Thứ Sáu, 04/10/2024 10:18 SA
Nhà văn Y Điêng:
Phải đào tạo nhân lực cho văn học – nghệ thuật dân tộc thiểu số, miền núi
Thứ Bảy, 06/05/2006 07:26 SA

Tháng tư vừa rồi, Hội nghị Văn học  – Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. Đây là hội nghị diễn ra định kỳ 2 năm một lần để những văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số, miền núi và những người chuyên viết, thực hiện các công trình văn học -–nghệ thuật cho dân tộc thiểu số nhìn lại kết quả hoạt động và hoạch định cho tương lai. Đoàn Phú Yên tham dự hội nghị nói trên có các nhà văn, nhà nghiên cứu: Y Điêng, Ka Sô Liễng, Triệu Lam Châu. Phú Yên cuối tuần đã gặp nhà văn Y Điêng sau khi ông từ hội nghị trở về.

 

* Thưa nhà văn, những vấn đề nổi cộm nhất được bàn luận tại Hội nghị Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam vừa rồi là gì?

 

060507-ydieng.jpg- Hầu hết các ý kiến đều cho rằng hiện nay, gần như tất cả các thể loại văn học - nghệ thuật của các dân tộc thiểu số hiện còn rất thiếu, rất hẫng hụt. Chính vậy, anh em văn nghệ sĩ sáng tác cho người dân tộc thiểu số mong muốn Đảng và Nhà nước thấy được điều đó để tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số hoạt động tốt hơn. Đồng thời đào tạo được một số gương mặt mới để tiếp tục vun đắp cho sự nghiệp của văn học – nghệ thuật các dân tộc thiểu số miền núi Việt Nam.

 

* Là một người con của núi rừng, chuyên viết về bản làng, về dân tộc, về quê hương, bây giờ ông suy nghĩ điều gì nhất?

 

- Với tôi, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là đào tạo con người cho văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số và miền núi. Lâu nay chúng tôi làm văn nghệ là làm tự thân, có người viết nhiều, làm nhiều; nhưng cũng có người chỉ viết một bài thơ hay một nửa cái ký, rồi thôi. Thành ra, bây giờ việc rất cần là phải đào tạo rộng, tôi nói rộng theo hai nghĩa là lớn về lực lượng và lực lượng đó phải có nhiều hiểu biết, nhiều kiến thức. Làm sao để người văn nghệ sĩ cảm thấy yêu nền văn học - nghệ thuật của mình, khi đó người ta sẽ làm hay,  sẽ lăn xả vào trang viết và sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Nếu được mở những lớp như thế, không những tôi sẵn sàng mà còn vận động một số anh em khác tham gia nói chuyện, truyền đạt kinh nghiệm ngay.

 

Ngoài ra, viết văn bằng tiếng dân tộc theo tôi cũng là một vấn đề rất đáng được quan tâm. Chuyện này tôi nghĩ không chỉ giới làm văn học nghệ thuật, mà ngành giáo dục từ Trung ương đến địa phương cũng phải tính đến. Phải dạy cho con em chúng tôi, những người đồng bào dân tộc thiểu số biết chữ của chính dân tộc mình. Khi đó nhà văn viết bằng tiếng bản địa mới có người đọc được, mới có hiệu quả được. Tôi ví dụ, mấy năm trước, tỉnh ta có đào tạo cho mấy chục anh em học tiếng Êđê, nhưng họ học rồi, biết chút ít rồi bây giờ lại không có tài liệu, không có sách để đọc, thành ra cuối cùng tôi nghĩ  chắc là cũng như không!

 

* Đánh giá, nhận xét của ông về nền văn học – nghệ thuật các dân tộc thiểu số Phú Yên? Hướng phát triển theo ông đề xuất là như thế nào?

 

060506-yd.jpg

Ảnh: Trần Quỳ

 - Gần như các chuyên ngành văn học – nghệ thuật của Phú Yên bây giờ đều vắng bóng các anh em văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số, chỉ có vài người, đếm trên một bàn tay cũng không đủ. Phải làm thế nào để nền văn nghệ các dân tộc thiểu số và miền núi Phú Yên phát triển? Tôi nghĩ trước tiên các hội chuyên ngành cần có những lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho những anh em có he hé một chút năng khiếu, nói chung là khả năng có tiềm năng. Thế hệ chúng tôi như những cái hoa sung đã nở rồi nên Hội Nhà văn lấy thúng hứng thôi. Còn bây giờ bảo tìm ra được những tên tuổi mới của nền văn học các dân tộc thiểu số thì khó lắm. Thành ra phải tìm những người ở buổi ban đầu, tập huấn cho họ nhiều lần thì may ra mới đào tạo thành công.

 

Một vấn đề nữa là những hội viên của các hội chuyên ngành trong tỉnh cũng nên chịu khó thâm nhập về vùng núi, vùng dân tộc thiểu số để viết, để sáng tác. Tôi cũng đề nghị thêm là nếu những công trình đó, bài viết đó được đăng báo thì nên gởi về cho bà con trong vùng đó họ xem. Điều này có hai ý nghĩa: một là kích thích người dân yêu văn học – nghệ thuật hơn, hai là họ thẩm định xem ông văn nghệ sĩ đó viết có đúng không để phản hồi; lâu nay nhiều người chúng ta viết về đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu “chuẩn” lắm, nói thẳng là có người viết không chính xác.

 

* Xin cám ơn nhà văn.

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek