Thứ Hai, 07/10/2024 00:33 SA
Nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng:
Nghiệp diễn là lẽ sống
Thứ Ba, 02/06/2009 14:05 CH

Cả đời đắm đuối với nghiệp diễn, dường như ông chưa bao giờ bận tâm về chuyện mình không có một ngôi nhà, một người phụ nữ chờ mình về sau mỗi đêm diễn. Nhà của ông là căn phòng tập thể ở số 5 Cao Thắng (quận 3, TP Hồ Chí Minh), nơi có chiếc giường nhỏ mà ngày ngày ông dọn lên đó mâm cơm, bạn bè tới thì ông ngồi đó trò chuyện với bạn. Và đêm đêm, ông mơ những giấc mơ về các vai diễn. Người như con tằm rút ruột nhả tơ đó là nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng, đã tham gia 196 bộ phim và có mặt trong sách Kỷ lục Guiness Việt Nam.

 

Ho-Kieng.jpg

Nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng biểu diễn tại TP Tuy Hòa – Ảnh: D.T.X

 

* Ông đến với nghiệp diễn như thế nào, thưa ông?

 

- Hồi đó, ở ngoài Bắc, tôi thi vô đoàn Kịch nói Nam Bộ, nhưng người ta chê tôi già, lại không đẹp trai. Trước đó, thi vô đoàn Cải lương Nam Bộ, tôi ca rớt nhịp, nên cũng không đậu. Tôi thi vào đoàn chèo Hà Nội, người ta bảo anh có biết chèo là gì đâu mà chèo. Tôi nói vậy để tôi vẽ phông cho, họ nói phông chèo cũng cách điệu dữ lắm, anh không vẽ được đâu.

 

Bị từ chối nhưng tôi nghĩ: ta phải làm diễn viên, nếu làm diễn viên chuyên nghiệp không được thì làm diễn viên nghiệp dư. Sau đó, may mắn là đạo diễn Phạm Văn Khoa đang dựng vở kịch Chết lúc rạng đông của Liên Xô, thiếu vai chánh án tòa án tối cao của Mỹ. Đạo diễn Phạm Văn Khoa biểu: “Mày lên làm thử coi!”. Tôi lên diễn, người ta thấy được nên giao vai đó, diễn trong 44 đêm. Ban ngày tôi vẽ tranh cho phim hoạt hình ở Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam, tối đi diễn. Tôi nói với đạo diễn Phạm Văn Khoa: “Anh hãy giúp tôi trở thành diễn viên, đời tôi chỉ có ước mộng là được làm diễn viên thôi. Không cần ăn lương cũng được”. Ông ấy nói với người làm công tác tổ chức ở hãng phim truyện, họ qua Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam trao đổi và lãnh đạo xưởng phim đồng ý. Tôi cầm tờ quyết định, thấy người ta ghi: “…đồng chí Hồ Kiểng là họa sĩ của Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam chuyển sang làm diễn viên kịch đoàn Điện ảnh Hà Nội”. Tôi cầm ra thảo cầm viên đọc, sung sướng làm sao! Đọc xong, xếp bỏ vô túi, đi một lát lại lật ra đọc. Cả buổi sáng như thế. Lúc đó tôi 29 tuổi.

 

* Vì sao ông lại mê nghề diễn viên đến như vậy?

 

- Từ lúc 14 tuổi, tôi đã thích nghề đó rồi. Không có đoàn hát nào về mà tôi không coi. Mê làm sao đâu! Tôi càng xem, càng thích làm diễn viên quá nhưng gia đình không cho. Gia đình tôi làm ruộng ở Bến Tre, không có ai quan tâm đến cái nghề “xướng ca vô loài”. 22 tuổi, đi bộ đội, thế là tôi được tham gia đóng kịch.

 

* Suốt chặng đường dài hoạt động nghệ thuật, ông đóng phim, hát cải lương, diễn kịch. Với ông, công việc nào khó nhất?

 

- Mỗi lĩnh vực có cái khó của nó. Đóng phim thì phải diễn như thật, không cường điệu. Còn đóng kịch mà như đóng phim cũng không được, phải có phần cường điệu, để những người ngồi xa sân khấu có thể nhìn thấy và cảm nhận được. Hát cải lương thì phải biết ca cho thuần thục, và có tiếng đờn dẫn dắt tâm trạng diễn viên.

 

* Trong các lĩnh vực trên, đâu là nơi ông có thể phát huy sở trường của mình?

 

- Điện ảnh. Vì tôi diễn như thật, nên đóng phim là thích hợp nhất.

 

 

* Ông có tên trong sách Kỷ lục Guiness Việt Nam, là diễn viên đóng nhiều phim nhất. Tuy nhiên, thường được giao vai phụ chứ không phải vai chính, ông có cảm thấy buồn?

 

- Buồn chớ. Nhiều khi tôi biết mình đóng vai đó sẽ rất đạt, nhưng mà đạo diễn lại phân vai khác.

 

* Nếu đạo diễn giao một vai mà ông không thích, ông có từ chối?

 

- Hồi nào tới giờ, người ta giao vai lớn vai nhỏ, kể cả vai chỉ… đi ngang qua sân khấu, tôi cũng không bao giờ từ chối. Nếu đạo diễn giao vai khó quá thì phải tập trung hết sức để đóng cho đạt. Người ta đã “nhắm” mình rồi thì mình phải cố gắng. Nếu vì thấy vai đó khó quá mà từ chối, để cho người khác làm, còn mình nhận vai dễ; hoặc nếu vì thấy thù lao ít mà từ chối vai diễn thì đó là thiếu đạo đức. Nếu nhận mà làm không tốt thì cũng thiếu đạo đức nghề nghiệp.

 

* Ông đã làm thế nào để đóng cho đạt những vai phản diện?

 

- Hồi đó tôi không biết “thằng” ngụy ra sao, vì từ năm 1954, tôi đã tập kết ra Bắc rồi. Nên phải coi phim, phải tìm hiểu. Vai ác cũng có nhiều loại, có nhân vật ác quá sức, như “thằng cha” địa chủ bắt tôi ăn cá sống trong phim Đất phương Nam. Đâu phải địa chủ nào cũng vậy, cho nên mình phải nghiên cứu.

 

* Có một số diễn viên thích đóng vai phản diện, vì những vai đó thường làm cho khán giả nhớ lâu. Còn ông?

 

- Tôi chỉ nghĩ vai nào đóng đạt thì mình thành công. Nếu đóng vai phản diện mà khán giả không ghét thì coi như thất bại. Nếu đóng vai tốt mà người ta hổng ưa, cũng không thành công. Vai dù lớn, xuất hiện từ đầu đến cuối mà đóng không đạt thì cũng không có gì để nói. Vai phụ, chỉ xuất hiện một chút xíu thôi nhưng đóng đạt, là thành công. Vai nào tui cũng nghiên cứu kỹ, dù lớn dù nhỏ.

 

Đóng 196 phim, tôi chưa bao giờ ra giá với đạo diễn. Anh phân vai cho tôi thì tôi đóng. Vai lớn tôi đóng, vai nhỏ cũng đóng, thù lao anh trả bao nhiêu thì trả. Vì mình đi làm nghệ thuật, phục vụ khán giả chứ không phải đi bán nghệ thuật. 

Nghề diễn này tôi mê lắm. Tôi đi làm diễn viên không cần nhà cửa, đất đai, tiền bạc. Tôi nghĩ có nhà thì phải lo cho cái nhà, có đất thì phải lo canh tác, không còn thì giờ để làm nghệ thuật nữa. Được phục vụ ở nơi này nơi kia, được khán giả khen, đó là mục đích cao nhất của tôi trong cuộc đời này. Tôi quan niệm rằng người chiến sĩ có thể bị thương hoặc chết trên chiến trường, thì người diễn viên cũng có thể bị thương hoặc chết trên phim trường, trên sân khấu. Năm 1966, khi tham gia bộ phim Rừng xà nu, tôi bị ngựa đá, té gãy xương sống, phải điều trị trong 8 tháng trời, đưa sang Liên Xô lắp xương giả vô. Bác sĩ  dặn: Anh về Việt Nam, đừng có cúi xuống mà bưng thứ gì nặng trên 20 ký. Điều trị xong, tôi tham gia một vở kịch, đóng thay diễn viên vào vai bác sĩ vì anh này được cử đi học bên Liên Xô. Trong vở đó có cảnh ông bác sĩ phát hiện một cô gái bị Phát xít Đức hại chết, ôm xác cô từ  trong cánh gà đi ra sân khấu. Vở kịch đó diễn 11 đêm, ở rạp Đống Đa, Hà Nội. Hai cô đóng vai này, người thì 44 ký, người 42 ký. Tôi bế họ 11 lần từ cánh gà đi ra sân khấu, may mà không bị làm sao.

 

* Có bao giờ ông hình dung lúc mình phải chia tay với nghiệp diễn, theo quy luật tự nhiên?

 

- Tôi không hình dung ngày đó. Nhưng tôi nghĩ như vầy: Nếu ngày mai tôi chết đi, thì hôm nay tôi vẫn đóng phim, đóng kịch. Năm nay 84 tuổi rồi. Chừng nào chưa lẫn thì tôi vẫn tiếp tục đóng phim. Tôi nghĩ cuộc đời mình mà không được làm nghệ thuật thì chết còn sướng hơn!

 

* Xin cảm ơn và chúc ông luôn mạnh khỏe!

 

LÂM VY (thực hiện)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek