Thứ Sáu, 04/10/2024 00:23 SA
Họa sĩ Đặng Ngọc Trân:
Quê hương thổi ngọn lửa thiêng vào tranh của tôi
Thứ Hai, 26/01/2009 19:00 CH

“Những tranh màu và hình họa của ông Trân quả thật là đẹp vì đã nắm bắt được cái hồn Việt Nam hết sức tinh tế”. Tôi đọc được những dòng chữ này của họa sĩ người Anh, Graham Austin trong một lần xem triển lãm tranh của họa sĩ Đặng Ngọc Trân năm 1992 tại Đà Lạt. Người họa sĩ quê Phú Yên đã 81 tuổi này yêu đến cháy lòng quê hương mình mới nắm được cái hồn Việt Nam tinh tế như thế.

 

tran.jpg
Họa sĩ Đặng Ngọc Trân

 

NẶNG TÌNH VỚI QUÊ HƯƠNG

 

“Nửa thế kỷ làm khách ly hương, những ngày trở về ai không khỏi bùi ngùi xúc động. Chòm cau, bụi chuối, khóm dừa, hàng tre cũ, dòng sông vắng lặng cho cảm giác như không hề thay đổi”. Tôi đọc được những dòng chữ này trong tập tranh bút bi, mảng về Phú Yên mà ông đã xuất bản năm 2004.

 

Trong ấy có 18 bức tranh ông dành tặng cho quê hương. Đấy là những làng biển với những mái nhà tranh núp bóng dưới rừng dừa trong bức Xóm dừa, là hình ảnh em bé đang cho gà ăn bên giếng nước, đụn rơm vàng trước sân nhà trong bức Cảnh quê, là quán cóc liêu xiêu bên gốc vông già trong bức Quán cây vông, hay đơn giản chỉ là một chòm sung trên con đường làng ông về thăm quê vợ ở Đồng Xuân. Cây cau, bụi chuối, rặng dừa, đụn rơm, mái nhà tranh là những hình ảnh quen thuộc trong tranh của họa sĩ Đặng Ngọc Trân. Đã 81 tuổi nhưng khi lật đến mảng tranh về quê nhà ông cứ huyên thuyên như sợ những kỷ niệm vụt bay. Ông bảo rằng chỉ vẽ được những gì mình thấy trước mắt, chỉ có hình ảnh ở quê nhà thì ông có thể vẽ bằng ký ức. Có phải vì thế chăng mà họa sĩ Vi Quốc Hiệp ở Đà Lạt (Lâm Đồng) khi xem đến mảng tranh quê nhà của ông đã không giấu được cảm xúc: “Mảng quê hương ông vẽ rất khoáng đạt và có chiều sâu. Vẽ bút bi thôi nhưng bức nào cũng có dấu ấn trong đó. Tôi nghĩ là con người mà đã nặng tình cảm với quê hương thì nó sẽ đi vào ấn tượng, vào tâm hồn sâu thẳm của mình, và khi đặt bút vẽ, điều đó sẽ thể hiện ngay”.

 

Xa làng quê nhỏ Lệ Uyên, xã An Dân (huyện Tuy An) vào Sài Gòn học mỹ thuật từ năm 1954, rồi vào tận đồng bằng sông Cửu Long dạy hội họa, sau đó lại ngược về Đà Lạt để tiếp tục dạy hội họa, viết sách nghiên cứu phê bình mỹ thuật, vẽ tranh song họa sĩ Đặng Ngọc Trân nói chưa lúc nào quên dòng sông Ngân Sơn ngày trước. Ngày ấy, dòng sông trong lắm, đứng trên bờ nhìn thấy cả những hạt sạn nhỏ dưới đáy. Ông tặc lưỡi: “Nói tới là muốn tắm”.

 

Gặp ông trong căn nhà nhỏ số 36B trên con phố nửa thị nửa quê Nguyễn Công Trứ-Đà Lạt trong một ngày cuối năm, nhắc đến Tết quê, ông lại nhìn xa xăm. Tôi lại nhớ đến những dòng cảm tạ của ông trong tập tranh bút bi: “Quả thật lời ru của Mẹ Việt Nam, của quê hương đất nước đã thổi ngọn lửa thiêng vào tâm hồn thơ bay bổng, vào những bức tranh của con. Muôn vàn cảm ơn Mẹ”.

 

TÌM CÁI ĐẸP TƯỞNG CHỪNG LÃNG QUÊN

 

Trò chuyện, họa sĩ Đặng Ngọc Trân luôn bảo: Ông là người trung thành với trường phái hiện thực. Điều đó thể hiện rõ từ những bức tranh đầu tiên ông vẽ năm 1957 cho đến nay. Đó là mảng tranh về các loài hoa của ông, mảng hình họa mà như ông bảo “người họa sĩ đi giữa cánh đồng, trong toa xe cũng có bao điều để ghi chép”. Đó là bức hình họa Xảy gạo mà ông “tháp tùng” con gái trong một lần đi thực tập, hay đơn giản chỉ một lần dạo phố đầu xuân và có Lá non. Song gần đây ông lại có những bức tranh mà cả người trong nghề cũng dễ lầm tưởng là theo trường phái… trừu tượng. Ông kể rằng trong lần triển lãm tranh ở Bình Dương, ông tham gia bức tranh sơn dầu Lung linh dáng ngọc. Một thành viên trong hội đồng thẩm định sau khi xem bức tranh đã khen trước mặt ông: “Bức trừu tượng này được lắm”. Ông chỉ tủm tỉm cười. Thật ra thì đây là bức tranh ông đã vẽ về một viên đá với các đường vân khá đẹp của một người bạn vừa nhặt từ suối lên. Ông chân thực nét vẽ trong từng đường vân của viên đá, nhưng không ngờ người xem lại nhìn nhận là theo trường phái trừu tượng!

 

Một bức tranh khác mà ông mới hoàn thành gần đây là bức Nghinh Phong mà cũng không ít người đến xem và trầm trồ “bức trừu tượng đẹp”. Bức tranh được ông vẽ trong một chuyến đi thực tế ở bãi Nghinh Phong- Vũng Tàu. Chỉ đơn giản là một bao nilon ai đấy vứt ở mé nước, nhưng khi ánh nắng buổi sớm chiếu vào, qua cái nhìn của người họa sĩ nó ánh lên nét đẹp lạ thường. Thế nhưng khi những ánh chiếu từ bao nilon ấy đi vào tranh của ông lại có dáng dấp của một thiếu nữ tóc dài ngước mặt đón gió, bức tranh lại có tên “Nghinh phong” nên nhiều người đã nghĩ là theo trường phái trừu tượng. Còn ông lại bảo: “Tôi chỉ muốn giữ lại những nét đẹp có thể bị lãng quên, dù là nhỏ nhất”. Ông gọi đấy là phong cách “hiện thực mới”. Hiện thực không chỉ vẽ lại những gì đã thấy mà chắt lọc những nét độc đáo nhất, tinh túy nhất cái đã thấy. Có yêu lắm quê hương mới biết trân trọng những giá trị nhỏ bé ấy. “Những ban tặng tiềm tàng có thể bị chôn vùi vĩnh viễn. Điều mong ước bé nhỏ của tôi là được mọi người biết đến và đánh giá một cách đúng đắn các giá trị của chúng. Tôi hết sức khâm phục hoạ sĩ Đặng Ngọc Trân”- Mm. Libert, họa sĩ người Australia đã nói về những bức họa theo phong cách mới của ông.

 

 HỒNG ÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek