Thứ Sáu, 04/10/2024 04:33 SA
Vi Quốc Hiệp - Người vẽ hồn Đà Lạt
Thứ Năm, 15/01/2009 18:25 CH

Làm thơ, viết nhạc, nhưng hội họa chính là con đường đưa Vi Quốc Hiệp đến thành công và nhận được sự ái mộ đặc biệt của công chúng. Họa sĩ này đã hơn 30 năm gắn bó và yêu Đà Lạt như một người tình.

 

Vi-Quoc-Hiep090115.jpg

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp

 

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp sinh năm 1948, là người dân tộc Tày ở tỉnh Lạng Sơn. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, anh tình nguyện đến với đồng bào các dân tộc miền núi ở Hà Giang. Những tác phẩm hội họa bấy giờ của anh ghi đậm dấu ấn về những miền đất xa xôi với các phong tục tập quán và vẻ đẹp của thiếu nữ hồn hậu miền sơn cước. Năm 1978, anh được Bộ Văn hóa điều vào công tác tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Với sự say mê, háo hức đối với vùng đất cao nguyên quanh năm hoa nở, anh đã lang thang đi khắp các con đường quanh co, cao thấp để rồi bắt gặp rất nhiều ngôi biệt thự  rêu phong phủ kín. Những ngôi nhà cổ ấy ẩn mình trong rừng thông, trong sương lạnh, trên đồi xa hay lọt thỏm giữa một góc phố quen nào. Mỗi ngôi biệt thự cổ với kiến trúc khác nhau đều mang đến cho Vi Quốc Hiệp những ấn tượng mạnh, một sự “phải lòng”, và rồi trở thành dòng cảm xúc giúp anh thăng hoa.

 

Từ đó anh quyết định chọn Đà Lạt làm quê hương thứ hai của mình, đồng thời lao vào sáng tác không ngơi nghỉ để cố gắng giữ lại những nét đẹp, tinh túy của biệt thự cổ Đà Lạt. Để rồi, cứ mỗi một dịp kỷ niệm ngày sinh của thành phố sương mù, anh lại mang tranh của mình ra triển lãm, như một sự thể hiện tình yêu, niềm đam mê và những trở trăn đối với mảnh đất quê hương thứ hai. Tranh của Vi Quốc Hiệp giàu tính hiện thực và gợi vẻ u hoài về một thời quá vãng qua sử dụng kỹ thuật sơn dầu, bột màu và acrylic. Lao động không mệt mỏi và đầy trách nhiệm, Vi Quốc Hiệp đưa phong cảnh những đồi núi nhấp nhô của Đà Lạt với sự đổi thay của bốn mùa vào trong tranh. Những bức tranh mang đậm dấu ấn riêng của Đà Lạt.

 

Mảng tranh Huyền thoại thông xanh bằng chất liệu tổng hợp đắp nổi chính là lời ca ngợi và nuối tiếc một thời cao nguyên trong lành, tinh khiết để cho các thiếu nữ hồn nhiên tắm mát giữa thác rừng. Còn Người hóa thân Đà Lạt, một trong những tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc nhất, đã khắc họa chân dung bác sĩ Alexandre Yersin, người đầu tiên đặt nền móng cho việc chọn điểm dừng trên cao nguyên Langbian, tiền thân của thành phố Đà Lạt bây giờ. Đặc biệt, trong các bức tranh, những ngôi biệt thự cổ u hoài ẩn mình trong sương sớm, trong cỏ hoa trở nên lung linh, huyền ảo đã mang đến cho người xem sự hoài cảm về một nét đẹp thông qua những kiến trúc cổ xưa, rất riêng của vùng đất cao nguyên mà người Pháp gọi là một “Paris thu nhỏ”. Và sống động hơn bao giờ hết là những bức tranh thiếu nữ Việt Nam dịu dàng, thướt tha trong những chiếc áo dài, thể hiện được thần thái và cái hồn riêng, cho dù bức tranh ấy vẽ một hoa hậu hay những cô gái bình thường.

 

Chỉ tính từ năm 1990 đến nay, Vi Quốc Hiệp đã tổ chức thành công 15 triển lãm cá nhân và tham gia nhiều triển lãm chung khác. Tranh của anh nhận được nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, được lưu giữ trong các bảo tàng mỹ thuật trên cả nước và trong các bộ sưu tập cá nhân ở Anh, Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Vừa qua, kỷ niệm 115 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, anh đã tổ chức cuộc triển lãm tranh với tên gọi Ấn tượng biệt thự cổ Đà Lạt như một lời tri ân gửi đến thành phố thông reo này.

 

TUYẾT DÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek