Chủ Nhật, 06/10/2024 16:23 CH
Phó Giáo sư, nhà thơ Đặng Hấn:
Tôi đi “đánh dặm” khắp sông Sài Gòn
Chủ Nhật, 14/06/2009 16:00 CH

Nhà thơ Đặng Hấn bắt đầu cầm bút khá muộn. Ông ghi lý lịch của mình như sau: “Học toán rồi nghiên cứu toán, rồi đi dạy toán. Năm mươi tuổi bỗng trở thành nhà thơ trẻ, chuyên làm thơ cho thiếu nhi”. Nhân dịp tháng 6 - tháng dành cho thiếu nhi, Phó giáo sư ngành Toán và cũng là nhà thơ đã trò chuyện cùng bạn đọc.

 

PGS-090613.gif

Phó Giáo sư, nhà thơ Đặng Hấn

 

* “Năm mươi tuổi bỗng trở thành nhà thơ trẻ” và ông đã chọn trẻ thơ để “chơi chữ”. Ông có thể cho biết quan niệm khi sáng tác thơ cho thiếu nhi cũng như những thành công đã gặt hái được trong lĩnh vực này?

 

- Làm thơ cho thiếu nhi rất khó. Nó vừa phải có tình hay, ý đẹp để người lớn “chịu”…, vừa trau dồi cho các em đức tính gì, giúp các em phát hiện điều gì, lại vừa phải “nhí nhố” hóm hỉnh cho các em thích, dễ nhớ. Không biết quan niệm của tôi về thơ thiếu nhi như thế có “lỗi thời” lắm không, nhưng cái “tạng cầm bút” của tôi nó vậy.

 

Còn những thành công mà bất kỳ nhà thơ nào hay bất kỳ người cầm bút sáng tác nào cũng mong muốn, ấy là được độc giả nhớ đến tác phẩm của mình. Tôi đã in hơn 10 tập thơ và sách nghiên cứu văn chương, câu đố…, không biết trong số các đầu sách ấy có cuốn nào, bài nào, câu thơ nào được nhiều người nhớ hay không? Đó luôn là một ẩn số với riêng tôi. Nhưng thành công có thể “đếm được” chính là các giải thưởng tôi đã nhận, ví dụ giải nhất cuộc thi sáng tác cho nhi đồng do Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Văn nghệ và NXB Kim Đồng phối hợp tổ chức năm 1982 - 1984; giải nhì cuộc thi sáng tác văn học do Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em UNICEP (Hà Nội) và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 1993 - 1994; giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990 cho tập Sài Gòn và bé…

 

* Giữa việc làm thơ cho thiếu nhi, giảng dạy, nghiên cứu toán học, ông thấy việc nào khó hơn?

 

- Tôi từng làm việc ở Viện Toán học (Hà Nội) và Phân viện Khoa học Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, về hưu ở ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh với học hàm Phó Giáo sư. Việc giảng dạy, nghiên cứu toán, ngoài niềm yêu thích thì tôi xem như một cái nghề. Giờ về hưu nhưng tôi vẫn đi thỉnh giảng khắp nơi như một công việc lao động bình thường, còn sức thì còn làm vậy thôi. Tôi đã có thơ về công việc của mình: “Bạn đi đánh dặm trên đồng/ Còn tôi đánh dặm khắp sông Sài Gòn”.

 

Đã có lúc tôi nghĩ: Nếu dồn thời gian cho thơ chắc mình sẽ có kết quả tốt hơn hiện tại, song tôi cũng biết ngay ý nghĩ đó là một sai lầm. Thơ dù chỉ là một “trò chơi” nhưng nó lại là thứ “trời cho” không phải dành nhiều thời gian đầu tư vào là được. Nói thế để thấy, có được học hàm Phó Giáo sư hay những thành tựu khác, ngoài uy tín nghề nghiệp thì chỉ cần đợi thời gian đến, còn thơ thì không.

 

* Ngoài thơ thiếu nhi, ông còn được biết đến với tập thơ Chân dung nhà văn (2003). Ông có thể nói rõ hơn về tập thơ này?

 

- Làng văn nước ta ai cũng biết nhà thơ Xuân Sách là bậc thầy trong việc làm thơ về chân dung các đồng nghiệp. Nói thế không phải là tôi bắt chước Xuân Sách trong việc này, mà tôi nghĩ, bắt chước cái hay thì cũng nên làm lắm chứ! Chuyện về Chân dung nhà văn của tôi là do Báo Tuổi trẻ Cười đặt hàng viết, sau tôi tập hợp lại thành cuốn sách. Chân dung các đồng nghiệp được tôi “nhìn” bằng cách tìm cái hay của từng người, mà cái hay nhiều lúc cũng đồng nghĩa với cái vui rồi. Tại sao tôi không tìm cái dở của họ để “mình cười”, vì rằng ai trong đời cũng có mặt được, mặt mất? Trong khi tôi là “dân” toán, mà toán học cũng như cuộc đời, làm gì làm cũng phải “đến nghiệm” cuối cùng. Muốn giải một bài toán có nhiều cách, sao ta không tìm cách vui vẻ nhất nhỉ!

 

* Thế còn tập sách Câu đố xưa và nay, một cuốn tiểu luận - sáng tác khá kỳ công của ông?

 

- Đúng là kỳ công thật vì “dân” toán như tôi lại đi nghiên cứu văn chương. Tập sách này có 4 phần: Vài cảm nhận về thể loại câu đố dân gian Việt Nam, Câu đố sáng tác, Câu đố sưu tầm - tuyển chọn, Câu đố xuất xứ từ thơ. Câu đố luôn hấp dẫn người nghiên cứu toán như tôi, bởi sau mỗi câu đố là kết quả, nghiệm của vấn đề. Sau khi in tập sách này vào năm 2004 và tái bản năm 2006, giờ tôi chỉ còn một cuốn để trong nhà, đang tìm cách tái bản. Nhiều bạn bè bảo vui với tôi rằng: “Cuốn sách như một công trình có thể lấy bằng tiến sĩ nghiên cứu văn học”. Nhưng “tiến sĩ” để làm gì nhỉ, tôi viết vì thích chứ có phải vì học vị tiến sĩ đâu. Câu đố xưa và nay có “kế thừa” một phần từ Chân dung nhà văn, ví dụ: “Hết quê nhà, lại quê người/ Chân mình cát bụi, còn cười chân ai/ Phiêu lưu, dế vẫn đi hoài/ Bỏ quên o chuột đợi ngoài đảo hoang” - Là ai ngoài nhà văn Tô Hoài nhỉ?!

 

* Ông vừa dọn về nhà mới khá hoành tráng, làm người “đánh dặm khắp sông Sài Gòn” mà ở nhà như vậy quả là “bự thiệt”?

 

- Tôi giờ gần “thất thập cổ lai hy” rồi, cũng nên có cái vườn thơ cho riêng mình chứ. Tôi đặt tên nhà mới là “Vườn xúc xắc”, tôi dạy môn Xác suất thống kê nên các viên xúc xắc vẫn thường dùng làm học cụ. Biểu tượng của ngôi nhà, tôi lấy ba mặt xúc xắc “nhị, tứ, lục” vì trong niêm luật của thơ Đường quy định: “Nhị, tứ, lục phân minh”. Dọn về nhà mới, tôi có thơ như vầy, đây cũng là bài thơ mà lâu lắm rồi mới sáng tác được: “Anh dọn về đây với cảnh thiền/ Ngồi chơi xúc xắc giữa hoa viên/ Bên tai vẳng tiếng chim kỳ vọng/ Trước mặt nở chùm hoa ngẫu nhiên”. Nói thật, nhà này tôi xây theo kiểu “nhà thơ” chứ không phải “nhà toán”, bởi “nhà toán” không ai lại đi xây nhà trong thời buổi kinh tế khó khăn này đâu.

 

* Xin cảm ơn nhà thơ, Phó Giáo sư!

 

THANH KIỀU (thực hiện) 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek