Thứ Hai, 07/10/2024 08:19 SA
Lưu giữ nét xuân
Thứ Bảy, 23/05/2009 18:34 CH

Khi máy ảnh kỹ thuật số xuất hiện ngày càng nhiều trong các gia đình, thì số người đến tiệm chụp ảnh càng ít đi. Tuy nhiên, có một “thể loại” ảnh mà người ta không thể “tự biên tự diễn” với máy kỹ thuật số. Những ai muốn có bức chân dung đẹp vẫn phải đến tiệm và trông cậy vào đôi mắt thẩm mỹ cùng kỹ thuật của người chụp ảnh.

 

Chup-anh-chan-dung-2-090523.jpg

Chụp ảnh chân dung tại một tiệm ảnh ở TP Tuy Hòa - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

ÁNH SÁNG LÀ... THẦY

 

Theo những người có kinh nghiệm trong nghề, để có bức ảnh chân dung đẹp, yêu cầu đầu tiên là người chụp ảnh phải có “con mắt” để “nhìn ra” vẻ đẹp của “người mẫu”. Có gương mặt nhìn trực diện thì đẹp, có gương mặt nhìn nghiêng mới thấy xinh, và nghiêng ở góc độ nào mới là xinh nhất. Chính vì vậy, đừng ngạc nhiên khi bạn đến tiệm chụp chân dung, ông “phó nháy” “đặt” bạn vào ghế, bảo ngồi im, chỉ “dùng” cái cổ để xoay gương mặt sang trái rồi sang phải một cách chậm rãi. Đấy là ông ta đang tìm kiếm vẻ đẹp ở những góc khác nhau và ưu - nhược điểm trên gương mặt bạn. Sau đó, ánh sáng sẽ vào cuộc.

 

“Trong chụp ảnh chân dung, ánh sáng là… thầy” - ông Lê Điềm, chủ tiệm ảnh Trường Sơn trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa) nói một cách bóng bẩy để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “canh” (bố trí) ánh sáng. Theo ông Điềm, người chụp chân dung giỏi là người biết “canh” ánh sáng để tôn các chi tiết đẹp trên gương mặt đồng thời che đi những nhược điểm. Ở tiệm Trường Sơn, bốn bóng đèn giúp ông làm việc này. Hai đèn trước làm đẹp khuôn mặt, hai đèn sau làm đẹp mái tóc. Độ sáng của các bóng đèn được điều chỉnh bằng khoảng cách gần - xa.

 

Cùng với ánh sáng, bố cục, việc tạo dáng cũng quan trọng. “Điều đó đòi hỏi người chụp ảnh phải có óc sáng tạo” - anh Phan Thủy, chủ tiệm ảnh Hưng Đạo trên đường Trần Hưng Đạo nói vậy. Theo người thợ ảnh có 24 năm trong nghề này, không nhất thiết “người mẫu” phải có gương mặt đẹp thì ảnh chân dung mới đẹp, mà họ phải thể hiện được cảm xúc một cách tự nhiên.

 

Chụp ảnh xong thì đến khâu tráng phim. Khi đồng hồ “đặc chủng” để canh giờ và máy móc chưa xuất hiện, việc tráng ảnh chân dung đen trắng đòi hỏi người thợ phải có tay nghề. “Trong phòng tối, tôi dùng nhang soi để biết cách tráng cho phim trong, chi tiết “lên” đầy đủ - ông Điềm kể - Nếu tráng quá dày, bức ảnh nhìn vô không còn mềm mại”. Việc này thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế lại khác, bởi người thợ chỉ có thể soi và coi phim trong tích tắc. Nếu soi lâu hơn thì phim… hỏng. 

 

Tráng phim xong, người thợ dùng bút lông với phẩm đỏ để “tút” phim, sau đó mới rọi ảnh. Việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Có ảnh, người thợ thực hiện công đoạn cuối cùng: tiếp tục chỉnh sửa để che đi những nhược điểm. Giờ, việc chỉnh sửa có photoshop hỗ trợ. Có những phần mềm làm mịn da của “người mẫu” trong ảnh. Tuy nhiên, một số người làm ảnh ở Tuy Hòa vẫn không hoàn toàn “giao” hết cho máy vi tính. “Sau khi chỉnh sửa trên máy, vẫn phải “tút” lại bằng tay. Nếu chỉ chỉnh sửa trên photoshop, gương mặt trong ảnh sẽ láng tưng, bức ảnh không tự nhiên” - chị Thu Liễu, “bà chủ” tiệm ảnh Hưng Đạo nói.

 

NGÀY ĐÓ, BÂY GIỜ...

 

Trước năm 1975, Tuy Hòa nhỏ như bàn tay nhưng có khá nhiều tiệm ảnh. Theo dân trong nghề, hình thành sớm là các tiệm: Tân Việt, Anh Đào, Mỹ Dung, sau đó đến Hưng Đạo, Đông Phương, Bác Ái, Nam Phong, Kim Môn, Hoa Thời Đại, Nhà Ảnh Mới, Trường Sơn, Văn Trung… Nổi tiếng hơn cả là tiệm Hưng Đạo do ông Phan Đồng làm chủ; tất cả thợ giỏi ở Tuy Hòa khi ấy đều tập trung về tiệm này. Ông Phan Đồng truyền nghề cho hai con trai là Phan Đạm và Phan Thủy, mỗi người có một tiệm ảnh riêng (anh Phan Đạm là chủ tiệm Thanh Đạm, anh Phan Thủy là chủ tiệm Hưng Đạo bây giờ), còn ông vào TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) mở Quán ảnh 57, nghe nói rất đông khách. Những người ở tiệm Hưng Đạo tự hào rằng nghệ sĩ hài Phi Thoàn, Mỹ Chi, vợ chồng nghệ sĩ Bảo Thu - Thanh Tâm, ca sĩ Thanh Lan, hoa hậu Lý Thu Thảo đã đến đây và lưu lại hình ảnh của mình.

 

Sau này, một số tiệm lần lượt xuất hiện như Đăng Khoa, Vân Thế Trình, Pha Lê…, mỗi nơi mỗi vẻ. Các tiệm cạnh tranh bằng tay nghề, bằng sự đầu tư cho máy móc thiết bị, trang phục và cả… mặt tiền. Anh Thủy nói: Hồi xưa, chụp chân dung, người ta chỉ chụp gương mặt. Phụ nữ trang điểm sơ sơ, trang phục cũng không cần cầu kỳ. Giờ thì khác, họ muốn trang điểm kỹ, muốn tiệm có nhiều trang phục để họ lựa chọn.

 

Gắn bó với nghề ảnh, đặc biệt là công việc chụp ảnh chân dung, những tay máy kỳ cựu có nhiều niềm vui và cả nỗi buồn. Vui là khi ảnh được “người mẫu” tấm tắc khen đẹp. Và khi đã có con có cháu, ngày nọ họ bỗng đến tiệm, mang theo tấm ảnh thời thanh xuân mà mình chụp để làm lại. Còn buồn là khi có người, do chưa quen nhìn ảnh chân dung sáng - tối tương phản, vừa thấy tấm ảnh của mình đã kêu ầm lên: Trời ơi, sao một bên mặt tui lại nám như vầy? Trường hợp đó, ông Điềm, người có hơn 50 năm cầm máy, đã gặp.

 

Anh Thủy bảo, có một câu nói của bố mẹ mà anh tâm đắc, rằng sắc đẹp sẽ tàn phai theo năm tháng, nhưng bức ảnh đẹp thì tồn tại mãi (tất nhiên là nếu được giữ gìn). Niềm vui của người chụp ảnh chân dung là “nhìn ra” cái đẹp của người khác và lưu giữ trong những bức ảnh.

 

LÂM VY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek