Thứ Hai, 07/10/2024 13:26 CH
Sức nóng Chungbuk
Thứ Sáu, 03/07/2009 16:41 CH

Trong thời gian diễn ra Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc tỉnh lần thứ VII, đoàn nghệ thuật dân gian Chungbuk đến từ Hàn Quốc đã gây cảm tình đặc biệt đối với khán giả Phú Yên không chỉ bằng những tiết mục đặc sắc mà còn là tinh thần biểu diễn hết mình. Đêm 2/7, những chàng trai, cô gái đến từ xứ sở Kim Chi đã làm liên tục làm nóng sân khấu bằng những điệu múa trống Samulnori với những nụ cười đẫm mồ hôi.

 

Han-Quoc.jpg
Điệu múa Pangut - Ảnh: T. HẢO

 

Không như những chương trình biểu diễn khác, dù chưa đến giờ diễn của Đoàn Nghệ thuật dân gian Chungbuk và Đoàn ca múa nhạc Sao Biển nhưng người dân đã tập trung rất đông trước sân khấu chính ở sân vận động thành phố Tuy Hòa. Người già, trẻ con, nam nữ thanh niên… vây kín ba mặt sân khấu.

 

Tiết mục đầu tiên là điệu múa Chohonjiseong (Tố hồn thành tâm) trên nền một bài nhạc truyền thống của Hàn Quốc. Ba nữ nghệ sĩ sử dụng chập cheng và những dải ru băng đầy màu sắc thể hiện điệu múa lạ, mang sắc thái tâm linh, tạo cho người xem cảm giác có phần kỳ bí. Chohonjiseong là điệu múa của các thầy cúng, thường biểu diễn trong những dịp lễ cầu ngư của người dân miền biển Hàn Quốc.

 

Nếu như Chohonjiseong lạ lẫm và khó hiểu, thì điệu múa trống Nalmwebukchum khiến sân khấu trở nên sôi động hẳn. 8 nghệ sĩ trẻ cùng với trống janggu, trống buk và chiêng kwaenggwari đã cống hiến hết mình cho khán giả Phú Yên một tiết mục biểu diễn đặc sắc của miền Đông Nam Hàn Quốc. Có những khán giả lần đầu tiên thưởng thức nghệ thuật biểu diễn dân gian của Hàn Quốc, mắt cứ gắn chặt vào sân khấu, miệng không ngớt hò reo, tán thưởng…

 

Tham gia Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên lần này, đoàn Nghệ thuật dân gian Chungbuk gồm 18 người, trong đó có 2 nghệ nhân thư pháp, còn lại hầu hết là nghệ sĩ, đặc biệt có cả ca sĩ Kwon Thaeck Chung nổi tiếng với thể loại dân ca. Tại đêm diễn, ca sĩ Kwon đã thể hiện bài hát Jangtharyeong- Bài hát của người hành khất- bằng giọng hát ấm áp với một phong cách biểu diễn sôi nổi, khá lạ mắt.

 

HQ12.jpg
Múa Tố hồn thành tâm - Ảnh: M.HÙNG

 

Tiết mục để lại nhiều ấn tượng cho khán giả nhất trong đêm diễn phải kể đến Pangut, một điệu múa trống thuộc thể loại nông nhạc truyền thống- Samulnori- của Hàn Quốc. Trong điệu múa này, nghệ sĩ - được gọi là samo- phân chia thành hai phe, vừa đánh trống, vừa nhảy, vừa biểu diễn múa dải dây và chùm lông đà điểu trên mũ. Người samo mũ đội lông đà điểu “thách đấu” bằng điệu bộ của chùm lông này cùng với tiếng kwaenggwari và điệu nhảy. Samo đội mũ có gắn dải băng trắng, theo lời thách thức đó, đáp trả bằng tiếng trống janggu hoặc trống buk, cùng hoạt động của dải băng. Cả sân vận động sôi động trong tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng hò reo của cả diễn viên lẫn người xem. Những cú xoay mình độc đáo, những dải băng trắng dài, ngắn khác nhau uốn lượn trong khoảng không gian hẹp… Trong khi những nghệ sĩ trên sân khấu đang say diễn, bên dưới cánh gà, các nghệ sĩ Hàn Quốc còn lại cũng mê đắm không kém, cũng nhảy, cũng hát theo nhịp trống, ai nấy đẫm mồ hôi nhưng cười rất tươi.

 

Kết thúc chương trình các nghệ sĩ Chungbuk và Phú Yên đã cùng nhau thể hiện 2 ca khúc Kangkangsulle và Nối vòng tay lớn- thay cho lời mong ước hòa bình, hữu nghị giữa hai nước Hàn Quốc và Việt Nam, trong tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả bên dưới.

 

Sau buổi diễn, dù thấm mệt nhưng nghệ sĩ Ra Jang Heum, đội trưởng đội biểu diễn rất nhiệt tình trả lời phỏng vấn của các phóng viên. Anh cho biết: Khi đứng trên sân khấu tôi có cảm giác rằng khán giả Phú Yên rất mừng rỡ khi gặp lại những người bạn Hàn Quốc và quan tâm nhiều đến tiết mục của chúng tôi nên tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Chính sự cổ vũ của các bạn đã tiếp sức cho chúng tôi biểu diễn tốt hơn. Ra Jang Heum đã đến Phú Yên lần đầu vào năm 2005 trong một dịp giao lưu văn hóa, và anh đã rất vui khi gặp lại những người bạn Phú Yên.

 

HQ5.jpg
Ca sĩ Kwon Thaeck Chung thể hiện bài hát Jang tharyeong - Ảnh : M. HÙNG

 

Nhận xét về những tiết mục biểu diễn của đoàn nghệ thuật dân gian Chungbuk, em Đặng Thị Sỹ, sinh viên Trường ĐH Phú Yên cho biết:” Đoàn nghệ thuật Chungbok đã mang đến lễ hội những màn trình diễn nghệ thuật sôi động, độc đáo, đậm chất nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là tiết mục múa trống. Qua phần biểu diễn này cũng giúp em hiểu thêm về văn hóa dân tộc của Hàn Quốc và học hỏi được phong cách trình diễn tự tin và hết mình của họ”.

 

Nhạc nhà nông (Samulnori) có lịch sử lâu đời nhất trong các điệu múa của Hàn Quốc với những bài múa thể hiện rõ nhất tâm tính của người Hàn Quốc. Samulnori được bắt đầu từ lễ hội cầu thần để mong có được một mùa trong năm bội thu. Samulnori giúp cho tâm hồn con người trở nên vui vẻ, mang sức mạnh thống nhất hoà hợp. Năm 1978, từ khi đoàn nghệ thuật Samulnori của nghệ nhân Kim Deok Soo biểu diễn hình thái mới được cấu thành từ 4 loại nhạc cụ nhà nông như kwaenggwari (chiêng nhỏ), jing (chiêng lớn hơn kwaenggwari), janggu (trống có hình đồng hồ cát), và buk (trống), Samulnori bắt đầu được biết đến rộng rãi. Samul được ví như các âm thanh của thiên nhiêu, chiêng nhỏ là tiếng sấm chớp, chiêng là gió, janggu là tiếng mưa và trống được ví là mây. Vì thế âm thanh của Samulnori rất giống với âm thanh của vũ trụ đất trời, của tự nhiên xung quanh ta.

 

KHÁNH UYÊN

 
BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek