sách của đồng chí đã viết về thời niên thiếu của Bác Hồ khi chuẩn bị ra đi tìm đường cứu nước, cũng như những tình cảm của Bác đối với đồng bào và chiến sĩ miền Nam và ngược lại những tình cảm của đồng bào và chiến sĩ miền Nam đối với Bác. Những nhận xét của các báo là rất đầy đủ, rất tốt, không thể nói gì hơn được.

 

Bây giờ theo tôi biết, đồng chí đang bổ sung và hoàn chỉnh cuốn sách để bàn với Nhà xuất bản tái bản cuốn sách của đồng chí với số lượng đủ để cung cấp cho người đọc, nhất là tuổi trẻ không chỉ ở miền Nam mà còn trong cả nước.

 

Chúc đồng chí khỏe mạnh và thành công.

 

Thân ái

Phạm Văn Đồng”

 

Tập sách in lần thứ ba này dày 280 trang khổ 13 x 19, chia làm hai phần. Phần thứ nhất có tiêu đề Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng. Phần này tập trung nói về những ngày niên thiếu của Bác ở làng Sen, đến những năm tháng Bác ở Huế, ở Phan Thiết vào Sài Gòn rồi Bác ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911. Phần thứ hai có tiêu đề Miền Nam trong trái tim Người gồm hàng chục mẩu chuyện vô cùng xúc động của cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng miền Nam ra thăm Bác và được gặp Bác.

 

Mở đầu phần thứ hai, ở trang 109, tác giả kể ngay một mẩu chuyện rất xúc động:

 

Buổi sáng mùa thu năm 1962 đẹp nắng, dưới vườn cây cổ thụ tỏa lá sum suê trong vườn Phủ Chủ tịch, khi tiếp nhận những tặng phẩm do Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đầu tiên ra thăm miền Bắc, Bác đã bồi hồi đưa tay lên phía trái ngực mình và nói:

 

- Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này.

 

Bác chỉ có trái tim – Bác tặng miền Nam trái tim của Người. Người miền Nam nào nghe câu nói mộc mạc, đầy tình thương yêu ấy của Bác lại không thấy lòng mình xao xuyến cảm động. Cho đến phút cuối cuộc đời, lúc nào Bác cũng dành cho miền Nam những tình cảm to lớn và dạt dào nhất. Bác theo dõi từng bước đi của cách mạng miền Nam. Bác lo lắng đến từng nỗi đau khổ của miền Nam. Tiếp nhà báo Cuba Mácta Rohát (trong khi còn chống Mỹ), Bác nói: “Có thể nói rằng: ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng, và nếu gộp những nỗi đau khổ của riêng mỗi người, mỗi gia đình lại, thì đó chính là nỗi đau khổ của tôi”.

 

Tác phẩm Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng đã ghi chép lại khá đầy đủ các cuộc gặp gỡ của Bác với các anh hùng, chiến sĩ quân giải phóng miền Nam như: Tạ Thị Kiều, Ngô Thị Tuyết, Hồ Thị Thu, Huỳnh Thị Kiển, Hồ Sĩ Thản, Trần Dưỡng, Huỳnh Văn Đảnh, A-Vai… Bác ân cần thăm hỏi sức khỏe từng người, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng chiến sĩ.

 

Bác hỏi anh hùng Trần Dưỡng:

 

- Gia đình cháu Dưỡng bây giờ còn những ai?

 

Mắt đồng chí Trần Dưỡng vẫn nhìn Bác không chớp. Giọng nói của anh nhỏ lại vì xúc động:

 

- Thưa Bác, cha cháu bị Ngô Đình Diệm giết trong vụ Vĩnh Trinh (sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, Ngô Đình Diệm gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở đập Vĩnh Trinh, tỉnh Quảng Nam). Mẹ cháu và em cháu đều bị giặc giết chết từ ngày cháu còn nhỏ. Nhà cháu chỉ còn lại một mình cháu.

 

Một nét xúc động mạnh hiện lên trên khuôn mặt Bác. Bác giữ bình thản, trìu mến nhìn Dưỡng và chỉ tay vào tất cả mọi người chung quanh, nói với Trần Dưỡng:

 

- Bây giờ không phải cháu chỉ có một mình. Đây là anh em của cháu, là gia đình của cháu.

 

Trần Dưỡng cảm động nhìn Bác mãi mà không nói được, đôi mắt anh ngấn lệ, môi anh mấp máy như muốn thưa: “Thưa Bác, có Bác, có Đảng và có đồng đội, cháu sẽ không phải mồ côi nữa…”.

 

Các đoàn anh hùng, dũng sĩ ở miền Nam ra thăm Bác, Bác đều ân cần dặn dò “Các cháu phải đoàn kết thương yêu nhau như anh em một nhà. Phải trung với nước, hiếu với dân. Phải ngoan cường, dũng cảm trong chiến đấu. Phải ra sức học tập để không ngừng nâng cao trình độ của mình và phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng để trở thành người chiến sĩ tốt, người cán bộ, người đảng viên tốt được Đảng và nhân dân tin yêu, mến phục”.

 

Các anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Nam về thăm Bác luôn luôn xúc động và thấy mình lớn lên trong tình thương yêu của Bác. Anh hùng Tạ Thị Kiều đã từng nói:

 

- Càng được gần Bác, càng hiểu tình thương yêu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam của Bác là vô bờ bến.

 

Ngày 2/9/1969, biết sức khỏe của Bác nguy kịch, nên các đồng chí trong Bộ Chính trị có mặt bên Bác. Mười phút trước lúc đi xa, Bác mở mắt nhìn mọi người, nhận biết có đồng chí Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ chiến trường về đang có mặt phía sau. Bác ra hiệu gọi anh đến và nắm chặt tay anh. Mọi người có mặt đều xúc động đến trào nước mắt. Ai cũng hiểu rằng Bác đang muốn nắm chặt tay của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Ai cũng hiểu rằng trước lúc trút hơi thở cuối cùng, Bác muốn có miền Nam bên cạnh. Bác muốn gửi lại cho đồng bào, đồng chí miền Nam tình cao, nghĩa đậm của Bác.

 

Tác giả Trình Quang Phú nguyên là phóng viên của Thông tấn xã giải phóng, công tác nhiều năm ở chiến trường Quảng Trị, trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Sau đó ông về công tác ở Ban CP72 (Ban miền Nam của Trung ương Đảng). Do đó ông có may mắn được trực tiếp tham gia việc đưa đón các đoàn anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua của Quân giải phóng miền Nam và cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam ra thăm miền Bắc được đến thăm Bác Hồ.

 

Tập ký Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng của tác giả Trình Quang Phú viết về tình cảm sâu sắc của Bác Hồ với miền Nam và miền Nam với Bác Hồ, đây là một khúc ca da diết của nhân dân cả nước  đặc biệt miền Nam yêu dấu với Người.

 

Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ra Chỉ thị số 36-CT/TW, yêu cầu các cấp ủy đảng, đảng đoàn ban cán sự Đảng triển khai tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tôi nghĩ, tập ký Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng đang được Nhà xuất bản Thanh Niên lên kế hoạch tiếp tục tái bản, sẽ là một trong những tác phẩm quý góp phần vào việc thiết thực kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Càng nhớ Bác, chúng ta càng phải ra sức học tập và làm theo những lời Bác dạy, để đất nước ta đi đúng theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

 

Nhà văn TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek