Thứ Sáu, 04/10/2024 04:25 SA
Cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ
Độc đáo một cuộc đời thi sĩ
Thứ Tư, 14/01/2009 19:15 CH

Nếu như mỗi thi sĩ đích thực là một độc đáo được sinh ra để thể hiện hết những ưu tư về định mệnh của mình, thì Lưu Quang Vũ chính là hiện thân của sự độc đáo đó. Ngay từ thuở anh mới lên năm, lên sáu, thân phụ của anh, nhà thơ Lưu Quang Thuận, đã sớm phát hiện ra tâm hồn đa cảm, tài hoa nơi đứa con trai đầu lòng. Và ông “đã tin chắc rằng sau này lớn lên con trai của mình sẽ trở thành thi sĩ”. Dự báo này đã được khẳng định khi thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và một số tờ báo khác, tiếp theo là ra mắt tập thơ Hương cây - Bếp lửa (in chung với Bằng Việt năm 1968).

 

 

Luu-Quang090114.jpg

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và vợ, nhà thơ Xuân Quỳnh

 

Nếu Lưu Quang Vũ cứ mãi êm ái theo cái nhịp điệu mắt sáng với môi hồng “Võng nào êm bằng võng ru ngày ấy/ Trang giấy nào thơm bằng giấy đến trường” (Tuổi thơ - 1963), cho đến Gửi tới các anh (1965), Lá bưởi lá chanh (1965) và trong trẻo, tin yêu, ngân vang, hoài vọng “Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh.../ Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về” (Vườn trong phố - 1967), thì những bài viết và lời ngợi khen của Hoài Thanh, của Chế Lan Viên là đỉnh điểm dành cho thơ Lưu Quang Vũ chăng? Và anh, con người chon von chót vót niềm cô đơn đến tột cùng ấy “Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ” (Mấy đoạn thơ - 1971) đã làm nên cái ốc đảo của riêng mình “Tôi viết những bài thơ chống lại chính tôi/ Chống lại bóng đen trì trệ của đời.../ Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả” (Nói với mình và các bạn - 1970). Sự xáo động nội tại, sự dằn vặt, quẫy cựa và nỗi cô đơn…, tất cả là thi liệu trong thế giới thơ Lưu Quang Vũ, bao lần cháy lên thành lửa trong thơ anh. Một thứ lửa mang ý niệm đột biến của sự sống, của vĩnh hằng “Sự sống là lửa/ Thiêu hủy và sinh nở/ Bình minh là lửa/ Mở ngày mới và xé toang ngày cũ/ Cho ta làm ngọn lửa” (Mấy đoạn thơ về lửa - 1971).

 

Hơn hai mươi năm kể từ ngày thi sĩ Lưu Quang Vũ qua đời (29/8/1988), tưởng nhớ anh là tưởng nhớ đến cái ngọn lửa hiếm hoi ấy mà ngưỡng vọng, mà nghe từ sâu lắng “Những chân xưa chờ lúc vắng trở về” (Giấc mộng đêm). Không chỉ trên thi đàn, tên tuổi Lưu Quang Vũ càng lấp lánh ở lĩnh vực nghệ thuật sân khấu. Anh là tác giả hàng đầu trên khắp các sân khấu trong Nam ngoài Bắc lúc bấy giờ. Những năm gần cuối cuộc đời, tài năng Lưu Quang Vũ phát lộ rực rỡ nhất. Nơi đâu người ta cũng nói đến kịch Lưu Quang Vũ. Các vở diễn: Ông không phải là bố tôi, Hồn Trương Ba da hàng thịt... đã được công diễn nhiều nơi, có sân khấu chỉ diễn mỗi vở kịch của anh trong suốt nhiều ngày đêm mà khán giả vẫn đến đầy ắp trong nhà hát. Đúng vào thời điểm tên tuổi Lưu Quang Vũ đẹp lung linh trong tình yêu của hàng triệu trái tim khán giả thì anh đột ngột qua đời. Nhưng, nói như nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn và tất cả những ai yêu mến anh: Lưu Quang Vũ sống mãi tuổi bốn mươi! Một sự sống miên viễn và lấp lánh những huyền thoại, mà “thuốc trường sinh” là tất cả những giá trị lao động nghệ thuật anh đã vắt ra từ tim óc lưu lại cho đời.

 

Được sinh ra trong chiếc nôi nghệ thuật, bố là một nhà thơ và là nhà viết kịch, chú ruột cũng là nhà thơ (Lưu Trùng Dương), từ tuổi hoa niên sách vở đến trường, Lưu Quang Vũ đã là học sinh giỏi văn, đoạt các giải thưởng văn và họa của thành phố Hà Nội. Máu huyết thi sĩ tuần hoàn trong một cơ thể mà từ thuở còn nằm nôi đã được ru bằng thơ, lớn lên được hít thở trong một bầu không khí tràn trề chất men nghệ thuật, một con người như thế số phận đã gọi tên từ buổi sơ sinh rồi! Đấy là chưa nói đến những tình yêu, những hạnh phúc và dang dở, những đắm say và thất vọng đến vỡ tan, những bi kịch và bất trắc... Tất cả mọi gập ghềnh và truân chuyên ấy đã vẽ nên một biểu đồ thời gian trong toàn bộ cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Lưu Quang Vũ.

 

Xuân Quỳnh là bến bờ neo đậu cuối cùng của Lưu Quang Vũ. Qua những lỡ làng truân chuyên, hai số phận đến hồi tìm kiếm được nhau. Có một tiên cảm nào không, hay đấy chỉ là một nguyện ước mà Xuân Quỳnh viết: “Chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông dường nào/ Chỉ có biển mới biết, thuyền đi đâu về đâu”. Và cho dù đã là một nhà thơ khá nổi tiếng, Xuân Quỳnh luôn “phận nhỏ” trước chồng, đúng hơn là trước sự nghiệp của chồng: “Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối/ Một chút mặn giữa đại dương vời vợi”. Và, còn hơn thế nữa “Biết yêu anh cả khi chết đi rồi”. Nhưng đôi chân thịt xương đi trên mặt đất gập ghềnh này, Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đã không bước qua khỏi ngưỡng cửa của định mệnh. Anh chị lại tiếp tục đi bên nhau, vĩnh viễn bên nhau một tình yêu bất tử như bài thơ Lưu Quang Vũ đã viết, sẽ khó mà giải thích đấy là huyền nhiệm hay là một linh cảm: “Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay.../ Đã đi qua cùng tận của con đường/ Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên/ Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt”.

 

Lớp chúng tôi chưa một lần hạnh ngộ với thi sĩ. Chuyện đời và thơ anh tất cả là huyền thoại. Cuộc đời và tâm hồn Lưu Quang Vũ thế nào thì thơ thi sĩ thế ấy “Lòng như vầng trăng nhọn, chém giữa trời khôn nguôi”. Đẹp đẽ, tận hiến cho nghệ thuật, và anh đã bước lên đỉnh cao chon von ấy, gởi vào trời xanh vô tận những vang hưởng tiếng nói của một trái tim đắm say đến cuối cuộc đời!

 

NGUYỄN NHÃ TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek