Thứ Hai, 07/10/2024 11:19 SA
Tối nay (4/7), bế mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh Phú Yên lần thứ VII:
Ấn tượng về những bản sắc văn hóa
Thứ Bảy, 04/07/2009 14:00 CH

Tối nay (4/7), Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh Phú Yên lần thứ VII năm 2009 sẽ khép lại. Tạm biệt những giờ phút khó quên khi biểu diễn trên sân khấu, trên đường phố, những lúc tranh tài sôi nổi cùng bè bạn đến từ các vùng miền trong tỉnh, các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, vận động viên... trở về với cuộc sống, công việc thường nhật. Song ấn tượng về ngày hội, về các hoạt động giàu bản sắc văn hóa truyền thống chắc hẳn sẽ đọng lại rất lâu trong lòng họ.

 

a-rap.090704.jpg

Rộn ràng ngày hội - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

ĐẶC SẮC CÁC LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

 

Một trong những nét đặc sắc của Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ VII  là phần trình diễn lễ hội truyền thống, cho thấy sự phong phú đa dạng của văn hóa Việt, đậm đà bản sắc của từng dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

 

Tham gia trình diễn lễ hội truyền thống, 9 đoàn của 9 huyện, thành phố đem đến cho người xem những nét độc đáo, như lễ hội đền Lê Thành Phương (huyện Tuy An), lễ hội Tết Nguyên Tiêu (TP Tuy Hòa), lễ mừng sức khỏe (huyện Đồng Xuân), lễ hội đập Đồng Cam (huyện Phú Hòa), lễ đón con trai về nhà gái (huyện Sông Hinh), lễ hội cầu ngư (huyện Tuy An)… Tiếng cồng chiêng âm vang, già trẻ gái trai đến từ huyện Sơn  Hòa trong trang phục truyền thống tái hiện lễ hội mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Ê Đê. Đây là một hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Êđê, thường diễn ra khá sôi động và ấn tượng. Sau mùa lúa bội thu, bà con dân làng làm lễ mừng lúa mới để tạ ơn trời. Lễ hội này thường được tổ chức vào buổi chiều, xung quanh một cây nêu. Các già làng đong một gùi lúa đầy để cắm đũa có nhúng máu gà vào tế lễ và cầu Giàng, các thần linh phù hộ cho buôn làng được một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đoàn huyện Tây Hòa lần đầu tiên góp mặt trong ngày hội bằng lễ hội xuân-tế kỳ yên. Lễ hội này thường được bà con trong các thôn tổ chức vào đầu năm ở các đình, làng, nơi thờ Thành hoàng của làng, cầu cho cả năm bình yên may mắn, làm ăn phát đạt. Góp mặt trong phần trình diễn lễ hội, Quại PôK Ai (lễ hội mừng sức khỏe) của đồng bào dân tộc Chăm H’roi (huyện Đồng Xuân) càng cho thấy sự phong phú của các lễ hội trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Lễ hội mừng sức khỏe được đồng bào Chăm H’roi tổ chức trong gia đình, dòng họ hay tổ chức ở buôn làng để tạ ơn trời đất, thần linh đã ban cho con người sức khỏe và hạnh phúc. Lễ hội thường được kéo dài 2-3 ngày đêm với nhiều vật dụng cúng tế, trong đó không thể thiếu cây nêu. Gái trai trong làng với trang phục truyền thống nổi cồng chiêng, nhảy múa xung quanh. Lễ hội của các đoàn khác cũng đã đem đến ngày hội những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mình. Được trình diễn dưới nhiều hình thức khác nhau, lễ hội của các huyện đều ngụ ý tạ ơn trời đất, thần linh đã cho bà con có được mùa màng tốt tươi, làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hòa, mọi người có cuộc sống no ấm, thanh bình.

 

Từ các vùng núi xa xôi của các huyện miền núi, tiếng cồng chiêng đã theo bước chân của đồng bào dân tộc Bana, Êđê, Chăm H’roi về góp mặt trong ngày hội. Ở phần thi biểu diễn cồng chiêng, âm thanh trầm hùng, vang xa của tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống đôi vang lên giữa lòng TP Tuy Hòa càng làm cho không khí ngày hội thêm sôi động, náo nhhiệt. Tiếng cồng chiêng ngân vang như mời gọi, thúc giục bà con về cùng vui trong ngày hội. Tiếng cồng chiêng như đưa người ta vượt qua không gian, đến với những ngôi nhà sàn, những núi đồi chập chùng... để hòa nhập vào cuộc sống của đồng bào.

 

PHONG PHÚ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA DÂN GIAN

 

Ngoài phần thi lễ hội truyền thống, biểu diễn cồng chiêng, các chương trình nghệ thuật dân gian, biểu diễn trang phục truyền thống, liên hoan nghệ thuật biểu diễn, thi ẩm thực, lễ hội đường phố diễn ra trong suốt 3 ngày hội của các đoàn cùng với các môn thể thao dân gian cho thấy sự phong phú, độc đáo về bản sắc văn hóa của từng vùng miền trong tỉnh. Đặc biệt, lần đầu tiên lễ hội đường phố được tổ chức, làm nức lòng người dân. Không chỉ có xe hoa diễu hành, lễ hội còn có những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc của từng dân tộc, từng vùng miền ở Phú Yên.

 

trong.-090704.jpg

Biểu diễn cồng chiêng, trống đôi của đoàn Đồng Xuân   -Ảnh: KIM CHI

 

Lễ hội đường phố đã giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu, độc đáo của các dân tộc, vùng miền và ngành nghề, là dịp để nhân dân Phú Yên cảm nhận rõ hơn về đời sống văn hóa đa dạng, phong phú và giàu bản sắc của các dân tộc anh em đang sống trên địa bàn tỉnh… Bất ngờ và đầy hấp dẫn là những tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc, múa của Liên đoàn Nghệ thuật dân gian Chungbuk (Hàn Quốc). Biểu diễn đầy ngẫu hứng, cuồng nhiệt, các nghệ sĩ của Liên đoàn Nghệ thuật dân gian Chungbuk đã thật sự lôi cuốn khán giả Phú Yên bằng những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc.

 

Ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Yên, cho biết: Đồng bào các dân tộc trong tỉnh có một kho tàng văn hóa thật phong phú, trong đó nổi bật nhất là lễ hội và những nét văn hóa dân gian truyền thống. Qua các hoạt động lễ hội lần này, chúng ta cần phát huy, bảo tồn di sản văn hóa quý báu này.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sức nóng Chungbuk
Thứ Sáu, 03/07/2009 16:41 CH
Carnaval tưng bừng đường phố
Thứ Sáu, 03/07/2009 07:00 SA
Một người mê cây cảnh
Thứ Năm, 02/07/2009 18:02 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek