Thứ Sáu, 04/10/2024 14:29 CH
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong
Đồng hành với những mảnh đời bất hạnh
Thứ Ba, 30/12/2008 19:01 CH

TTP-081230.gif

NSNA Trần Thế Phong

NSNA Trần Thế Phong vừa đoạt huy chương bạc FIAP (Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế) trong cuộc thi Ảnh quốc tế lần thứ nhất do CLB Nhiếp ảnh Gia Định tổ chức. Trong cuộc thi này, với hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, tác phẩm Đồng hành của Trần Thế Phong chỉ đứng sau tác phẩm Cứu! (huy chương vàng) của Phạm Dực ở thể loại ảnh màu. Lễ trao giải dự kiến vào mùng 7 Tết Kỷ Sửu.

 

Đồng hành được Trần Thế Phong chụp nhân vật Nguyễn Đức (trong cặp song sinh Việt Đức) trong cuộc đi bộ vì nạn nhân chất độc da cam và vì người nghèo vào ngày 10/8/2008 tại Công viên 30 Tháng 4 (TP Hồ Chí Minh). Trước khi được trao huy chương bạc FIAP, tác phẩm này đã nhận giải Đặc biệt về đề tài TP Hồ Chí Minh, huy chương đồng của Liên hoan Ảnh nghệ thuật TP Hồ Chí Minh 2008 và cúp bạc VAPA của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam 2008.

 

XUẤT THÂN TỪ TRẺ BỤI ĐỜI

 

Thuở nhỏ, Trần Thế Phong tìm kiếm tương lai bằng các nghề đánh giày, bán vé số, kem, khoai lang, đậu phộng… khắp các vỉa hè Sài Gòn. Mãi đến năm 1998, anh lại tiếp tục bị “đẩy” ra đường phố, chốn lao xao bụi bặm, nhưng lần này đã có chiếc máy ảnh làm bạn đường. Và từ đó Thế Phong “vươn vai” thành nghệ sĩ nhiếp ảnh, chỉ khoảng 7 năm cầm máy anh đã nhận hơn 50 giải thưởng trong nước và quốc tế.

 

Trần Thế Phong sinh năm 1969 tại quận 4, Sài Gòn, trong một khu ổ chuột. Năm lên 3 tuổi, cha mẹ anh ly dị, Phong ở với người cô. Người cô cũng nghèo như bao người dân lao động khác nên chỉ mới 6 tuổi đầu, Phong đã phải “bươn chải” bằng các nghề đầu đường xó chợ. Tuy vậy, anh đã cố gắng học hết cấp 2. Qua thời niên thiếu, các nghề bán vé số, khoai lang, đánh giày không còn thích hợp với cậu trai “choai choai” Thế Phong nữa, vậy là chuyển nghề. Phong đã đi bán vé xem phim, bóng đá… kiểu chợ đen, rồi đi làm công nhân mùa vụ cho các cơ sở sản xuất nhỏ. Làm “bá nghệ, bá tri” nhưng cuối cùng vẫn “vị chi bá láp”, Thế Phong vẫn cơm vỉa hè, ngủ ké hiên nhà người.

 

Đến năm 18 tuổi, Phong suy nghĩ rất “dữ” về con đường sống phía trước. Anh từng có ý định nhập bọn với các tay anh chị giang hồ khét tiếng ở quận 4 để tìm “lối rẽ” cuộc đời. Vậy nhưng, chàng trai Thế Phong vẫn cứ trắng trẻo, hiền lành… và quyết định ăn chay cho đỡ tốn kém thay vì đi ăn… cướp. Sau đó, Phong cùng một người bạn mở quán cà phê cóc, quán phá sản ngay tức thì vì thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm kinh doanh. Vét hết những đồng còn sót lại chẳng biết để làm gì, Phong bèn đi mua một cái máy chụp hình hiệu Zenik giá 800 ngàn rồi đến Nhà văn hóa Phụ Nữ  TP Hồ Chí Minh đăng ký học khóa nhiếp ảnh 3 tháng. Học xong cũng chẳng biết để làm gì, Phong lại tiếp tục đi làm bồi bàn. Cho đến năm 1998, anh chuyển sang sống bằng nghề chụp hình dạo. Nhờ từng lăn lóc với cuộc đời, Phong đã nhanh nhạy, lịch thiệp, chịu khó… nên thu hút khá nhiều khách hàng, nói chung là tiền kiếm cũng đủ để… ăn chay.

 

Tre-em-1-081230.gif

Trẻ em ở bãi rác Đông Thạnh - Ảnh: T.T.PHONG

 

TRỞ THÀNH NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH NHỜ TRẺ EM

 

Chỉ sau hai năm cầm máy, Phong đã “bén duyên”, gây được sự chú ý của giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp khi chụp bức ảnh cầu Mỹ Thuận nhân dịp cây cầu này được khánh thành năm 2000. Bức hình của Thế Phong chụp cầu Mỹ Thuận năm đó đã được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh trao huy chương vàng và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trao huy chương bạc. Liên tiếp ngay các năm sau đó, Thế Phong gắn tên mình với hơn 50 giải thưởng. Giải quốc tế có thể kể: Grand Prix và huy chương Asashi Shimbun của Nhật 2001, Giải xuất sắc châu Á hai năm liền 2001 - 2002. Giải trong nước có thể tính: Giải báo chí TP Hồ Chí Minh cho tác phẩm Mưu sinh chụp cảnh trẻ em kiếm sống ở bãi rác Đông Thạnh năm 2001, Giải nhất báo chí TP Hồ Chí Minh và giải B ảnh nghệ thuật VN cho chùm ảnh bão Chan Chu năm 2005. Với khoảng 7 năm cầm máy, số lượng giải thưởng nhận được như vậy có thể gọi là “một gia tài đáng nể”.  Anh đã được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh và VN trao thẻ hội viên.

 

Đến nay, Trần Thế Phong mới triển lãm ảnh một lần duy nhất vào năm 2005 bằng chùm ảnh bão Chan Chu tại Nhà văn hóa Thanh Niên gây quỹ từ thiện giúp đồng bào. Anh đã mất 3 ngày và 20 cuộn phim ngay trong tâm bão để ghi hình. Cũng cần nói thêm, lúc đó Thế Phong vẫn là tay máy “không biên chế” nên mọi tác nghiệp của anh đều tự túc. Nói vậy để thấy rằng, lao động nghệ thuật trong ảnh Thế Phong chính là sự chân thật đến không thể chân thật hơn. Do đó, ảnh của anh vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính báo chí. Tự đánh giá về bản thân, Thế Phong tâm đắc nhất với đề tài trẻ em đường phố. Dường như tuổi thơ lấm láp vẫn ám ảnh Thế Phong khi anh đối diện với những mảnh đời cũng như anh một thời. Mong muốn một cuộc triển lãm “hướng về ngày cũ” của Thế Phong đã thành hiện thực. 99 bức ảnh thiếu nhi được trưng bày vẫn chỉ là một phần nhỏ trong hàng ngàn tác phẩm của anh. Ai cũng có một tuổi thơ để nhớ, Trần Thế Phong chụp hình trẻ em cũng là để nhớ về tuổi thơ mình và hy vọng tuổi thơ bây giờ không còn nhọc nhằn như anh thuở nào. Anh chia sẻ đầy xúc động: “Tôi chụp hình trẻ em cũng đồng nghĩa với việc tôi tìm lại tuổi thơ của mình vậy”.

 

HÒA AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vẫn còn khoảng trống
Chủ Nhật, 28/12/2008 14:00 CH
Hip hop/R&B vẫn được ưa chuộng nhất
Thứ Bảy, 27/12/2008 07:36 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek