Thứ Hai, 07/10/2024 06:31 SA
Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”
Thứ Ba, 21/04/2009 07:15 SA

Tối 19/4, tại Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức trọng thể lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

 

ngay-hoi-090421.jpg

Một màn biểu diễn tại ngày hội – Ảnh: chinhphu.vn

 

Cách đây 63 năm, ngày 19/4/1946, trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói cùng nhau”. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg lấy ngày 19/4 hằng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Việc tổ chức “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” 19/4 hằng năm là dịp để đồng bào các dân tộc anh em nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng trong tình hình hiện nay, làm cho những giá trị văn hóa tốt đẹp trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước. Thông qua tổ chức “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” còn góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt qua đói nghèo, lạc hậu, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

Sau lễ công bố là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Diên Hồng văn hóa-hệ giá trị Việt Nam, hội tụ, kết tinh và tương lai”. Trong lịch sử nước ta, Hội nghị Diên Hồng được nhà Trần tổ chức khi đất nước đối mặt với họa xâm lăng (thế kỷ XIII) đã trở thành biểu tượng sinh động của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Lễ hội “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” thực chất là một “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa”. Với điểm chỉ đạo xuyên suốt đó, chương trình nghệ thuật đã tái hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng của các dân tộc Việt Nam được xây dựng, vun đắp trên nền móng văn hóa, đạo lý, tình cảm qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước.

 

Chương 1 có chủ đề “Hội xuân đất nước” với những câu hát quen thuộc giới thiệu đặc trưng văn hóa của 54 dân tộc anh em, đại diện các dân tộc quần tụ và sinh sống trên đất nước Việt Nam đã náo nức đoàn tụ bên nhau trong ngày hội lớn của đất nước. Chương 2 có chủ đề “Quê hương sử thi” đã tái hiện hai trích đoạn sử thi đặc sắc nhất là “Đẻ đất, đẻ nước” và “Đam San”. Chương 3 có chủ đề “Giao duyên”, đã khắc họa chân dung đại thi hào Nguyễn Du với đoạn Kiều mô tả tình yêu bằng giọng Ví dặm lắng sâu, tha thiết và thể hiện các hình thức giao duyên như điệu hò Sông Mã, hò Mái Nhì, hò Mái Đẩy, lý Mười thương, lý Con sáo... Chương 4 có chủ đề “Khát vọng- tình yêu và thử thách” đã tái hiện cuộc đấu tranh chống thiên tai địch họa vô cùng khốc liệt của nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử. Hình ảnh các tráng sĩ Tây Nguyên cưỡi voi đi cứu nước, Thạch Sanh giương cung bắn ác điểu, Thánh Gióng nhổ tre đi đánh giặc... như một minh chứng sinh động về tinh thần yêu nước và khí phách quật cường của nhân dân ta. Những điệu múa xòe, múa sạp, múa gậy, hát trống quân và những tiếng trống, tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên giòn giã của các dân tộc anh em cùng với ngọn Hải Đăng bừng sáng, tỏa hào quang lấp lánh ở chương 5 có chủ đề “Việt Nam-Tổ quốc mến yêu”. Một bản hợp xướng với 4 chương mang tên “Cội nguồn- Quật khởi- Đi tới- Diên Hồng” đã vang lên hùng tráng như tiếng khèn thúc giục toàn dân ta bước tiếp con đường ông cha đã chọn, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

 

Chương trình nghệ thuật khép lại và “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” kết thúc bằng màn pháo hoa rực rỡ.          

 

(QĐND)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek