Thứ Sáu, 04/10/2024 08:26 SA
Kịch “Tả quân Lê Văn Duyệt”:
Một lối đi khó
Thứ Bảy, 10/01/2009 14:20 CH

Nhìn lại sân khấu phía Nam, tính chất của các vở diễn được chuyển dần và sau đó gần như chuyển hẳn qua các tác phẩm trữ tình, hình sự, phê phán, sinh hoạt và hài hước...Có ý kiến cho rằng đa phần người xem đã đánh mất thói quen xem kịch lịch sử! Cho nên việc Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để dựng Tả quân Lê Văn Duyệt  (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) vào cuối năm 2008 vừa rồi là một sự dũng cảm và phiêu lưu, rất cần được phân tích, chia sẻ.

 

LVD090110.jpg

Quyền Linh và Trịnh Kim Chi vào vai vợ chồng Tả quân Lê Văn Duyệt.

 

MỘT LỐI ĐI KHÓ

 

Nhiều người cho rằng vở này có tiết tấu chậm, và câu chuyện lại diễn ra theo tuyến tính, nên xem khá mệt mỏi. Có thể do hai nguyên nhân: Thứ nhất, phải công nhận rằng đề tài về Ngài Tả quân rất khó, xưa này các câu chuyện lan truyền trong dân gian thì nhiều, nhưng các tác phẩm nghệ thuật thì rất ít. Ngài Tả quân trong tâm tưởng người dân Nam bộ, trong lịch sử và trong hình dung của những tác giả nghệ thuật (vốn có tính hư cấu) thể nào cũng khác nhau. Thứ hai, cốt cách, con người và giọng nói của Ngài như thế nào cũng là một thách thức rất lớn với đạo diễn, diễn viên. Sử sách ghi về Ngài chỉ ở mức công trạng, tài năng, những ứng xử quan trường, những hoạt động xã hội không mệt mỏi, còn cá tính và thói quen sinh hoạt thì rất ít, thậm chí trong một vài trường hợp chỉ mang tính giả định.

 

Cho nên, giữa bối cảnh khán giả đã quen “gu” với các vở kịch châm biếm, sinh hoạt, giải trí…, các vở kịch lịch sử (vốn là thế mạnh của sân khấu ngày trước) dần chìm vào quên lãng, thì việc IDECAF dựng lại Bí mật vườn Lệ Chi (tác giả Hoàng Hữa Đản, đạo diễn NSƯT Thành Lộc), Nhà hát kịch dựng Tả quân Lê Văn Duyệt lúc này là một sự thể nghiệm đáng quý. Không khô và không khó xem thì không phải là kịch lịch sử - đây gần như là quy tắc phổ biến ở nhiều nước có sân khấu truyền thống. Đó là chưa nói, dù kịch bản này thuộc đề tài lịch sử, nhưng lại khá mới, gần như lần đầu tiên được đưa lên sân khấu kịch. Hơn 60 diễn viên, rồi đạo diễn, âm thanh, ánh sáng, biên đạo, hóa trang, hậu đài… dù tập luyện cỡ nào đi nữa thì trong mấy đêm diễn đầu tiên, thật khó để mà đạt hiệu quả như ý muốn. NSND Thế Anh (vai vua Minh Mạng) có thể chưa nói được giọng Huế; Quyền Linh (vai Lê Văn Duyệt) có thể chưa nhấn nhá đủ ngữ điệu để tạo cá tính sắc bén, linh hoạt; chất Huế của vở diễn chưa nhiều… nhưng tất cả đó chỉ là thứ yếu, phần mạnh của vở diễn ở chỗ khác.

 

TÍNH ƯỚC LỆ CỦA VAI DIỄN

 

Thế mạnh đầu tiên là ở các biến tấu mang tính ước lệ, khá đa dạng và hiệu quả. Phải nói ngay rằng đạo diễn đã mất rất nhiều công sức cho lớp khai từ và các lớp khác như: dân kêu oan, chèo thuyền, đám tang Lê Văn Duyệt, đặc biệt là lớp chém đầu Huỳnh Công Lý. Trong tiếng cổ cầm dìu dặt, ai oán và dàn trải (âm nhạc của Đức Trí), cái chết của Huỳnh Công Lý như tạm kết lại một chuỗi ngày đen tối của người dân thành Gia Định. Bảo Trí đã thể hiện xuất thần vai Huỳnh Công Lý, làm cho tính cách hách dịch, tham ô và tàn bạo hiện nguyên hình. Đây là vai tiêu biểu cho thế lực phản diện trong kịch bản này, và cũng là vai phản diện lớn của diễn viên hài Bảo Trí. Bên cạnh đó là sự nhấn nhá tài tình của các nịnh thần do Anh Tuấn, Mai Dũng… thể hiện, tất cả cùng giúp nâng các động tác thành tính ước lệ, một vài cử chỉ cũng có thể thay thế cho một vài câu chuyện thật ngoài đời.

 

Sự ước lệ về hình tượng Ngài Tả quân được Quyền Linh thể hiện qua dây chuỗi hột đeo cổ, cái khăn hồng, chút son môi, giọng nói có vài âm cao lảnh lót… Thủ pháp này đã giúp giản lược được rất nhiều tình tiết, chi tiết và cả tính cách ngoài đời thật, làm cho vở diễn gọn gàng, đứng ra ngoài các câu chuyện mà lâu nay chúng ta đã mường tượng. Đạo diễn đã đặt ra được vấn đề khác, cách nghĩ khác về mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Khai quốc công thần Lê Văn Duyệt với vua Minh Mạng.

 

Có vài ý kiến cũng phê phán về tuổi tác trong vở diễn, nói vua Minh Mạng ngoài đời nhỏ tuổi hơn Ngài Tả quân, sao ở đây thì gần gấp đôi. Câu hỏi này sẽ rất hợp lý với phim truyền hình, với kịch sinh hoạt, ở đó cần tính “chân thực” về hoàn cảnh… còn với sân khấu chính tông thì ít ai hỏi như vậy. Trong một vở opera, nhạc kịch, kinh kịch, noh, tuồng, chèo, cải lương…, việc một nam nữ nghệ sĩ sáu bảy mươi tuổi vào vai một thanh thiếu niên là chuyện bình thường. Điều quan trọng nhất của kịch lịch sử và các thể loại vừa kể trên là ở trình độ diễn xuất, nghĩa là người xem đến thưởng thức nghệ thuật biểu diễn chứ không phải để xem nội dung vở diễn, vì đó là tuồng tích, ai cũng biết rồi. Các tính cách, hành động trong kịch lịch sử đều luôn có tính ước lệ cao.

 

Một thế mạnh khác là ở âm nhạc. Đức Trí đã rất tài tình trong nhiều lớp diễn, giúp cho tính ước lệ được tăng hiệu quả về cảm giác; giúp nhiều lớp múa, lớp hành động tương khớp, không bị lọt ra ngoài dòng chính của vở diễn.

 

VĂN BẢY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek