Thứ Sáu, 04/10/2024 08:24 SA
Nhà hán học Nguyễn Tôn Nhan
Đạo gia giữa đời thường
Thứ Bảy, 10/01/2009 18:20 CH

Nguyễn Tôn Nhan sinh năm Đinh Hợi (1947), hiện sống ở Sài Gòn, là một thi sĩ mê chữ. Ông là tác giả của khoảng 50 đầu sách chuyên về Hán học, có thể kể những cuốn tiêu biểu như: Từ điển thành ngữ điển tích Trung Quốc, Từ điển văn học cổ điển Trung Quốc, Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng, Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nho giáo Trung Quốc... Ngoài ra, những bộ sách do ông dịch và chú giải cũng rất đáng kể như: Nam hoa kinh, Xung hư chân kinh, Hoài Nam tử... Nhưng bài viết này không nói về những cuốn sách đó, mà là câu chuyện nhỏ về tâm thế của một nhà Hán học.

 

Nguyen-Ton-Nhan-090110.jpg

Nhà Hán học Nguyễn Tôn Nhan - Ảnh: H.HÒA

 

HỌC CHỮ DO...TRỐN LÍNH

 

Nguyễn Tôn Nhan trước sau vẫn nhận mình mê nhất ở đời là thi phú, và nếu viết sách, dịch, chú giải… mà được làm về chuyện thi phú nữa thì còn gì hạnh phúc bằng. Trước năm 1975, ông đã từng dịch và chú giải khoảng 200 bài thơ Đường, nhưng bản thảo bị thất lạc do hoàn cảnh khách quan. Nhiều bài thơ của ông viết cũng bị mất hoặc thất lạc, phần mà ông còn giữ lại cũng không nhiều.

 

Ông kể rằng khi vừa hết tuổi 17 (1964), bị động viên đi lính, nhưng do ngán ngẩm việc cầm súng phi nghĩa nên ông trốn lính. “Thời bấy giờ người ta gọi những trường hợp như tôi là “không hợp lệ tình trạng quân dịch” - Nguyễn Tôn Nhan cho biết. Chính vì thế ông phải liên tục trốn, luôn ngồi ở trong nhà, trong buồng, dưới hầm… Chán quá, ông chọn giải pháp học chữ Hán, đọc sách. Hỏi tại sao ông không học tiếng Anh, thời bấy giờ thịnh tiếng Anh, vì người Mỹ ở miền Nam khá nhiều. Ông Nhan trả lời: “Vì chữ Hán phù hợp với chuyện tự học, và trong tiếng Việt thì từ gốc Hán quá nhiều, nên việc học có nhiều thuận tiện hơn”. Để chứng minh cho sự thuận lợi này, Nguyễn Tôn Nhan kể rằng sau khoảng 6 tháng là ông đã có thể đọc được tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa bằng văn bạch thoại. Ông nói thêm: “Bố tôi thuộc dòng dõi Nho học, gốc ở Cao Xá, Cẩm Giang, Hải Dương; ông nội tôi đi thi kỳ Hương cuối cùng ở phía Bắc năm 1906. Một hôm thấy bố tôi viết chữ “kỳ”, tôi nghĩ ông đã viết sai, nên bắt đầu lôi sách ra học”.

 

Tuy nói học 6 tháng là đọc và có thể dịch được sách phổ thông, nhưng Nguyễn Tôn Nhan không chọn việc dịch làm lẽ sống, để xướng danh, mà lấy việc đọc làm hứng thú. Bằng chứng là từ năm 1964 đến 1987, ngoài những bài thơ Đường dịch theo đam mê, ông chẳng dịch hay viết một cuốn sách nào. Dù phải bon chen làm rất nhiều việc lặt vặt để phụ vợ nuôi con, đong gạo… nhưng ông cũng chưa viết sách. Ông vẫn tìm mọi cách đọc thêm sách và chờ. Nguyễn Tôn Nhan nói: “Biết được chuyện của mình, biết được thời của mình, theo tôi, cũng là một nét của tinh thần đạo gia. Tôi biết, nhiều khi mình muốn nhanh cũng không được, mà đời có muốn mình chậm, nhiều khi cũng không xong”. Nguyễn Tôn Nhan khoe rằng may đôi tay vẫn còn sức, nên cứ mỗi ngày viết vài trang, cuốn sách 2.000 trang thì viết 2-3 năm cũng xong. “Tôi cũng biết dùng email, lên internet để tìm tài liệu, nhưng với các bản thảo, viết tay vẫn nhanh hơn. Đó là chưa nói, mình viết tay thì người đánh máy cho mình cũng có thêm chút tiền đong gạo. Sức người có hạn, tự mình đâu thể làm hết mọi chuyện” - ông Nhan nói.

 

VIẾT CHỮ DO TRỐN ĐÓI

 

Tôi hỏi: Ông viết sách khi nào? Ông cười: “Năm 1988. In cuốn đầu tiên năm 1989. Nhưng tôi chỉ nhớ tên cuốn thứ hai đã dịch và chú giải là Xung hư chân kinh của Liệt Tử, bản dịch đầy đủ nhất từ trước tới giờ”. Hỏi: Tại sao mãi đến năm 1988 ông mới viết sách? Ông cũng cười: “Đói quá! Thương tụi nhỏ thiếu cơm ăn, không có tiền đi học. Với lại, lúc ấy cũng bắt đầu xuất hiện những nhà làm sách tư nhân, tôi thích sự cởi mở và khả năng đầu tư của họ. Có những bộ sách như Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng, Nho giáo Trung Quốc… tôi làm mất 4-5 năm, mỗi tháng phải lên nhà đầu tư lấy 4-5 triệu để chi tiêu, các nhà xuất bản thì đâu có chịu chi trả kiểu này”.

 

Hỏi: Ông thích cuốn sách nào của mình nhất? Suy nghĩ một chút, ông lại cười: “Cuốn sách tôi thích nhất còn chưa ra đời. Trong các sách đã viết, tôi tạm hài lòng với bộ Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc, cả ở nội dung và cách trình bày. Bộ thích hơn tôi đang làm, bộ tương đối thích sắp làm và bộ thích nhất thì chưa làm. Vì mình thích là một chuyện, mà người đọc và các nhà đầu tư có thích hay không, có chịu đầu tư hay không, thì lại là một chuyện khác”. 

 

Có lần, trong một bài phỏng vấn, Nguyễn Tôn Nhan tâm sự rằng: “Nếu thang điểm là 10, tôi tự chấm cho các công việc của mình điểm 5, để khỏi phải thi lại, biết làm sao được. Tuy nhiên, cũng thẳng thắn mà nói rằng, có những bộ sách như Hoài Nam tử, chắc trong vòng 50 năm nữa cũng không có ai dịch toàn văn bộ sách này ra tiếng Việt một lần nữa. Vì người dịch không phải muốn làm là được, mà còn cần rất nhiều yếu tố tác động ở bên ngoài, ví dụ như những nhà đầu tư. Chính thế, tôi hy vọng những người làm sách bán hết 1.000 cuốn đầu tiên, để trong những lần tái bản, tôi sẽ sửa chữa bài vở kiếm thêm 1-2 điểm nữa. Còn công việc trong 3 năm tới của tôi là làm bộ Đại từ điển thơ Đường khoảng 3.000 trang A4 với 2.000 bài thơ, trong đó có 1.000 bài thơ mới được dịch. Làm việc này là để trả ơn nàng thơ, không có nàng thì tôi đâu mê thơ, mê chữ và mê làm sách như ngày hôm nay”.

 

20 năm kể từ quyển sách đầu tiên ra đời, Nguyễn Tôn Nhan vẫn vui sống, bất chấp cuộc đời mình có lúc rơi vào chuyện thị phi, thành bại, bất chấp chuyện bệnh tật, tuổi tác. Ông cười tươi và nói trước khi leo lên xe máy chạy về nhà: “Tôi thích nhất là ngồi đọc sách, làm thơ. Còn chuyện viết sách, dịch sách là để kiếm cơm, nếu một ngày không còn đủ sức để ăn cơm nữa, thì thôi, không viết sách, dịch sách nữa”.

 

 HIỀN HÒA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek